Bộ Tư pháp nói gì về vấn đề người không quốc tịch?

Hoà Nguyễn Thứ tư, ngày 01/01/2020 14:09 PM (GMT+7)
Trong Hội nghị triển khai công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực và nuôi con nuôi, vấn đề người không quốc tịch được lãnh đạo Bộ Tư pháp trăn trở vì khó và nhạy cảm.
Bình luận 0

Cụ thể, mới đây, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực và nuôi con nuôi. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc đã chủ trì Hội nghị.

Theo báo cáo, trong năm 2019, đã có 60/63 địa phương sử dụng Hệ thống đăng ký, quản lý hộ tịch dùng chung.

Ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch và chứng thực cho biết, năm 2019 Cục đã phối hợp với Cục Công nghệ thông tin đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Đề án và mở rộng phạm vi áp dụng Hệ thống đăng ký, quản lý hộ tịch dùng chung.

Tính đến 18/12/2019, đã có 60/63 địa phương triển khai sử dụng hệ thống; trong đó, 58/60 địa phương đã tham gia sử dụng đầy đủ các ứng dụng của Hệ thống, thực hiện kết nối để cấp số định danh cho trẻ em khi đăng ký khai sinh - tăng thêm 22 tỉnh/thành phố số với năm 2018.

img

Lãnh đạo Bộ Tư pháp nhìn nhận, vấn đề người không quốc tịch là vấn đề khó, nhạy cảm và đề nghị cấp tham mưu nghiên cứu, đánh giá, không dung túng cho việc lợi dụng giấy tờ để trục lợi.

Về lĩnh vực quốc tịch, Cục đã tham mưu Bộ trưởng thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, trình Chủ tịch nước giải quyết 6.891 hồ sơ thôi, xin nhập, xin trở lại quốc tịch Việt Nam, tăng 22,8% so với năm 2018.

Cục đã trả lời tra cứu quốc tịch Việt Nam của 1.093 trường hợp để làm cơ sở cho việc cấp Giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam, cấp Hộ chiếu Việt Nam, giảm 8,48% so với năm 2018. Việc giảm này là do Cục đã thực hiện việc chia sẻ Cơ sở dữ liệu về quốc tịch cho Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh trực tiếp thực hiện việc tra cứu.

Công tác xây dựng văn bản, đề án được triển khai khẩn trương, việc tổ chức triển khai thi hành các văn bản liên quan đến lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực tiếp tục được triển khai đồng bộ, hiệu quả. 

Theo ông Đặng Trần Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Con nuôi, tính đến hết tháng 10/2019, trên toàn quốc giải quyết được 2.447 trường hợp nuôi con nuôi trong nước, tăng 98 trường hợp so với cùng kỳ năm 2018.

Đến thời điểm này, số lượng đăng ký nuôi con nuôi trong nước là 2.936 trường hợp.

Đối với lĩnh vực nuôi con nuôi nước ngoài, với con số 359 trường hợp nuôi con nuôi nước ngoài đã được giải quyết thì so với năm 2018, số lượng hồ sơ được giải quyết giảm 71 trường hợp, giảm tỷ lệ 17%.

Cục Con nuôi đã tiếp nhận 1.250 lượt báo cáo về tình hình phát triển, hòa nhập của trẻ em đã được giải quyết cho làm con nuôi nước ngoài.

Theo kết quả tổng hợp, theo dõi, về cơ bản các cháu đều phát triển tốt, hòa nhập tốt và được chăm sóc y tế kịp thời nhất là trẻ em bị bệnh, bị khuyết tật.

Nhấn mạnh tại hội nghị, về công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc chia sẻ trăn trở của mình về vấn đề người không quốc tịch. Đây là vấn đề khó và nhạy cảm, ông Ngọc đề nghị Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, nhưng kiên quyết không dung túng cho việc lợi dụng giấy tờ để trục lợi.

Về lĩnh vực con nuôi, vị lãnh đạo Bộ Tư pháp cho rằng ngoài việc thực hiện đúng tinh thần, quy định, cần phải khai thông điểm nghẽn nguồn thông tin về trẻ cần tìm gia đình thay thế.

Theo Thứ trưởng Ngọc, hiện nay vẫn đang có sự cắt khúc giữa các bộ, ngành mà sự phối hợp liên ngành chưa thực sự hiệu quả. Do đó, Cục Con nuôi cần tiếp tục nghiên cứu để khai thông điểm nghẽn này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem