Bùng nổ nhóm cổ phiếu ngành phân bón, vì sao?

Quốc Hải Thứ hai, ngày 22/06/2020 20:25 PM (GMT+7)
Một loạt nhóm cổ phiếu lớn trong ngành phân bón đã tăng trần và bùng nổ mạnh trong phiên giao dịch ngày 22/6. Mặc dù những bất cập của ngành phân bón liên quan đến quy định (không cho phép doanh nghiệp (DN) phân bón được khấu trừ thuế VAT vẫn chưa được tháo gỡ…
Bình luận 0

Trong suốt phiên giao dịch 22/6, hai "ông lớn" ngành Đạm là DPM (Đạm Phú Mỹ) và DCM (Đạm Cà Mau) tăng trần và bùng nổ mạnh. Trong đó DPM giao dịch đạt 132,86 tỷ đồng. Ở nhóm phân bón NPK, thương hiệu phân bón Đầu trâu (Phân bón Bình Điền, BFC) cũng đóng cửa với mức giá "sát trần" 13.450 đồng/CP (tăng 6,3%) so với phiên giao dịch hôm trước.

Bùng nổ nhóm cổ phiếu ngành phân bón, vì sao? - Ảnh 1.

Doanh nghiệp (DN) ngành phân bón đang rất mong chờ được "gỡ" luật số 71/2014/QH13 (Ảnh: Quốc Hải)

Kết quả kinh doanh khả quan

Có thể nói với DCM, từ mức đáy tháng 4 cho đến nay, thị giá cổ phiếu DCM (PVCFC; Đạm Cà Mau) tăng gần 80%, từ vùng giá 5.000 đồng/CP lên vùng giá 9.000 đồng/CP như thời điểm hiện tại.

Sự khởi sắc của mã cổ phiếu này chủ yếu được lý giải là do giá nguyên liệu đầu vào của Công ty sụt giảm, nhưng nội lực của DN lại được cho là yếu tố nền tảng giúp kéo lại đà tăng của cổ phiếu. Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm 2020, nhờ tận dụng nguồn nguyên liệu ổn định, DCM đã duy trì tối đa công suất với sản lượng sản xuất đạt 393.730 tấn, bằng 49% kế hoạch năm; tiêu thụ urê đạt 345.630 tấn; phân bón tự doanh đạt 76.330 tấn. Nhờ đó, tổng doanh thu 5 tháng đạt 2.693 tỷ đồng, bằng 34% kế hoạch năm. Các con số này đều tăng so với cùng kỳ năm trước.

"Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid - 19 và tình hình hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, đặc biệt là ở khu vực ĐB SCL, thị trường chính của Đạm Cà Mau. Tuy nhiên, bằng nỗ lực kinh doanh, xúc tiến bán hàng, tiết giảm chi phí, cũng như việc giá dầu giảm đã giúp giảm chi phí nguyên liệu đầu vào, DCM đã đạt được kết quả sản xuất kinh doanh khả quan với tổng doanh thu ước đạt khoảng 2.700 tỷ đồng, lợi nhuận 6 tháng đầu năm ước đạt khoảng 200 tỷ đồng, nhà máy duy trì sản xuất ổn định với công suất trung bình 110% so với công suất thiết kế", bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Tổng Giám đốc DCM, chia sẻ.

Cũng theo bà Hiền, dự kiến tại đại hội cổ đông sắp tới, DCM sẽ trình cổ đông về kế hoạch điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho phù hợp với tình hình mới.

Bùng nổ nhóm cổ phiếu ngành phân bón, vì sao? - Ảnh 2.

Nông dân đang phải "gánh" giá phân bón cao vì Luật số 71 (Ảnh: Quốc Hải)

Ðặc biệt, một tin vui đối với cổ đông chính là nguồn khí. Theo bà Nguyễn Thị Hiền, cơ quan chủ quản của DCM là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho biết sẽ tiếp tục tạo điều kiện cung cấp nguồn nguyên liệu ổn định đến năm 2031, để DCM sản xuất ổn định, gia tăng hiệu quả hoạt động. Đây có thể là những tín hiệu tích cực giúp cổ phiếu DCM bùng nổ trong những phiên vừa qua.

Với phân bón Bình Điền (HoSE: BFC), trong 6 tháng đầu năm 2020, BFC dự kiến thực hiện được 45% kế hoạch doanh thu và 39% kế hoạch lợi nhuận đề ra.

Cụ thể, ước tính sản lượng tiêu thụ quý 2 năm nay của BFC đạt là 191.345 tấn, tổng doanh thu đạt 1.796 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất ở mức 52 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, tổng doanh thu mà BFC ước tính thực hiện được 2.698 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế dự kiến 60 tỷ đồng, gấp 3,4 lần so với cùng kỳ năm 2019.

Rõ ràng, trong bối cảnh khó khăn vì dịch bệnh Covid-19, việc BFC đạt lợi nhuận gấp 3,4 lần so với cùng kỳ 2019 là một thông tin khá tích cực góp phần hỗ trợ đà tăng giá cổ phiếu.

Được biết, trong kế hoạch kinh doanh trình đại hội cổ đông sắp tới, BFC đặt kế hoạch gần 6.023 tỷ đồng tổng doanh thu năm 2020, giảm 3,3% so với tổng doanh thu đạt được năm 2019; nhưng chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất lại hơn 153 tỷ đồng, tăng 12,1% so với năm 2019, trong đó lợi nhuận trước thuế của công ty mẹ 102 tỷ đồng. 

Về sản lượng, dự kiến lượng sản xuất trong năm đạt 635.495 tấn, tăng 2,5% so với năm 2019 còn sản lượng tiêu thụ dự kiến đạt 630.871 tấn, tăng 2,7% so với năm 2019.

Cổ phiếu ngành phân bón sẽ càng bùng nổ nếu "gỡ" được Luật 71

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tình hình xuất khẩu phân bón sang các nước bạn (Campuchia, Lào…) dự kiến sẽ càng khó khăn hơn; tình hình hạn, mặn, biến đổi khí hậu cũng càng ngày càng ảnh hưởng... 

Vì vậy, đa số các DN sản xuất phân bón trong nước đều kỳ vọng Quốc hội sẽ sớm "gỡ" những khăn, khó vướng mắc của Luật số 71/2014/QH13 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế. Vì theo lãnh đạo các DN: "Chỉ khi tháo gỡ khó khăn này thì DN phân bón Việt Nam mới đủ sức cạnh tranh và cạnh tranh công bằng với phân bón ngoại nhập".

Lấy đơn cử, tại DCM, thị trường tiêu thụ phân bón trọng điểm của DN này là các tỉnh miền Tây Nam Bộ (sản lượng khoảng 70%), 30% còn lại được xuất khẩu sang Campuchia và một số tỉnh khu vực phía Bắc và Tây Nguyên. Tuy nhiên, thời gian qua tình hình hạn mặn xâm nhập khu vực miền Tây Nam Bộ, khiến sản lượng phân bón tiêu thụ đã sụt giảm do nông dân hạn chế sử dụng.

Ngoài ra, xuất khẩu phân bón sang Campuchia cũng bị sụt giảm mạnh do nước bạn cấm biên để ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan.

Vì vậy, thời gian qua DCM phải vận dụng tối đa "nội lực" để duy trì sản xuất. Cụ thể, ngoài việc tiết giảm tối đa các chi phí, DN cũng đang triển khai nhiều sáng kiến kỹ thuật nâng công suất của Nhà máy Đạm Cà Mau lên 115%.

"Dự kiến, năm 2021 tổng sản lượng phân đạm ure Cà Mau được sản xuất ra khoảng 913.000 tấn/năm. Vì vậy, hiện nay DN đang đẩy mạnh việc tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu mới", bà Hiền cho biết.

Bùng nổ nhóm cổ phiếu ngành phân bón, vì sao? - Ảnh 3.

Sản xuất phân bón tại một DN (Ảnh: Quốc Hải)

Tuy nhiên, theo Phó Tổng Giám đốc Đạm Cà Mau, thời gian tới khi Việt Nam càng mở cửa hơn nữa thì việc cạnh tranh với các sản phẩm phân bón của nước ngoài là cực kỳ khó khăn, bởi giá khí đầu vào cao hơn giá khí trong khu vực dẫn tới giá thành sản xuất của DCM cao hơn 15 USD/tấn so với phân bón cùng loại của các nước trong khu vực.

Thêm vào đó, Luật thuế số 71/2014/QH13 của Quốc hội ra đời năm 2014 và chính thức có hiệu lực từ năm 2015 đã quy định mặt hàng phân bón là đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.

"Các DN sản xuất phân bón không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng VAT của nguyên vật liệu đầu vào, dịch vụ dùng cho sản xuất phân bón. Trong trường hợp của DCM, mỗi năm DN không được khấu trừ gần 350 tỷ đồng tiền thuế. 

Vì vậy, với công tác phải bảo toàn vốn thì DCM và tất cả các DN sản xuất phân bón trong nước khác phải tính phần thuế VAT không được khấu trừ này vào chi phí giá thành sản phẩm để xây dựng giá bán nên vô hình chung giá phân bón sản xuất trong nước cao hơn giá phân bón ngoại. Và điều này dẫn đến việc phân bón nội gặp rất nhiều khó khăn trong tiêu thụ tại thì trường nội địa cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu", bà Hiền nhấn mạnh.

Cũng bàn về việc "gỡ" luật số 71/2014/QH13, lãnh dạo một DN phân bón đầu ngành khác cũng cho hay: "DN ngành phân bón chúng tôi cùng với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hiệp hội Phân bón Việt Nam cùng đề xuất nhiều giải pháp gỡ Luật số 71 nhưng Bộ Tài chính cùng các bộ ngành liên quan đều ghi nhận và hứa sẽ 'tìm cách tháo gỡ khi đến thời điểm phù hợp'. Còn lúc nào mới phù hợp thì chưa thấy nói…"

Số liệu thống kê của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, từ năm 2015 khi thực hiện Luật số 71/2014/QH13 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế, giá thành phân đạm trong nước tăng 7,2 - 7,6%, phân DAP tăng 7,3 - 7,8%, phân super lân tăng 6,5 - 6,8%, phân NPK và hữu cơ tăng từ 5,2 - 6,1%... so với những năm trước đó khi còn áp dụng thuế GTGT 5% đối với phân bón.

Lý do chính dẫn đến nghịch lý trên là vì thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT nên phân bón không được khấu trừ thuế GTGT của nguyên vật liệu, dịch vụ dùng trong sản xuất. Từ đó, chi phí sản xuất phân bón tăng lên, DN buộc phải tính phần thuế GTGT không được khấu trừ này vào chi phí giá thành sản phẩm, khiến người nông dân vẫn phải mua phân bón với giá cao hơn…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem