Bước cản lớn trong môi trường đầu tư

Thứ tư, ngày 04/12/2013 13:37 PM (GMT+7)
“Tham nhũng, chậm cải cách doanh nghiệp (DN) nhà nước, các quy định thủ tục rườm rà... là bước cản lớn trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh”. Đây là ý kiến được đưa ra tại Diễn đàn DN Việt Nam diễn ra tại Hà Nội hôm 3.12.
Bình luận 0
“Đặt nặng” cải cách...

Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ (AMCham) tại Việt Nam - ông Steven Winkelman thẳng thắn cho rằng, Việt Nam không phải là quốc gia đầu tiên gặp trở ngại về ngân hàng, nợ xấu, vấn nạn tham nhũng trong DN nhà nước... song đây là thời điểm Việt Nam cần tiến hành những cải cách cần thiết để có môi trường cạnh tranh mà ở đó, các DN cạnh tranh dựa trên giá trị thực của họ- bao gồm khả năng tiếp cận vốn, đất đai và nắm bắt cơ hội...

“Chúng tôi muốn nhìn thấy rõ hơn sự quyết tâm của Chính phủ trong việc cải cách hệ thống quản lý nhà nước, điều mà rất nhiều nhà phân tích coi là nguyên nhân căn bản của những thách thức đặt ra đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay”- ông Winkelman nói.

Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu- ông Preben Hjortlund cũng hoan nghênh nỗ lực của Việt Nam trong việc thực thi các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, mà nhờ đó Việt Nam đã giữ được lạm phát ở mức vừa phải, ổn định được tỷ giá hối đoái, tăng dự trữ ngoại tệ. Tuy nhiên, theo ông, chính khu vực DN nhà nước - nơi chiếm hơn 40% toàn bộ nền kinh tế - đã không thấy sự cải thiện nào mà vẫn hoạt động kém hiệu quả trong khi được ưu đãi nhiều hơn trong việc vay vốn, tiếp cận đất đai- ảnh hưởng cạnh tranh lành mạnh tới các DN nói chung.

Đi thẳng vào những yếu kém về môi trường đầu tư của Việt Nam, ông Sato Motonubu- Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng, kinh tế Việt Nam đang ở ranh giới giữa ngừng trệ và phát triển. Với tình hình kinh tế hiện nay, để vừa ổn định kinh tế vĩ mô vừa tăng trưởng 6-7% gần như là không thể, nếu Việt Nam không có những cải cách mạnh chính sách tài chính- tiền tệ, sớm giải quyết nợ xấu. “Một trong những vấn đề đặc biệt cần phải tái cơ cấu triệt để còn là khối DN nhà nước”- ông nói.

Chấp nhận “đau và mất mát”

Không phải ngẫu nhiên mà chủ đề của diễn đàn năm nay lấy trọng tâm là “Giai đoạn mới của tiến trình cải cách kinh tế Việt Nam”. Bởi theo ông Seck Yee Chung - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Singapore, chừng nào Việt Nam còn chậm cải cách thì kinh tế càng khó có thể khôi phục và phát triển trong bối cảnh khó khăn của toàn cầu hiện nay. Theo ông Chung, không có cải cách nào không “đau và mất mát”.

Việt Nam phải đi đầu trong cải cách DN nhà nước càng sớm càng tốt để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế. Ông Chung cho biết, dư nợ trong nước của DN nhà nước của Việt Nam đã lên tới 145.000 tỷ đồng, trong đó 20-30% là nợ không thể hoàn trả. “Khi DN nhà nước trở thành gánh nặng cho nền kinh tế thì cải cách khu vực DN này sẽ là đòi hỏi thiết yếu để đảm bảo nền kinh tế Việt Nam đi đúng hướng”- ông Chung nói.

"Chúng tôi muốn nhìn thấy rõ hơn sự quyết tâm của Chính phủ trong việc cải cách hệ thống quản lý nhà nước, điều mà rất nhiều nhà phân tích coi là nguyên nhân căn bản của những thách thức đặt ra đối với nền kinh tế VN hiện nay”.

Ông Winkelman

Phát biểu tại Diễn đàn này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: Chính phủ Việt Nam đang quyết tâm và nỗ lực để thúc đẩy cải cách nền kinh tế, trong đó đặc biệt nhấn mạnh tới cải cách ngân hàng, DN nhà nước...

Ở góc độ hoạch định chính sách, Chính phủ đã và đang điều tiết thị trường theo hướng không phân biệt đối xử giữa DN nhà nước và tư nhân. Các DN nhà nước cần phải tiến tới hoạt động hiệu quả, bền vững và đòi hỏi phải có cơ chế quản trị hiệu quả, minh bạch.

Với Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể kết thúc đàm phán và nhiều hiệp định song phương và đa phương khác mà Việt Nam đã và đang tham gia, sẽ là môi trường thúc đẩy sự cải cách nền kinh tế nói chung và cải tổ cho các DN nhà nước nói riêng - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Mai Hương (Mai Hương)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem