Bóc gỗ rừng tự nhiên đem đi bán (Bài 2): Đại công xưởng bóc gỗ "ăn rừng"

Gia Tưởng Thứ sáu, ngày 13/08/2021 17:08 PM (GMT+7)
Chúng tôi theo dấu đường đi của gỗ từ trong rừng về đến các xưởng bóc rất kỳ công. Vì người dân đều quen nhau, một người lạ vào vùng này sẽ bị phát hiện.
Bình luận 0

Những xưởng bóc gỗ "ăn" rừng

Theo thông tin từ cơ sở cung cấp, ở khu vực 3 xã Thiện Long, Thiện Thuật và Hòa Bình của huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn hiện đang có 17 xưởng bóc gỗ.

Vào vai người muốn tìm hiểu về máy móc làm ván bóc ở tỉnh Hòa Bình, chúng tôi đã nhiều lần thử hỏi thăm những xưởng bóc gỗ này. Tuy nhiên rất khó tiếp cận vì… lạ mặt.

Xung quanh các xưởng bóc gỗ đều được bảo vệ bằng những hàng rào tôn kín cổng cao tường. Cổng xưởng bóc gỗ luôn khóa, chỉ mở khi có xe gỗ ở rừng về và xe chở ván bóc đi phơi.

Sau nhiều ngày, chúng tôi mới tiếp cận được xưởng bóc gỗ của một người đàn ông tên Nguyên, ngay gần UBND xã Thiện Long. Ngay trước cửa xưởng chất những đống gỗ to nhỏ. Trong số đó, chủ yếu là gỗ dẻ, gỗ sau sau,… đường kính từ 20-40cm.

Là người gắn bó với rừng, D cho rằng, đống gỗ được chất trước xưởng là gỗ rừng tự nhiên. Gỗ từ rừng tự nhiên mới có đường kính lên tới 40cm như vậy. Nếu là gỗ keo, hay gỗ mỡ, cả vùng này chưa có nhà ai trồng để được cây gỗ to đường kính đến 20cm. Hầu như người dân đều thu hoạch trước khi đường kính thân gỗ đạt 20cm.

Bài 2 đường đi của gỗ rừng. - Ảnh 1.

Công nghệ bóc gỗ ở xưởng bóc huyện Bình Gia. Ảnh Gia Tưởng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nếu hoạt động đều, mỗi ngày, một xưởng bóc như của ông Nguyên có thể "ngốn" khoảng 40-60m3 gỗ các loại. Khi hàng nhiều phải huy động chạy máy vào ban đêm.

Sở dĩ, xưởng này hoạt động tốt vì nằm ngay mặt đường nhựa, thuận tiện về giao thông. Còn một lý do tế nhị nữa, là ông chủ xưởng cũng là người "có tiếng" ở địa phương. 

Một xưởng bóc gỗ lớn khác là xưởng của ông Chung ở xã Thiện Thuật. Một ngày, xưởng bóc gỗ này có thể "xơi" từ 30- 50m3 gỗ với quy trình bóc được khép kín.

Theo đó, gỗ từ rừng về được cưa thành từng khúc dài 1m. Sau khi về xưởng, những khúc gỗ được công nhân cho lên băng chuyền quay tròn xử lý hết các mấu mắt, rồi đưa vào máy bóc.

Gỗ tròn được bóc vỏ có độ dày 0,37cm, chiều rộng 30cm, để làm sao cứ 30 miếng ván bóc thành 1 bó, và 35 bó như vậy sẽ được 1 khối gỗ thành phẩm để bán cho những các mối mua hàng chở bằng container.

Bài 2 đường đi của gỗ rừng. - Ảnh 2.

Gỗ được chất đống tại xưởng bóc, mỗi cây đều có đường kính từ 20-40cm. (Ảnh: Gia Tưởng)

D thuộc tên và gần như biết được công suất của từng xưởng bóc gỗ trong vùng: "Nếu tính bình quân 17 xưởng bóc này mỗi ngày hoạt động chỉ bóc 15m3, một tháng hoạt động chỉ 20 ngày thì rừng Bình Gia bị phanh thây bao nhiêu nghìn mét khối gỗ. Lượng gỗ tiêu thụ như vậy thì toàn bộ diện tích rừng trồng mà bà con được quyền khai thác chắc chỉ đủ cho các xưởng bóc ở đây làm 2 ngày rồi đắp chiếu cả tháng.

Nhưng 17 xưởng bóc gỗ vẫn hoạt động cả ngày lẫn đêm và người ta vẫn tiếp tục đang dựng thêm xưởng mới. Cá biệt, có những gia đình ăn nên làm ra từ nghề bóc gỗ này và có tới 4 xưởng bóc ở quy mô lớn".

Nghề siêu lợi nhuận

Sở dĩ các xưởng bóc gỗ ở Bình Gia đua nhau mọc lên như nấm, vì nó là một nghề siêu lợi nhuận. Trong những ngày thâm nhập ở vùng này, chúng tôi đã được một chủ xưởng bóc gỗ chỉ cho công thức tính.

Cụ thể, gỗ tạp ở rừng tự nhiên có giá chung khi mua là 500.000 đồng/m3. Khi đưa về xưởng bóc, cứ 2,2m gỗ có giá 1,1 triệu đồng, thì thu được 1m3 ván bóc.

Trừ các loại chi phí như công bóc, giá điện, khấu hao đầu tư máy, công phơi ván,… lúc mang bán thu về 2,7 triệu đồng/m3 gỗ ván.

Nếu một xưởng làm được 10m3/ngày thì có thể thu lời hàng chục triệu đồng mỗi ngày. Bởi vậy, con số xưởng bóc gỗ ở huyện Bình Gia vẫn tiếp tục tăng, nhiều xưởng được đầu tư máy bóc hiện đại, sử dụng ít nhân công mà năng suất cao.

Dọc 2 bên đường vào xã Hòa Bình, chúng tôi bắt gặp một cảnh tượng... choáng váng. Suốt 4km đường, dọc hai bên đều là những tấm ván bóc được phơi trắng xóa, đợi khô sẽ bó lại.

Ngay cả trường mẫu giáo của xã Hòa Bình, người dân cũng tận dụng để phơi ván bóc kín xung quanh, chỉ còn một lối vào be bé.

Cụ ông tên Chân, năm nay 80 tuổi, đang bó những tấm ván lại để đợi container đến mua, nói: "Chúng tôi bán gỗ cho các chủ xưởng bóc, rồi lại phơi thuê cho họ. Mỗi một bó ván như này là 30 miếng, phơi độ 3 ngày thì khô, rồi bó lại, người dân được trả 4.000 đồng tiền công mỗi bó".

Cụ Chân cũng cho biết thêm, ở đây gỗ để bóc làm ván đều là gỗ rừng tự nhiên cả, không phải là gỗ rừng trồng. Bà con đều cưa rừng Nhà nước phân cho nhà mình khoanh nuôi để bán, được đồng nào hay đồng ấy.

Bài 2 đường đi của gỗ rừng. - Ảnh 3.

Xe container vào mua gỗ ván bóc tại xã Thiện Thuật, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn. (Ảnh: Gia Tưởng)

Một chủ xưởng cho biết, ở đây chủ yếu bóc gỗ rừng tự nhiên chứ không bóc gỗ rừng trồng. Gỗ rừng trồng chủ yếu là keo và bạch đàn. Bà con ở đây có thu hoạch được thì cũng bán cho các lái buôn ở Phú Thọ và Thái Nguyên với giá 800.000 đồng/m3.

Gỗ trồng không chỉ có giá thấp, mà gỗ trồng còn có đường kính nhỏ, bóc mất công, cũng không hiệu quả. Chỉ có gỗ rừng tạp là bóc "ngon" nhất, nguyên liệu sẵn, giá rẻ, chỉ mất công "làm luật" một chút là hoạt động thoải mái.

Cũng theo chủ xưởng này, ván bóc rất được thị trường Trung Quốc ưa chuộng. Có bao nhiêu ván bóc cũng được mua hết, các chủ hàng còn đặt tiền trước. Khi có ván bóc, họ điều xe đầu kéo đến bốc hàng rồi vận chuyển đi, các chủ xưởng chỉ việc giao cho họ tại xưởng.

Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin sự việc.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem