Bóng cười và nước mắt “thiêu thân”: Bóng cười đang "bay" ngoài luật pháp

Lam Anh - Văn Hoàng Thứ bảy, ngày 26/11/2022 07:45 AM (GMT+7)
Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Dân Việt, Luật sư Nguyễn Phó Dũng, Giám đốc Công ty Luật TNHH OPIC và Cộng sự cho rằng, bản thân luật pháp Việt Nam chưa có một quy định nào nói đến bóng cười. Vì vậy, thời gian tới phải xây dựng, sửa đổi bổ sung các quy định của pháp luật về việc kinh doanh bóng cười.
Bình luận 0

Kiểm soát chặt chẽ hành vi buôn bán, sử dụng bóng cười

Theo Luật sư Nguyễn Phó Dũng, Giám đốc Công ty Luật TNHH OPIC và Cộng sự, bóng cười là một quả bóng được bơm khí N2O, khi một người hít vào sẽ gây nên ảo giác cho người hít. Hiện tại pháp luật chỉ quy định về việc sản xuất khí N20, bản thân khí N20 cũng không được quy định vào danh mục chất ma túy, mà chỉ quy định là hóa chất công nghiệp hạn chế kinh doanh.

Hiện tại pháp luật có Nghị định 17/2022, quy định về xử phạt đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh khi không đáp ứng các điều kiện kinh doanh, cũng như kinh doanh các hóa chất thuộc danh mục phải có giấy phép. Hiện quy định cũng mới dừng lại ở xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở, tổ chức kinh doanh không đủ điều kiện, không có giấy phép và mức xử phạt cao nhất mới chỉ dừng lại ở góc độ 20 triệu đồng đến 50 triệu đồng.

Bóng cười và nước mắt “thiêu thân”: Bóng cười đang "bay" ngoài luật pháp - Ảnh 1.

Luật sư Nguyễn Phó Dũng, Giám đốc Công ty Luật TNHH OPIC và Cộng sự. Ảnh: Đức Minh

Theo luật sư Dũng, mức phạt này chưa phải là cao cũng chưa đảm bảo điều kiện để răn đe hành vi, hậu quả các tổ chức kinh doanh bóng cười để lại cho thế hệ trẻ, cũng như người sử dụng thường xuyên và hít thường xuyên cái khí N2O. 

Việc không cấm người sử dụng bóng cười xuất phát từ quyền tự do kinh doanh và việc không cấm các cá nhân sử dụng bóng cười là một lỗ hổng lớn của pháp luật. Với lỗ hổng này, cơ quan nhà nước cần phải xây dựng những cơ sở, những chính sách, những quy định của pháp luật, để quy định đối với trường hợp nào được phép kinh doanh cái này và trường hợp nào cá nhân được sử dụng, được hít loại khí N20, sử dụng bóng cười. Luật cần phải bịt kẽ hở lại bằng việc là cấm cá nhân sử dụng bóng cười. Và từ đó là áp dụng những chính sách, những quy định mang tính răn đe đối với cá nhân và tổ chức để cho cá nhân sử dụng bóng cười trong cơ sở sản xuất kinh doanh của mình.

Bóng cười và nước mắt “thiêu thân”: Bóng cười đang "bay" ngoài luật pháp - Ảnh 3.

Hình ảnh một số bạn trẻ sử dụng bóng cười trong một quán bar ở Hà Nội do nhóm phóng viên Dân Việt ghi nhận. Ảnh: Lam Anh

Luật sư Dũng kiến nghị phải xây dựng, sửa đổi bổ sung các quy định của pháp luật về việc kinh doanh bóng cười. Phải quy định một cách chặt chẽ, về việc cá nhân, tổ chức nào được phép kinh doanh và khi kinh doanh được phép thì phải kinh doanh như thế nào cho đúng.

Theo ông Dũng, phải nghiêm cấm toàn bộ các cá nhân sử dụng cái bóng cười cũng như không cho phép cá nhân được sử dụng bóng cười trong các cơ sở, tổ chức kinh doanh. Và từ đó là xây dựng thêm các quy chế để mang tính răn đe khi phát hiện một cá nhân, tổ chức kinh doanh để cho một cá nhân nào sử dụng bóng cười trong các tổ chức kinh doanh, ví dụ như thu hồi giấy phép kinh doanh, đóng cửa cơ sở kinh doanh.

Cần nghiêm cấm sử dụng bóng cười và xử lý hình sự khi phát hiện vi phạm

Qua loạt Phóng sự Điều tra đã đăng tải trên Báo điện tử Dân Việt cho thấy, mức độ nguy hiểm của bóng cười đối với sức khỏe, tính mạng của giới trẻ; đồng thời để lại những hệ lụy cho gia đình và xã hội rất lớn.

Trước thực trạng trên, nhiều ý kiến cho rằng, cần quản lý chặt hơn nữa việc kinh doanh khí N20. Ý kiến khác lại quyết liệt, cần phải đưa N20 vào danh mục các chất ma túy và tiền chất.

Cụ thể, nghị định "Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều luật hóa chất", N20 nằm trong danh mục hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp. Có nghĩa là khí N20 chỉ được phép mua bán, sản xuất trong công nghiệp.

Bóng cười và nước mắt “thiêu thân”: Bóng cười đang "bay" ngoài luật pháp - Ảnh 5.

Cảnh sanh chiết bóng cười tại một quán bar ở Hà Nội do nhóm phóng viên Dân Việt ghi nhận. Ảnh: Lam Anh

Tuy nhiên thực tế, rất nhiều cơ sở đang lợi dụng với mục đích kinh doanh, bán cho con người để sử dụng vào mục đích vui chơi giải trí. Trong khi hóa chất này, nếu hút vào cơ thể sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe, thậm chí là cả tính mạng. Đặc biệt sẽ gây nghiện như các loại ma túy.

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: "Với đặc tính của N20, với các tác dụng trên cơ thể, về y tế, nó tác dụng giống hệt như là nhóm OPIAT hay phổ biến nhất là HEROIN. Và với cách thức lạm dụng, sử dụng tăng dần liều từ một vài quả đến hàng nhiều bình một ngày và cái lạm dụng rõ ràng có hiện tượng nghiện".

Còn theo Tiến sĩ danh dự Lê Trung Tuấn, Giám đốc Viện nghiên cứu tâm lý người nghiện ma túy (SPD), "chúng ta cần có những chế tài quyết liệt cũng như xử phạt nghiêm và bổ sung vào danh mục cấm lưu hành, kiểm soát N20 trong bóng cười chặt chẽ"

"Theo tôi là phải cấm tiệt, chỉ cho các cơ quan nào được phép sử dụng thôi và trên đường đi vận chuyển mà thấy là cho vào hình sự chứ tôi nghĩ là không phạt tiền" - PGS.TS Tô Thanh Phương, Nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương nêu quan điểm.

Trước thực trạng buôn bán, sử dụng bóng cười nhiều như hiện nay, Bộ Công Thương từng đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, bộ ngành, địa phương tăng cường thanh kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng khí N2O trong mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội; xử phạt nghiêm, đủ sức răn đe đối với tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật.

Bộ Công Thương cũng đề nghị tham khảo quy định pháp luật của một số quốc gia để nghiên cứu đưa N2O vào danh mục các chất hướng thần. Đề nghị Thủ tướng giao Bộ Công an nghiên cứu, sửa đổi quy định pháp luật có liên quan để cấm sử dụng N2O cho các mục đích vui chơi, giải trí bất hợp pháp. Đồng thời, Tổng cục Hải quan nâng cấp hệ thống một cửa quốc gia để kịp thời phản hồi thông tin thực nhập trước mắt là N2O, sau đó là các hóa chất khác đến Bộ Công Thương để thực hiện rà soát các doanh nghiệp nhập khẩu N2O không có giấy phép hoặc quá khối lượng cho phép.

Năm 2020, Bộ Công Thương kiểm tra 1 đơn vị kinh doanh N2O, đã xử phạt 52 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép của doanh nghiệp 2 tháng. Bộ Công Thương cũng đã kiểm tra 9 doanh nghiệp nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng khí N2O và xử phạt 4 doanh nghiệp với tổng số tiền 318 triệu đồng.

Do đặc tính nguy hiểm và dễ bị lạm dụng cho các mục đích vui chơi giải trí bất hợp pháp, Bộ Công Thương đã đề xuất Chính phủ đưa N2O vào Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp tại Nghị định 113/2017.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem