BQL các KCN tỉnh Đắk Lắk: Vụ chặt hơn 200 cây xanh trong KCN Hoà Phú có dấu hiệu cố ý làm trái

Duy Hậu Thứ bảy, ngày 05/12/2020 10:36 AM (GMT+7)
Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Đắk Lắk, việc Giám đốc Công ty Phát triển hạ tầng KCN Hoà Phú cho chặt hơn 200 cây xanh trong KCN này có dấu hiệu cố ý làm trái. Do đó đơn vị đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk xem xét, chỉ đạo.
Bình luận 0
Cần có biện pháp bảo vệ thay vì chặt hạ cây xanh

Ngày 5/12, một lãnh đạo Ban Quản lý các KCN tỉnh Đắk Lắk cho biết, đơn vị vừa có báo cáo gửi UBND tỉnh Đắk Lắk về việc hơn 200 cây xanh trong KCN Hòa Phú bị chặt hạ (Dân Việt đã phản ánh).

Vụ chặt hơn 200 cây xanh trong KCN: "Có dấu hiệu cố ý làm trái" - Ảnh 1.

Hai người dân đang chặt hạ cây trong KCN Hòa Phú.

Theo đó, ngày 23/11, Ban Quản lý các KCN tỉnh Đắk Lắk nhận phản ánh về việc chặt hạ cây xanh tại khu vực lô đất quy hoạch trồng cây xanh vui chơi giải trí - thể dục thể thao (lô đất CX-1) trong KCN Hòa Phú.

Để làm rõ việc này, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã đề nghị Công an TP.Buôn Ma Thuột, Hạt Kiểm lâm TP.Buôn Ma Thuột, UBND xã Hòa Phú phối hợp kiểm tra. Đồng thời, Ban cũng có văn bản chỉ đạo Công ty  Phát triển hạ tầng (PTHT) KCN Hòa Phú yêu cầu cá nhân chặt hạ trái phép cây xanh nói trên chấm dứt hoạt động, giữ nguyên hiện trạng để xin ý kiến xử lý của cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Kết quả kiểm tra ngày 26/11 xác định, ngoài hàng rào phía Đông và phía Nam Tổng kho ngoại quan, thuộc lô đất CX-1 có 233 cây xanh bị chặt hạ. Loại cây bị chặt đa số là muồng đen và một số cây xà cừ có đường kính cây lớn từ 35-40cm, cây nhỏ hơn từ 15-30cm, chiều cao trung bình khoảng 5m, chưa xác định được khối lượng.

Vụ chặt hơn 200 cây xanh trong KCN: "Có dấu hiệu cố ý làm trái" - Ảnh 2.

Có hơn 200 cây xanh, chủ yếu là cây muồng đen trong KCN Hòa Phú đã bị chặt hạ.

Tại buổi làm việc với các bên, đại diện Công ty PTHT KCN Hòa Phú cho biết, số cây bị chặt do Công ty PTHT KCN Hòa Phú phối hợp cùng với doanh nghiệp trồng từ khoảng năm 2014 để chống sạt lở.

Nhưng hiện nền đất đã ổn định, trong khi cây lớn lẫn vào đất, có thể ảnh hưởng đến tài sản doanh nghiệp vào mùa mưa bão; tán cây phát triển mạnh, cây con mọc nhiều làm ảnh hưởng đến việc đảm bảo an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy. Do đó, Công ty đã chủ trương cho phát quang, chặt hạ cây xanh khu vực này, cho người dân phát quang tận thu để làm củi.

Về phía đại diện Công an TP.Buôn Ma Thuột và Hạt Kiểm lâm TP.Buôn Ma Thuột, sau khi nghe báo cáo của các bên đã đề nghị cần làm rõ nguồn gốc, thẩm quyền cho phép chặt hạ cây xanh nêu trên, để có đủ cơ sở xem xét xử lý các nội dung có liên quan (nếu có) theo quy định.

Đồng thời, các đơn vị này cho rằng thay vì chặt thì nên có biện pháp bảo vệ cây trong khu vực quy hoạch trồng cây xanh như: Phát quang, chặt bỏ cây bụi, tỉa cành.

"Có dấu hiệu cố ý làm trái"

Đối với sự việc trên, đại diện lãnh đạo Ban Quản lý các KCN tỉnh nhận định, số cây xanh bị chặt hạ là tài sản của nhà nước. Vì số cây này được trồng từ khi Công ty PTHT KCN Hòa Phú mới thành lập và công ty được tỉnh cấp 100% kinh phí để hoạt động. Cây xanh do Công ty PTHT KCN Hòa Phú trồng nghĩa là đã dùng tiền từ ngân sách, do đó, Công ty không có quyền tự ý chặt phá. Việc này có dấu hiệu cố ý làm trái, xâm hại đến môi trường trong KCN.

Vụ chặt hơn 200 cây xanh trong KCN: "Có dấu hiệu cố ý làm trái" - Ảnh 3.

Theo Ban Quản lý các KCN tỉnh Đắk Lắk, việc Công ty PTHT KCN Hòa Phú tự ý chặt hạ cây xanh đã có dấu hiệu cố ý làm trái.

Hơn nữa, việc trồng cây xanh này là cần thiết và đúng quy hoạch. Khu vực có cây xanh bị chặt hạ là khu vực quy hoạch trồng cây xanh để đảm bảo mật độ cây xanh, tạo môi trường và cảnh quan, góp phần hạn chế các chất độc hại, ngăn cản khói bụi xung quanh khu vực KCN. Ngoài ra, muồng đen là loại cây xanh được kiến nghị trồng trong KCN theo Tiêu chuẩn Quốc gia về quy hoạch cây xanh sử dụng công cộng trong các đô thị - Tiêu chuẩn thiết kế.

"Việc làm trên của đồng chí Giám đốc Công ty PTHT KCN Hòa Phú đã có dấu hiệu cố ý làm trái, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo"- báo cáo gửi UBND tỉnh của Ban Quản lý các KCN tỉnh Đắk Lắk nêu.

Trong khi đó, tại một báo cáo mới đây gửi UBND tỉnh Đắk Lắk, ông Đa Văn Minh- Giám đốc Công ty PTHT KCN Hòa Phú, cho rằng, chi phí trồng cây là do bản thân ông hỗ trợ giống. Qua nhiều năm, số cây xanh nói trên không được chăm sóc, do mưa lớn, gió lốc đã làm gãy cành, nghiêng ngả làm hàng rào doanh nghiệp bị xuống cấp và có một số vị trí bị hư hỏng.

Doanh nghiệp sau khi tiếp quản dự án, tiếp tục mở rộng đầu tư thêm các ngành nghề để nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Trong đó, có đầu tư thêm hệ thống đường dây điện 22KV chạy dọc bao quanh hàng rào của dự án để sản xuất kinh doanh.

Để đảm bảo tài sản và an toàn hành lang lưới điện 22KV, doanh nghiệp đề nghị Công ty xem xét xử lý hàng cây sát hàng rào. Với vai trò, trách nhiệm được UBND tỉnh giao, Công ty phải có trách nhiệm xử lý các cây không theo quy hoạch tránh gây hư hại tài sản và tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cũng theo ông Minh, khu cây xanh vui chơi giải trí - thể dục thể thao trong KCN chưa được ngân sách đầu tư, do đó việc chặt cây không ảnh hưởng đến tài sản Nhà nước.

Liên quan đến việc này, một lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, hiện UBND tỉnh chưa nhận được báo cáo của Ban Quản lý các KCN tỉnh nên chưa thể có ý kiến.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem