Bức thư kỷ vật của người lính tàu không số

Bảo Linh Thứ bảy, ngày 27/06/2015 10:00 AM (GMT+7)
Trung tá Lưu Công Hào cầm lá thư bác sĩ Đặng Thùy Trâm gửi bao năm rồi mà vẫn luôn xúc động. Kỷ niệm của những tháng năm ở Đoàn tàu không số (Quân chủng Hải quân) ùa về trong ông.
Bình luận 0

Chuyến đi cảm tử

Trung tá Lưu Công Hào hiện ở quận Hải An, TP.Hải Phòng. Ở vào tuổi 69 ông vẫn rất khỏe mạnh, tinh anh. Người chiến sĩ của tàu không số năm xưa từng cùng đồng đội có những chuyến chở vũ khí vào miền Nam mà lên tàu là xác định nhiệm vụ "cảm tử". Sau này qua nhiều lần chuyển đơn vị, ông nghỉ hưu khi là cán bộ của Phòng Tham mưu Bộ Tư lệnh Vùng 1 Hải quân. Ông nói, ký ức hào hùng nhất của cuộc đời nhà binh là những tháng năm trên tàu không số vào Nam ra Bắc, trong đó có những chuyến đi cả đời không bao giờ quên được.

img
Ông Lưu Công Hào và bức thư kỷ vật của bác sĩ Đặng Thùy Trâm gửi trước ngày chia tay bệnh xá lên đường về miền Bắc.   Ảnh: B.L

Ông Hào kể: "Khi đất nước bước vào thời điểm chiến tranh ác liệt ở miền Nam, chúng tôi lên đường nhập ngũ. Tôi được biên chế vào đơn vị tàu hải quân. Đêm 25.2.1968 tôi nhận lệnh lên tàu C43 chở theo 37 tấn vũ khí vào Sa Kỳ, tỉnh Quảng Ngãi". Theo kế hoạch, tàu sẽ vào đến địa điểm dự kiến sau 3 ngày. Tuy nhiên khi đi, tàu bị địch phát hiện, theo dõi, liên tục bám đuôi. Đêm 28.2 tàu đang trên vùng biển Quảng Ngãi cách bờ khoảng 12 hải lý bất ngờ gặp 6 tàu đối phương bao vây. Địch nổ súng bắn tới tấp. Trên không, trực thăng quần đảo, bắn rốc-két xuống tàu. Thuyền trưởng Nguyễn Đức Thắng ra lệnh cho chiến sĩ tập trung hỏa lực vừa bắn trả vừa cơ động nhanh vào bờ. Các loại súng ĐKZ, súng phòng không 12,7 ly, AK 47 nổ giòn giã. Một máy bay lên thẳng trúng đạn rơi xuống biển. Một chiếc khác bị thương lao vào bờ. Một tàu chiến địch tiến gần tàu ta bị trúng đạn ĐKZ bốc cháy. Thấy bị chống trả dữ dội, đối phương giãn ra... Song ngay lập tức, 2 tàu địch lại lao tới. Tàu C43 quay 180 độ, chạy về hướng nam nhưng tiếp tục bị bao vây. Các chiến sĩ trên tàu C43 ngoan cường chiến đấu. Tàu C43 bị đạn địch găm thủng nhiều chỗ. Tình thế nguy cấp, thuyền trưởng ra lệnh cho các chiến sĩ rời tàu, điểm hỏa kích nổ tàu cùng toàn bộ vũ khí. Trận chiến trên tàu không cân sức khiến 3 chiến sĩ của tàu hy sinh, 11 người bị thương. Vũ khí cạn kiệt, anh em bị thương quá nhiều, thuyền trưởng Nguyễn Đức Thắng quyết định lao tàu lên bãi cạn để hủy tàu sau khi yêu cầu tất cả các đồng đội rời khỏi tàu an toàn. Khi các chiến sĩ chưa kịp bơi vào tới bờ, ở phía sau một tiếng nổ vang trời, lửa bốc sáng rực, cột nước dâng cao mấy chục mét, tàu tan ra thành nhiều mảnh.

Vụ mai mối không thành

Ngay sau tiếng nổ, dưới làn mưa bom, bão đạn của kẻ thù, 14 chiến sĩ tàu C43 trong đó có 11 người bị thương được đồng bào và các o du kích xã Phổ Hiệp (Quảng Ngãi) tìm thấy ở ven biển, đưa về hầm bí mật. Sau đó, các thương binh được du kích cáng lên bệnh xá Đức Phổ - nơi bác sĩ Đặng Thùy Trâm làm việc.

Quan điểm

Ông Lưu Công Hào
  Rất tiếc, sau này vì nhiệm vụ, tôi chưa lần nào có dịp gặp em gái chị Thùy Trâm để bày tỏ. Nhưng với tôi, dù biết có thể chỉ là lời động viên của chị, nhưng tôi vẫn xúc động trước tình cảm ấy.  

Ông Hào nhớ như in về hình ảnh của bệnh xá giữa rừng ấy. Sau khi được chuyển về bệnh xá 2 ngày, bác sĩ Đặng Thùy Trâm đi công tác về. Khám thấy anh em đều bị thương nặng và kiệt sức, bác sĩ Trâm quyết định, các thủy thủ phải chữa trị và an dưỡng ở bệnh xá một tháng. "Tôi nghe có người nói giọng miền Bắc mừng lắm, sau biết tên chị là Đặng Thùy Trâm, người Hà Nội thì rất ngưỡng mộ" - ông Hào nhớ lại. “Chị Trâm rất đẹp, nụ cười luôn thường trực trên môi. Chị luôn lạc quan động viên, chăm sóc chúng tôi tận tình". Nhờ sự chu đáo của chị cùng các chị em nơi bệnh xá mà vết thương của chúng tôi chóng lành. Riêng tôi, do là người miền Bắc nên chị em rất quý. Có lần chị Trâm hỏi vui rằng Hào có muốn làm em rể tôi không? Những lúc rảnh rỗi, tôi với chị vẫn thường ngồi kể cho nhau nghe những kỷ niệm về miền Bắc… Tôi và một số anh em thương binh kịp hồi phục, khi rảnh vào rừng chặt những cây gỗ thẳng làm thành những chiếc ghế nhỏ tặng bệnh xá, làm những lan can để anh em thương binh vịn tay tập đi lại”.

Kỷ niệm nho nhỏ của ông Hào là trước ngày chia tay bệnh xá lên đường về miền Bắc, chị Trâm viết cho ông một bức thư với mong ước về một ngày hòa bình, với lời hẹn sẽ về Đồ Sơn quê ông khi có dịp. Chị cũng có ý mai mối, giới thiệu ông Hào cho em gái Phương Trâm.

Trong trang đầu của cuốn "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" đề ngày 10.4.1968 bác sĩ Trâm viết: “Vậy là chiều nay, các anh lên đường để lại cho mọi người một nỗi nhớ mênh mông giữa khu rừng vắng vẻ. Các anh đi rồi nhưng tất cả nơi đây còn ghi lại bóng dáng các anh: Những con đường đi, những chiếc ghế ngồi chơi xinh đẹp, những câu thơ thắm thiết yêu thương... Bỗng dưng một nỗi nhớ thương kỳ lạ đối với miền Bắc trào lên trong mình như mặt sông những ngày mưa lũ và... mình khóc ròng đến nỗi không đáp lại lời chào của mọi người. Thôi! Các anh đi đi, hẹn ngày gặp lại trên miền Bắc thân yêu”. Theo ông Hào, đó chính là những dòng viết về buổi chia tay anh em tàu C43 ngày ấy. Và lá thư, tấm hình chị Thùy Trâm tặng, ông Hào vẫn luôn gìn giữ như một kỷ vật thiêng liêng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem