BOT tồn tại 2 con số: Bộ trưởng GTVT nói "số liệu kiểm toán chưa đúng bản chất"
Bộ trưởng GTVT nói: "Số liệu kiểm toán chưa đúng bản chất"
Tranh luận về các kết quả kiểm toán một số dự án BOT không đảm bảo phương án tài chính dẫn đến buộc phải xử lý bằng cơ chế riêng, đại biểu Lê Minh Nam - Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang nêu dẫn chứng, kết quả kiểm toán giai đoạn 2016 – 2020 cho thấy, kiểm toán 83 dự án BOT và BT thì Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị giảm thời gian thu phí so với phương án ban đầu đối với các dự án là 302 năm.
Đại biểu cho rằng, có khó khăn trong quá trình giám sát các công trình BOT, thực tế chứng minh có những khó khăn trong giám sát quy trình thực hiện các dự án BOT để đảm bảo cho các dự án triển khai một cách hiệu quả, hiệu lực và đạt được mục tiêu đề ra.
Vì vậy, đại biểu Lê Minh Nam đề nghị Bộ trưởng làm rõ thêm về thực trạng này nhằm phản ánh một cách đầy đủ, toàn diện vấn đề, đồng thời chia sẻ với cử tri về những giải pháp đang được Bộ triển khai thực hiện để khắc phục vấn đề này.
Trả lời phần tranh luận của đại biểu Lê Minh Nam về liên quan đến kết quả kiểm toán của các dự án BOT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói "phải nghiên cứu thật kỹ vấn đề này".
Theo ông Thể, dự án BOT khi chưa có Luật Đầu tư công, theo Nghị định của Chính phủ, việc đấu thầu dự án là khi dự án đầu tư được duyệt, chưa phải là thiết kế kỹ thuật được duyệt, chưa phải dự toán được duyệt.
Trong khi đó, dự án đầu tư có phần dự phòng khối lượng, dự phòng trượt giá và nhiều loại dự phòng khác. Bởi, nghị định quy định hợp đồng là hợp đồng nguyên tắc và ký hợp đồng theo dự án được duyệt.
Trong hợp đồng có đưa một điều khoản sau khi dự án hoàn thành căn cứ vào kết quả quyết toán của dự án, Bộ Giao thông Vận tải, nhà đầu tư điều chỉnh thời gian thu phí theo số liệu thực mà dự án đã được triển khai.
Vì vậy có hai con số, con số kiểm toán nêu ra, Bộ trưởng đã báo cáo là số liệu này đúng, nhưng chưa đúng bản chất, bởi chỉ đúng theo hợp đồng nguyên tắc, khi chưa có hồ sơ thiết kế, chưa triển khai, chưa giám sát, chưa điều chỉnh hợp đồng.
Con số thứ hai, theo ông Thể, từng dự án BOT, sau khi hoàn thành, được kiểm toán, quyết toán và ký hợp đồng điều chỉnh thời gian thu phí.
"Nên số liệu kiểm toán và số liệu chúng tôi ký là không khác nhau, chỉ khác với hợp đồng nguyên tắc. Chứ nếu Bộ Giao thông Vận tải mà ký hợp đồng như thế thì chắc chắn anh em Bộ chúng tôi không thể ngồi ở đây. Không thể làm sai như thế được", ông Thể phân tích và đề nghị đại biểu kiểm tra lại thông tin.
Vì sao nhà đầu tư không mặn mà với BOT?
Cũng liên quan đến BOT, đại biểu Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ chất vấn, vì sao hiện nay nhà đầu tư không mặn mà với các dự án BOT, nhất là lĩnh vực cầu đường?
Đại biểu cũng đề nghị Bộ trưởng Giao thông nói rõ bao nhiêu % hoàn thành dự án trọng điểm quốc gia tới 12/2025 thì được coi là "cơ bản hoàn thành"?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể một lần nữa nhắc lại sự khác nhau giữa dự án BOT trước đây khi thực hiện theo Nghị định 108 và hiện nay (dự án BOT theo hình thức PPP). Các dự án PPP hiện nay làm trên đường song hành, tuyến cao tốc. Còn BOT trước đây thực hiện trên đường hiện hữu, theo Nghị định 108 nên có một số vướng mắc, nhà đầu tư bức xúc.
Thực tế các bức xức chủ yếu là nhà đầu tư, ngân hàng lo ngại nợ xấu, hụt doanh thu. "Chúng ta cần giải quyết dứt điểm vướng mắc trong đó có quyền lợi nhà đầu tư, ngân hàng có liên quan. Bộ Giao thông sẽ cố gắng cùng các bộ, ngành rà soát kỹ, nhưng cũng cần nguồn lực để xử lý dứt điểm vấn đề này", Bộ trưởng Thể cho hay.
Tạo báo cáo gửi tới Quốc hội của Bộ GTVT, theo kết quả rà soát, trong tổng số 70 dự án BOT, đến nay có 54 dự án đang tổ chức thu phí hoàn vốn, các dự án còn lại chưa được thu phí hoặc đang dừng thu phí để quyết toán và thanh lý hợp đồng.
Trong tổng số 54 dự án đang thu phí, 41/54 dự án có số thu thấp hơn so với số thu dự kiến tại hợp đồng dự án, trong đó 19 dự án có mức thu đạt dưới 70%, cá biệt có 3 dự án có doanh thu chỉ đạt dưới 30% so với phương án tài chính, gây phá vỡ phương án tài chính, gồm: Dự án BOT đầu tư xây dựng cầu Thái Hà nối hai tỉnh Thái Bình và Hà Nam; Dự án BOT nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn Km1738+148 - Km1763+610 tỉnh Đắk Lắk; Dự án xây dựng cầu đường sắt Bình Lợi.
Đối với vướng mắc về doanh thu, Bộ GTVT tăng phí BOT theo hợp đồng. Hiện Bộ GTVT đang chỉ đạo các cơ quan rà soát, đánh giá cụ thể điều kiện của từng dự án BOT và đề xuất lộ trình tăng phí phù hợp, vừa tháo gỡ khó khăn cho Doanh nghiệp BOT nhưng không gây tác động nhiều đến chi phí vận chuyển hàng hóa và chính sách điều tiết nền kinh tế của Nhà nước. Trên cơ sở đó, Bộ này sẽ quyết định theo thẩm quyền và sớm triển khai thực hiện.
Riêng đối với 3 dự án BOT phương án tài chính bị phá vỡ (gồm 02 dự án có doanh thu quá thấp là Dự án BOT đầu tư xây dựng cầu Thái Hà, Dự án BOT nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh tỉnh Đắk Lắk) và 01 dự án không thể triển khai thu phí (Dự án xây dựng cầu đường sắt Bình Lợi ). Bộ Giao thông vận tải kiến nghị cấp có thẩm quyền cho phép sử dụng vốn nhà nước thanh toán chi phí đầu tư để chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.
Ngoài ra, hiện này còn 3 dự án BOT khác tiềm ẩn nguy cơ phát sinh phá vỡ phương án tài chính, cần sự hỗ trợ từ phía nhà nước.