Bón phân hóa học lâu năm có làm cho đất lúa bị thoái hóa không?

GS.TS. Mai Văn Quyền Thứ ba, ngày 27/12/2022 10:07 AM (GMT+7)
Khi tiếp xúc và làm việc với bà con nông dân ở Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), các nhà khoa học thường được nghe bà con hỏi: “Qua báo chí và tin đồn cho rằng bón phân hóa học liên tục cho ruộng lúa sẽ làm đất bị thoái hóa. Nếu đúng làm sao để khắc phục cho đất được tốt hơn?”.
Bình luận 0

Để hiểu rõ vấn đề này trước hết ta cần biết rằng đất đai nói chung được hình thành là do quá trình phong hóa lâu ngày từ các loại đá mẹ mà có. Do cấu trúc của các loại đá mẹ có nhiều đặc tính về vật lý và hóa học rất khác nhau, nên các loại đất được tạo ra cũng có đặc tính vật lý và thành phần dinh dưỡng rất khác nhau.

Hàng năm, đất lại chịu tác động của mưa, nắng, bão, lụt và cả tác động đa dạng của con người, nên cũng có loại đất được tốt hơn, nhưng cũng có nhiều loại đất bị mất nhiều chất dinh dưỡng nên cũng bị xấu đi. Quá trình này nếu không có biện pháp một cách hợp lý thì cũng có nhiều loại đất tự nó dần dần cũng sẽ bị thoái hóa.

Chất lượng của đất lúa tại ĐBSCL sau hơn 40 năm sử dụng phân hóa học hiện ra sao?

Đối với đất lúa ở Đồng Bằng Sông Cửu Long, nằm ở lưu vực sông Mekong, hàng năm, vào mùa mưa được tiếp nhận một lượng phù sa khá lớn bồi đắp nên đất đai khá màu mỡ.

Nói vậy, nhưng trong 4 triệu ha đất đai tự nhiên cũng bao gồm nhiều loại đất: Đất phù sa ngọt nằm dọc theo lưu vực sông Tiền, sông Hậu; Đất phù sa phủ trên nền phèn là vùng tiếp giáp giữa vùng đất phù sa với các vùng đất phèn của Đồng Tháp Mười, Tây Sông Hậu và Tứ Giác Long Xuyên; Đất nhiễm mặn và đất mặn ven biển, đất xám bậc thềm cao ở khu vực Đức Hòa, Long An.

Bón phân hóa học lâu năm có làm cho đất lúa bị thoái hóa không? - Ảnh 1.

Thu hoạch lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Q.H

Do đó, bản thân đất trồng lúa trong khu vực ĐBSCL khi chưa sử dụng phân hóa học thì đặc tính vật lý, độ phì cũng rất khác nhau; có một số loại ở một số tiểu vùng như vùng phèn, mặn hay ven đồi núi như vùng Hòn Đất, Kiên Giang, tự nó cũng bị thừa, thiếu các chất dinh dưỡng và độc tố rất khác nhau.

Muốn đánh giá đất lúa có bị suy thoái hay không, ta phải dựa vào các chỉ tiêu về vật lý, hóa học của đất làm căn cứ, và cũng cần căn cứ vào một chỉ tiêu rất quan trọng là tình trạng sinh trưởng và năng suất của cây lúa quyết định. Vì khi đất đã bị suy thoái thì làm gì có môi trường tốt để cây sinh trưởng, phát triển tốt và cho năng suất cao, vụ sau cao hơn vụ trước?

Để trả lời câu hỏi có phải do bón phân hóa học lâu ngày làm cho đất lúa ở ĐBSCL bị suy thoái hay không, nhóm tác giả (GS.TS. Nguyễn Bảo Vệ, cùng công sự) dựa trên nền của chương trình Canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu; đã tiến hành khảo sát lấy mẫu đất, nước của 38 điểm của 13 tỉnh ở ĐBSCL, nhắc lại 2 vụ Đông Xuân và Hè Thu thành 76 mẫu để phân tích các chỉ tiêu về chất hữu cơ, độ pH (H20), đạm tổng số (N%), P dễ tiêu (Pdt), kali dễ tiêu (Kdt), độ dẫn điện Ec, Ca và Mg trao đổi.

Các kết quả phân tích được so sánh với số liệu do Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp nghiên cứu phân tích vào năm 1977, ngay sau khi Miền Nam được giải phóng hoàn toàn, chưa có nhiều phân hóa học bón cho cây lúa để làm đối chứng. Số lượng phân hóa học được sử dụng ngày càng nhiều chỉ bắt đầu sau 1995, khi nước Mỹ dỡ bỏ cấm vận và Việt Nam có điều kiện sản xuất và nhập khẩu phân hóa học nhiều cho nền Nông nghiệp của đất nước. Và nhờ vậy, chương trình của Bình Điền mới có cơ hội so sánh thực trạng độ phì nhiêu của đất lúa ở ĐBSCL một cách có cơ sở.

Từ kết quả nghiên cứu của Công ty Bình Điền, và dựa vào chỉ tiêu phân hạng (tốt, trung bình và xấu) của Hội Khoa học Đất Việt Nam để làm cơ sở đánh giá thì cho thấy chất lượng của đất lúa tại ĐBSCL sau hơn 40 năm sử dụng phân hóa học được thể hiện như sau:

Về chất hữu cơ ở tầng canh tác (một chỉ tiêu quan trọng về độ phì nhiêu của đất), tài liệu đối chứng (năm 1977) có 12,5% mẫu có hàm lượng hữu cơ thấp, 62,5% đạt mức trung bình, còn mức cao và rất cao chiếm 25%. Trong lúc đó, đất lúa hiện tại không có mẫu nào có hàm lượng chất hữu cơ thấp, mức trung bình chỉ có 3,8% còn lại 96,2% có hàm lượng chất hữu cơ đạt mức cao và rất cao.

Bón phân hóa học lâu năm có làm cho đất lúa bị thoái hóa không? - Ảnh 2.

Nông dân tham quan mô hình canh tác lúa thông minh của Bình Điền. Ảnh: Ngọc Vân

Về đạm tổng số (N%), ở đối chứng không có mẫu nào có lượng N ở mức nghèo, mức trung bình có 25% và mức giàu chiếm 75%. Trong lúc đó đất lúa hiện nay có 92% mẫu đạt mức N rất giàu, chỉ có 7,8% còn đạt mức trung bình.

Về chỉ tiêu lân dễ tiêu (Pdt), ở đối chứng, tuyệt đại bộ phận chỉ đạt mức nghèo (78,9%), chỉ có 21,05% đạt mức trung bình. Trong lúc đất lúa hiện tại tuyệt đại bộ phận các mẫu (96,15%) đạt mức trung bình, chỉ có 3,84% đạt mức nghèo Pdt.

Về độ pH (H20): Ở đối chứng có 87,5% mẫu thuộc diện chua, trong lúc ở đất lúa hiện tại có 61,53%, còn lại 38,4% thuộc mức trung bình và cao.

Ca và Mg trao đổi do ở số liệu đối chứng không có chỉ tiêu này. Nhưng ở đất lúa hiện tại không có mẫu nào thuộc loại nghèo, số còn lại thuộc loại trung bình và cao. Tác giả (GS.TS. Nguyễn Bảo Vệ) cũng lưu ý là Tiểu vùng ven biển có hàm lượng Ca dt thấp hơn các vùng nước ngọt và vùng giáp biên giới Campuchia, ngược lại hàm lượng Mg dt vùng ven biển khá cao làm cho tỷ lệ Ca/Mg vùng này khá thấp.

Đất lúa ở ĐBSCL không những không bị suy thoái mà trái lại còn tốt hơn?

Dựa vào các dưỡng chất thiết yếu chứa trong đất như chất hữu cơ, N%, Pdt, Kdt, Ca, Mg trao đổi và độ pH(H20) sau 40 năm sử dụng số lượng phân khoáng rất cao so với các nước trồng lúa chính ở khu vực Đông Nam Á (Hiệp hội phân bón thế giới, 2007) thì đất lúa ở ĐBSCL không những không bị suy thoái mà trái lại còn tốt hơn so với trước khi sử dụng nhiều phân khoáng (số liệu của năm 1977).

Bằng chứng hùng hồn là năng suất lúa ngày càng tăng một cách vững chắc (năm 1975: 2,27 tấn, năm 1995: 4,02 tấn và năm 2021 là 5,85 tấn).

Về chất hữu cơ, một chỉ tiêu quan trọng để đánh giá độ phì nhiêu của đất thì không có khu ruộng nào thuộc loại nghèo, đa số đạt mức trung bình cho đến rất giàu. Nhưng để nâng cao chất lượng của chất hữu cơ thì cần chú ý kỹ thuật tưới nước kết hợp tháo cạn xen kẻ hợp lý để tăng quá trình khoáng hóa cho ruộng lúa.

Bón phân hóa học lâu năm có làm cho đất lúa bị thoái hóa không? - Ảnh 3.

Theo các nhà khoa học, việc sử dụng phân Đầu Trâu Mặn Phèn hoặc vôi bón theo khuyến cáo cho vùng phèn, mặn là rất cần thiết

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy đất lúa ở ĐBSCL đã có đủ hàm lượng hữu cơ nên bà con không phải băn khoăn bón thêm hữu cơ cho cây lúa trong khu vực này. Nhận xét này được công trình nghiên cứu của Viện lúa Quốc tế (IRRI) ở Philippine làm hậu thuẫn rất vững chắc. Ở IRRI đã tiến hành nghiên cứu cắt bỏ hết rơm rạ khỏi đất lúa, thí nghiệm được bắt đầu từ 1963, tổng kết vào năm 2008, mỗi năm trồng 3 vụ lúa độc canh, tổng cộng 133 vụ chỉ bón P,K và Zn, không bón N mà chất hữu cơ vẫn tương đương với công thức bón đầy đủ các chất dinh dưỡng (Roland J.Buresh, IRRI, 2012).

Do số lượng phân hữu cơ được sản xuất có hạn; vì vậy, chỉ nên ưu tiên bón cho đất lúa vùng đất xám nghèo chất hữu cơ, phần còn lại ưu tiên dùng cho các cây hoa màu và cây công nghiệp thì sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn.

Về định lượng thì hàm lượng Ca, Mg trao đổi khá đầy đủ. Nhưng tỷ lệ 2 chất này phân bố không đều. Vùng ven biển có Mg nhiều hơn Ca, ngược lại 2 vùng còn lại (Vùng giữa và vùng tiếp giáp Campuchia) thì Ca nhiều hơn Mg làm cho tỷ lệ Ca/Mg thiếu cân đối nhất là vùng ven biển.

Vì vậy việc sử dụng phân Đầu Trâu Mặn Phèn hoặc vôi bón theo khuyến cáo cho vùng phèn, mặn là rất cần thiết.

Việc áp dụng kỹ thuật canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, bón phân Đầu Trâu TE-A1 và TE-A2 cùng với phân Đầu Trâu Mặn Phèn cho lúa ở ĐBSCL theo phương pháp và liều lượng được quy định thì không sợ làm cho đất lúa bị thoái hóa mà còn làm tăng độ phì nhiêu cho đất, tăng năng suất, tăng hiệu quả kinh tế cho người trồng lúa để đạt lợi nhuận trên mức 30% là điều chắc chắn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem