Bước đột phá trong nghiên cứu nền văn minh Maya: “Hồi sinh từ đống tro tàn”

Chủ nhật, ngày 26/09/2021 08:00 AM (GMT+7)
Mới đây, các chuyên gia đã tìm thấy bằng chứng về một vụ phun trào núi lửa cổ đại trên một kim tự tháp của người Maya.
Bình luận 0
Bước đột phá trong nghiên cứu nền văn minh Maya: “Hồi sinh từ đống tro tàn” - Ảnh 1.

Dấu vết của một vụ phun trào núi lửa cổ đại đã được phát hiện. Ảnh: Getty

Khoảng 1.500 năm trước, một vụ phun trào núi lửa mạnh mẽ đã tàn phá vùng đất bây giờ là El Salvador, đẩy nền văn minh Maya vào thời kỳ suy tàn. Vụ phun trào Tierra Blanca Joven năm 539 sau Công nguyên của núi lửa Ilopango - ngày nay là một hồ miệng núi lửa - là vụ phun trào lớn nhất ở Trung Mỹ trong 10.000 năm qua. Thảm họa này được cho là đã giải phóng khoảng 20 dặm khối vật chất núi lửa, hay tephra, vào không khí, phủ lên khu vực xung quanh những lớp trầm tích dày khoảng 1,6 feet ( khoảng 48cm).

Điều này khiến nhiều chuyên gia tin rằng những khu định cư của người Maya trong khu vực đã bị bỏ hoang, có thể trong nhiều thế kỷ.

Tuy nhiên, trong một phân tích gần đây về một kim tự tháp của người Maya được gọi là cấu trúc Campana, Akira Ichikawa, một nhà khảo cổ học người Mesoamerican đã phát hiện ra rằng cư dân Maya đã quay trở lại khu vực này sớm hơn nhiều, thậm chí họ còn xây dựng một kim tự tháp để đánh dấu sự kiện này.

Các phân tích mới chỉ ra rằng kim tự tháp được xây dựng bởi các khối đá cắt và đất từ tephra - đá do núi lửa phun ra.

Các học giả từ lâu đã tranh cãi về thời điểm xảy ra vụ phun trào Tierra Blanca Jove, với nhiều niên đại khác nhau từ năm 270 đến 400 sau Công nguyên.

Tuy nhiên, việc xác định niên đại bằng carbon phóng xạ gợi ý rằng năm 539 sau Công nguyên là một ước tính có vẻ như chính xác hơn.

Bước đột phá trong nghiên cứu nền văn minh Maya: “Hồi sinh từ đống tro tàn” - Ảnh 2.

Người Maya có mối liên kết tâm linh rất mạnh mẽ. Ảnh: Getty

Ông Ichikawa đã tính toán tuổi của kim tự tháp Campana là từ năm 545 đến năm 570 sau Công nguyên, cho thấy người dân địa phương quay trở lại địa điểm này nhanh hơn nhiều so với những gì người ta vẫn tin trước đây.

Ông cho biết số lượng tephra trong kim tự tháp rất đáng ngạc nhiên và nó có thể phản ánh ý nghĩa tâm linh của núi lửa trong văn hóa Maya.

Khoảng một thập kỷ trước, tephra được phát hiện trong một "sacbe" ('đường trắng' của người Maya) - một con đường trên cao - tại Joya de Cerén.

Cũng nằm ở El Salvador, cộng đồng người dân Cerén đã bị chôn vùi trong một vụ phun trào núi lửa vào khoảng năm 600 sau Công nguyên và được biết đến với cái tên "Pompeii của châu Mỹ".

Tuy nhiên, Campana là di tích Maya đầu tiên được biết đến sử dụng tephra làm vật liệu xây dựng.

Trong tín ngưỡng của Cerén, tephra có thể được coi là có ý nghĩa tôn giáo hoặc vũ trụ học vì nguồn gốc núi lửa của nó, và tephra cũng mang tầm quan trọng tương tự trong kim tự tháp Campana.

Các thảm họa khí hậu và môi trường, chẳng hạn như núi lửa phun, thường có liên quan đến sự sụp đổ hoặc suy tàn của các nền văn minh cổ đại

Mặc dù vậy, Campana lại mang một ý nghĩa khác, nó chứng tỏ rằng người cổ đại có khả năng xây dựng lại từ đống tro tàn của sự hủy diệt.

Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí khoa học Antiquity.

Người Maya cổ đại có niên đại hơn 4.000 năm và nổi tiếng về kiến trúc, toán học và tín ngưỡng thiên văn. Nhiều công trình xây dựng ấn tượng của họ vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay trong những khu rừng rậm phía đông nam Mexico, Guatemala, Belize và các phần phía tây của Honduras.

Các chuyên gia luôn khao khát tìm hiểu thêm về nền văn minh xã hội hấp dẫn này, thậm chí hàng nghìn năm sau.

Lê Phương (express.co.uk)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem