Bức tranh đẹp về nông thôn

Thứ bảy, ngày 17/05/2014 06:48 AM (GMT+7)
Hôm qua 16.5, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo T.Ư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đã tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện chương trình dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.
Bình luận 0
Tham dự Hội nghị còn có Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh- Trưởng Ban chỉ đạo T.Ư xây dựng NTM.

Đáp ứng nhu cầu bức thiết của người dân!

Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, nhưng với sự cố gắng của các cấp, ngành từ T.Ư tới địa phương, mức đạt các tiêu chí NTM trong 3 năm qua đã tăng lên rõ rệt với 185 xã đạt chuẩn (chiếm 2,05%); 622 xã đạt từ 15 – 18 tiêu chí (chiếm 6,9%). Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát, điều dễ nhận thấy nhất là đi tới vùng quê nào cũng thấy bộ mặt nông thôn được đổi mới văn minh hơn, cơ sở hạ tầng thiết yếu được nâng cấp, hệ thống chính trị cơ sở được củng cố, đặc biệt là thu nhập và điều kiện sống của nhân dân đã được cải thiện. “Trong bối cảnh kinh tế đất nước còn gặp nhiều khó khăn, thì việc tăng thu nhập bình quân của người dân nông thôn lên 1,8 lần so với năm 2010 là một thành công rất quan trọng”- ông Phát khẳng định.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao bằng khen cho những tập thể, cá nhân điển hình xây dựng nông thôn mới.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao bằng khen cho những tập thể, cá nhân điển hình xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ông Phát cũng chỉ ra những vấn đề còn tồn tại như tiến độ triển khai chương trình còn chậm so với mục tiêu đặt ra (đến nay mới có khoảng 2% số xã đạt chuẩn NTM), phong trào không đồng đều, chậm và khó khăn nhất vẫn là các địa phương vùng miền núi Tây Bắc, vùng bãi ngang, đây cũng là nơi còn 7 xã “trắng” tiêu chí NTM. “Ngoài ra, trong thực hiện xây dựng NTM, các địa phương mới tập trung cao cho xây dựng cơ sở hạ tầng, chưa thực sự quan tâm và đầu tư đúng mức cho phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, phát triển văn hóa, cải thiện môi trường… nên những “mảng” này chậm chuyển biến” – ông Phát cho biết.

Tham dự hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh – Trưởng Ban chỉ đạo T.Ư Chương trình xây dựng NTM cũng khẳng định: “Qua 3 năm thực hiện, Chương trình xây dựng NTM đã trở thành phong trào sâu rộng trên cả nước, được cả hệ thống chính trị tham gia lãnh đạo, nhân dân đồng tình ủng hộ và trực tiếp thực hiện. Đến nay, cả nước đã xuất hiện nhiều xã đạt chuẩn NTM, một số tỉnh đã tập trung xây dựng huyện NTM để phấn đấu có huyện đạt chuẩn NTM vào 2015. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nhiều địa phương đã có cách làm sáng tạo, phù hợp, vận dụng hiệu quả các chính sách của Nhà nước”.

Để người dân tự quyết định


Là một trong những địa phương dẫn đầu trong xây dựng NTM, ông Phạm Văn Sinh– Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho biết, tỉnh Thái Bình có 267 xã thực hiện xây dựng NTM, nếu như năm 2010 mới có 7 xã đạt 11-12 tiêu chí, bình quân toàn tỉnh chỉ đạt 5 tiêu chí/xã thì chỉ sau 3 năm triển khai, tỉnh đã có 14 xã đạt chuẩn. “Sau 3 năm triển khai, bước đầu chúng tôi đã rút ra được một số bài học kinh nghiệm, đó là làm tốt công tác tuyên truyền để thu hút sự quan tâm của toàn xã hội về xây dựng NTM. Về phía địa phương, cần có chủ trương, chính sách cụ thể, công khai minh bạch, phát huy tinh thần tự chủ của người dân” – ông Sinh chia sẻ kinh nghiệm.

291 tập thể, cá nhân
được nhận bằng khen
của Thủ tướng Chính phủ

Tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Thủ tướng Chính phủ đã tặng bằng khen cho 291 tập thể, cá nhân tiêu biểu trong xây dựng NTM, trong đó có 185 xã đạt chuẩn NTM; 31 xã nỗ lực cao, 26 xã đặc biệt khó khăn có nhiều nỗ lực và 50 cá nhân tiêu biểu có nhiêu đóng góp trong xây dựng NTM. Đặc biệt là 27 xã đạt chuẩn NTM tiêu biểu nhất sẽ được thưởng một công trình phúc lợi trị giá 1 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Minh Tiến – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang nêu thực tế: Hà Giang là một trong những tỉnh nghèo nhất miền núi phía Bắc và đến nay chưa có xã nào đạt chuẩn NTM. “Căn cứ vào tình hình thực tiễn của địa phương, chúng tôi kiến nghị Ban chỉ đạo nên có cơ chế để các địa phương tự tổ chức bộ máy phục vụ xây dựng NTM; cho phép các tỉnh căn cứ vào điều kiện địa phương mình điều chỉnh một số tiêu chí để tháo gỡ dần khó khăn. Hiện nay, Hà Giang đang mắc một số tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa, khu liên hợp thể thao do thiếu đất, nếu phải thực hiện theo tiêu chí của ngành thì rất khó hoàn thành” - ông Tiến nói.

Tương tự, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trần Công Chánh cho biết thêm: “Đến nay, đã có 5 tiêu chí được điều chỉnh, nhưng việc xây dựng trung tâm văn hóa, khu thể thao, nghĩa trang nhân dân vẫn cần phải nghiên cứu, chỉnh sửa lại cho phù hợp với điều kiện cụ thể. Có những ấp đã có nhà thông tin rồi thì xây thêm trung tâm văn hóa là quá lãng phí, chúng ta nên gộp một số công trình loại này làm một. Bên cạnh đó, nên có cơ chế “mềm” để 2-3 thôn làm 1 nghĩa trang chung, vì thôn có ít dân mà cũng làm nghĩa trang thì không nên”.

Về điều này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, các địa phương cần nắm vững mục tiêu và hệ thống tiêu chí NTM để cách làm chủ động, sáng tạo, phù hợp với điều kiện và yêu cầu bức thiết của người dân ở từng địa phương; phát huy cao nguồn lực tại chỗ; lồng ghép các chương trình, dự án sao cho hiệu quả, tránh lãng phí; lựa chọn, tập trung hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ để ưu tiên tạo ra sự chuyển biến thực tế trên diện rộng, tạo niềm tin vào chương trình.

Thiên Hương - Thanh Xuân (Thiên Hương - Thanh Xuân)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem