Bừng sáng Bon R'Long Phe

Quốc Hải Thứ ba, ngày 24/11/2020 09:40 AM (GMT+7)
Cách đây 5 năm (ngày 27/11/2015), lễ kết nghĩa giữa Công ty CP Phân bón Bình Điền với Bon R'Long Phe của xã Quảng Sơn (huyện Đắk G'Long, Đắk Nông) diễn ra. Đây là địa phương thứ hai tại Tây Nguyên mà Bình Điền kết nghĩa, nhằm hỗ trợ các buôn đồng bào dân tộc phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, giữ vững an ninh chính trị…
Bình luận 0

Thông qua chương trình kết nghĩa, lãnh đạo công ty và UBND xã Quảng Sơn đã đề ra các mục tiêu để phát triển kinh tế - xã hội Bon R'Long Phe giai đoạn 2015-2020, đó là giảm dần số hộ nghèo trong Bon để đến năm 2020 số hộ nghèo trong Bon còn dưới 10%.

Bừng sáng Bon R'Long Phe - Ảnh 1.

Cán bộ kỹ thuật của Công ty CP Phân bón Bình Điền, chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc cây cà phê với người dân Tây Nguyên.

 5 năm nghĩa tình Bình Điền - R'Long Phe

Nếu ai đã từng đến vùng đất thuộc Bon R'Long Phe vào thời điểm trước năm 2015 thì sẽ không khỏi ngạc nhiên. Bởi đây là một vùng đất nghèo nàn, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, vào thời điểm năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo trong bon chiếm tỷ lệ 42,5%. Sản lượng, năng suất cây trồng đạt thấp. Tỷ lệ con em được cắp sách đến trường chỉ đạt khoảng 75 - 80%...

Nhưng đến hôm nay, Bon R'long Phe đã và đang thay da đổi thịt từng ngày. Bà con trong Bon hầu như không còn chật vật với cơm áo gạo tiển để cùng đoàn kết một lòng xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp.

Ông Lê Quốc Phong, nguyên Tổng giám đốc công ty CP Phân Bón Bình Điền nhớ lại, chính Nghị quyết Trung ương 7 (khoá IX) và phong trào kết nghĩa với các buôn đồng bào dân tộc thiểu số do Tỉnh ủy tỉnh Đắk Nông phát động đã tạo đà để Bon R'long Phe và Bình Điền… "đến với nhau".

Theo ông Phong, ngay sau khi ký kết giao ước kết nghĩa, Ban Tổng giám đốc Bình Điền đã chỉ đạo tổ công tác của công ty phối hợp với Ban tự quản Bon R'Long Phe triển khai và tổ chức thực hiện các nội dung đã được ký kết đã nêu trong sổ vàng kết nghĩa; phân công cán bộ trong tổ công tác và cán bộ phụ trách địa bàn thường xuyên nắm tình hình, thăm hỏi, gần gũi cán bộ, đồng bào trong Bon và kịp thời đề xuất, báo cáo về công ty để chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nội dung đã giao ước kết nghĩa.

Tiếp nối những cam kết với Bon R'Long phe, ngay sau khi tiếp quản vai trò điều hành Bình Điền từ ông Lê Quốc Phong, ông Ngô Văn Đông, Tổng Giám đốc đương nhiệm của Công ty CP Phân bón Bình Điền càng quyết liệt hơn trong việc triển khai những cam kết "với người anh em R'Long phe".

Bừng sáng Bon R'Long Phe - Ảnh 2.

Ông Ngô Văn Đông, Tổng Giám đốc Công ty CP Phân bón Bình Điền trao đổi về kỹ thuật chăm sóc cây cà phê với nông dân Tây Nguyên…

"Xác định để Bon R'Long phe thay đổi và phát triển, Bình Điền đã đẩy mạnh công tác khuyến nông và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con trong Bon. Trong suốt 5 năm qua, Công ty đã phối hợp với Viện kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên tổ chức các buổi tập huấn, hội thảo về cách trồng và chăm sóc cây cà phê, hồ tiêu để từng bước nâng cao kiến thức nông nghiệp cho đồng bào Bon. Bên cạnh đó, hàng tháng cán bộ KHKT của công ty cùng với các chuyên gia nông nghiệp về hướng dẫn biện pháp canh tác và chăm sóc cây cà phê, cách sử dụng phân bón, phòng chống sâu bệnh cho hơn 1.000 lượt lượt bà con nông dân trong Bon", ông Đông cho biết.

Song song đó, Bình Điền đã triển khai chương trình hỗ trợ phân bón trả chậm không tính lãi cho bà con trong bon. Trong 5 năm kết nghĩa, công ty đã đầu tư phân bón trả chậm không tính lãi với số lượng 420 tấn, trị giá gần 2,5 tỷ đồng.

"Bừng sáng" Bon R'Long phe

Với quan điểm giúp đồng bào cái cần câu, chứ không chỉ mang cho con cá, Bình Điền đã từng bước đưa ánh sáng khoa học - kỹ thuật đến với công việc sản xuất và đời sống sinh hoạt hằng ngày của bà con trong Bon. Các nhà khoa học định kỳ có mặt, trực tiếp giúp bà con xác định, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, cách thức chăm sóc từng cây, con cụ thể để đạt năng suất cao, chất lượng nông sản tốt, gia tăng được lợi nhuận. Sau 5 năm, bộ mặt của Bon đã có nhiều thay đổi.

Chẳng hạn, nếu như năm 2015, sản lượng cây cà phê chỉ đạt khoảng 3 tấn cà phê nhân/ha thì sau 05 năm kết nghĩa sản lượng cà phê đã đạt từ 4 tấn/ha, tăng 20%; cây lúa tăng từ 3,5 tấn lên 4,5 tấn/ha (tăng 25%). Và từ đó giúp đời sống của bà con ngày một nâng lên. Năm 2015, toàn Bon có 209 hộ thì đã có 89 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 42,5%. Sau 05 năm thực hiện giao ước kết nghĩa, toàn Bon có 270 hộ, 1.208 nhân khẩu. Năm 2020 có 70 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 26%, so với năm 2015 giảm 62%. Nếu như năm 2015 toàn Bon chỉ có khoảng 35 hộ khá giàu (tỷ lệ khoảng 16,7%) thì đến nay số hộ khá giàu của Bon khoảng 120 hộ (chiếm tỷ lệ khoảng 44%).

Đặc biệt, nếu từ năm 2015 trở về trước, tỷ lệ con em trong Bon được cắp sách đến trường chỉ đạt khoảng 75-80%/tổng số con em trong độ tuổi đi học. Sau 5 năm kết nghĩa, được sự tác động và hỗ trợ đúng mức, đại đa số bà con trong Bon đều tạo điều kiện cho con em của mình đi học, đến nay 100% con em đến độ tuổi đi học đều được cắp sách đến trường. Nếu như trước năm 2015, tỷ lệ học sinh khá, giỏi trong Bon chi đạt khoảng 8%/tổng số học sinh của Bon thì sau 05 năm kết nghĩa, tỷ lệ học sinh khá giỏi tăng lên theo từng năm.

Việc xây dựng gia đình văn hóa theo chủ trương của Đảng và Nhà nước được bà con thôn Bon hưởng ứng nhiệt tình. Những hủ tục lạc hậu từng bước bị xoá bỏ. Trẻ em trong độ tuổi được tiêm phòng đạt tỷ lệ 100%.

"Đến với Tây Nguyên, đến với bà con đồng bào các dân tộc ít người, phải từ sự chân thành, chân thật và có tấm lòng; cán bộ, nhân viên Công ty Bình Điền đã làm được điều đó. Coi buôn làng như quê hương mình, bà con dân tộc như người thân yêu, ruột thịt của mình. Bình Điền đã đến và sẽ còn ở lại mãi với Tây Nguyên", ông Ngô Văn Đông, Tổng Giám đốc Công ty CP Phân bón Bình Điền, khẳng định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem