dd/mm/yyyy

BQL rừng đặc dụng – phòng hộ Thuận Châu: Chủ động PCCCR mùa hanh khô

Từ đầu năm đến nay, thời tiết diễn biến phức tạp, xuất hiện tình trạng nắng nóng kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy rừng. Đứng trước tình hình đó, Ban Quản lý rừng đặc dụng – phòng hộ Thuận Châu, huyện Thuận Châu (Sơn La) đã chủ động xây dựng các phương án bảo vệ, PCCCR, nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng cháy rừng xảy ra.

Ban Quản lý rừng đặc dụng - phòng hộ Thuận Châu được thành lập theo Quyết định số 3278/QĐ-UBND ngày 28/12/2018 của UBND tỉnh Sơn La trên cơ sở được sáp nhập hai đơn vị "Ban quản lý rừng phòng hộ Thuận Châu" và "Ban quản lý rừng đặc dụng Copia". Ban được giao quản lý và bảo vệ 21.313,03 ha rừng và đất rừng trên địa bàn 8 xã Nậm Lầu, Bản Lầm, Mường Bám, Co Mạ, Long Hẹ, Chiềng Bôm thuộc huyện Thuận Châu và các xã Mường Giàng, Mường Sại thuộc huyện Quỳnh Nhai.

Ban Quản lý rừng đặc dụng – phòng hộ Thuận Châu: Chủ động PCCCR mùa hanh khô - Ảnh 1.

Để làm tốt công tác PCCCR, Ban Quản lý rừng đặc dụng – phòng hộ Thuận Châu tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra rừng.

Trong thời gian qua, thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng, khô hanh kéo dài tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy rừng cao. Để chủ động trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), Ban Quản lý rừng đặc dụng - phòng hộ Thuận Châu đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong việc bảo vệ, PCCCR.

Trao đổi với phóng viên Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt/Trang Trại Việt, ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng – phòng hộ Thuận Châu, cho biết: Trước tình hình nắng nóng kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao, ngay từ đầu năm, Ban đã xây dựng phương án PCCCR; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức và trách nhiệm của người dân; phân công anh em trong Ban phụ trách địa bàn phù hợp với năng lực từng người; trang bị đầy đủ các phương tiện, thiết bị phục vụ cho công tác PCCCR; hướng dẫn người xây dựng đường băng cản lửa; vận động bà con được hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng đốt, dọn vật liệu dễ cháy trong rừng; hướng dẫn kỹ thuật đốt nương cho người dân…

Ban Quản lý rừng đặc dụng – phòng hộ Thuận Châu: Chủ động PCCCR mùa hanh khô - Ảnh 2.

Đối với những vùng có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao, Ban Quản lý rừng đặc dụng – phòng hộ Thuận Châu phân công cán bộ trực 24/24.

Theo ông Lò Văn Chỉnh, Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng – phòng hộ Thuận Châu, thời tiết nắng nóng, khô hanh kéo dài (từ tháng 10 đến hết tháng 4 năm sau), xen kẽ thường có các đợt gió Lào khô nóng, các vật liệu cháy trong rừng dồi dào. Mặt khác, thời điểm mùa khô hanh cũng là thời kỳ phát nương, đốt rẫy của người dân. Một số bộ phận người dân dùng lửa để đốt tổ ong lấy mật; sử dụng lửa trong quá trình đi chăn thả gia súc hoặc đi ngang qua rừng. Đó là những nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy rừng.

Theo đó, để bảo vệ an toàn cho diện tích rừng trong thời gian cao điểm mùa nắng nóng, Ban Quản lý rừng đặc dụng – phòng hộ Thuận Châu đã xây dựng 4 tổ đội bảo vệ và phát triển rừng cùng với 41 tổ đội quản lý bảo vệ rừng của 33 bản nhận khoán bảo vệ rừng. Lực lượng này đã được đào tạo, huấn luyện và trang bị đầy đủ các phương tiện, thiết bị và công cụ chữa cháy cần thiết, như: Ống nhòm phục vụ cho dự báo, xe máy, ô tô, dao quắm, bình phun nước loại đeo vai, quần áo, mũ, máy thổi gió…

Ban Quản lý rừng đặc dụng – phòng hộ Thuận Châu: Chủ động PCCCR mùa hanh khô - Ảnh 3.

Cán bộ Ban Quản lý rừng đặc dụng – phòng hộ Thuận Châu phổ biến cho người dân bản Cửa Rừng những vùng có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao để lên phương án PCCCR.

Bên cạnh đó, tổ bảo vệ rừng phòng hộ có nhiệm vụ trực 24/24 giờ tại các trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, chịu sự quản lý của các tổ trưởng, linh động di chuyển kịp thời khi có tình huống cháy rừng. Kiện toàn tổ đội quần chúng bảo vệ rừng, PCCCR tại 45 bản trong và ven rừng đặc dụng. Lực lượng chủ yếu là tổ quản lý bảo vệ rừng và PCCCR cấp bản phối hợp với thanh niên, dân quân tự vệ, cộng đồng bản nhận hỗ trợ khoán bảo vệ rừng của các bản. Xây dựng quy ước bảo vệ rừng của bản gắn với quy chế hoạt động của tổ đội quần chúng bảo vệ rừng, PCCCR của các bản. Phân công trực, theo dõi dự báo cháy rừng từ bản đến xã. Tổ chức tuần tra canh gác đề phòng có cháy rừng, kiểm tra, tuần tra bảo vệ rừng ngăn chặn tình trạng phát đốt nương rẫy vào giờ cao điểm nắng nóng, gió to, huy động lực lượng cứu chữa khi có cháy rừng xảy ra.

Cùng với đó, phát huy tính tại chỗ của các tổ bảo vệ rừng, PCCCR tại các bản có cháy rừng xảy ra. Tranh thủ sự giúp đỡ và phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các đơn vị khác đóng trên địa bàn 45 bản nhằm huy động được mọi nguồn lực thường xuyên tuyên truyền các quy định nhà nước về bảo vệ rừng và PCCCR. Qua đó, từng bước làm chuyển biến nhận thức, nâng cao tinh thần trách nhiệm ngày càng cao của công dân đối với công tác PCCCR.

Ban Quản lý rừng đặc dụng – phòng hộ Thuận Châu: Chủ động PCCCR mùa hanh khô - Ảnh 4.

Cán bộ Ban Quản lý rừng đặc dụng – phòng hộ Thuận Châu kết hợp tuần tra với công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm cho người dân trong việc bảo vệ và PCCCR.

Ông Giàng A Và, Trưởng bản Cửa Rừng, chia sẻ: Bản được giao khoán bảo vệ 1.292,86 ha rừng đặc dụng và 25,36 ha rừng tái sinh. Mùa này là thời điểm bà con tiến hành đốt nương để chuẩn bị gieo trồng các loại cây lương thực. Chính vì vậy, công tác PCCCR là việc làm thường xuyên được tổ bảo vệ rừng quan tâm. Đặc biệt, thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ. Bố trí các thành viên trong tổ thay nhau tuần tra, canh gác 24/24 ở những vùng trọng điểm dễ cháy. Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân kỹ thuật đốt nương rẫy theo định hướng của Ban Quản lý rừng đặc dụng – phòng hộ Thuận Châu.

"Khi đốt nương phải làm đường ranh cản lửa, vận động người dân không đốt rẫy vào giờ cao điểm (từ 9h đến 15h trong ngày), cử thành viên trong tổ tham gia giám sát cùng bà con đốt nương. Đốt từng đám từ trên đỉnh dốc trước rồi xuống dần phía dưới. Vận động người dân cam kết không đốt lửa trong rừng…", Trưởng bản Cửa Rừng cho biết thêm.

Mặc dù là địa bàn rộng lớn, địa hình chia cắt mạnh, giao thông đi lại khó khăn, tuy nhiên với những giải pháp, phương án PCCCR cụ thể, thiết thực mà Ban Quản lý rừng đặc dụng – phòng hộ Thuận Châu đã triển khai sẽ góp phần hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng cháy rừng xảy ra, bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên hiện có.

Tuệ Linh