Bước tiến ngoạn mục của nông thôn Đan Phượng

Lê Hải Thứ năm, ngày 22/08/2019 18:35 PM (GMT+7)
Chỉ sau 5 năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Đan Phượng (Hà Nội) đã có 15/15 xã đạt đủ 19 tiêu chí, trở thành huyện đầu tiên của cả nước được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện NTM. Có được kì tích đáng tự hào này, huyện đã có những cách làm hay, nhiều nơi đến tham quan, học hỏi.
Bình luận 0

Mới đây, huyện Đan Phượng đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, từng bước nâng cao đời sống nông dân”, trao bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2018.

Bước tiến ngoạn mục

Theo báo cáo của huyện Đan Phượng, khi bắt tay vào xây dựng NTM, Đan Phượng là huyện có xuất phát điểm thấp khi các xã chỉ đạt bình quân 10/19 tiêu chí. Hạ tầng kinh tế xã hội chưa đồng bộ, việc đầu tư công nghệ vào sản xuất và bảo vệ môi trường còn hạn chế, thu nhập bình quân năm 2010 chỉ đạt 13,7 triệu đồng/người/năm…

Ông Nguyễn Thạc Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng cho biết, xác định xây dựng NTM là chương trình trọng điểm nhằm phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn, vì vậy, chương trình đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến xã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo điều hành quyết liệt, sát sao với những bước đi, cách làm chủ động, sáng tạo…Đặc biệt, người dân trong huyện đã đóng góp tới hơn 472 tỉ đồng để phát triển kinh tế và tham gia xây dựng NTM.

img

Xã viên HTX Đan Hoài (Đan Phượng) ươm trồng hoa lan phục vụ xuất khẩu. Ảnh: Bá Hoạt

Kết quả là đến năm 2015, huyện đã hoàn thành chương trình xây dựng NTM với 15/15 xã đạt 19 tiêu chí; trở thành huyện đầu tiên của Thành phố được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM.

 Đến năm 2018, tỷ trọng ngành nông nghiệp của huyện đã xuống còn 8,6% (năm 2010 là 14,24%) và tập trung phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thành các vùng sản xuất tập trung, các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ. Các điểm công nghiệp, làng nghề cũng được xây dựng và mở rộng, thu hút hàng nghìn lao động. Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 47,9 triệu đồng (tăng 3,5 lần so với năm 2010). 

Kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội phát triển nhanh, cụ thể là trong 10 năm, huyện đã đầu tư xây dựng 41,05km đường trục xã, 87,64km đường trục thôn, 139,1km đường ngõ xóm, 102,7km đường giao thông nội đồng, nâng tổng số đường trục xã là 50,57km, đường trục thôn là 133,7km, đường ngõ xóm là 198,5km, đường trục chính nội đồng 113,72km. Các tuyến đường đều được lắp đèn chiếu sáng, giúp bà con đi lại thuận lợi, an toàn. Người dân còn trồng hoa, cây xanh hai bên đường, trang trí tường rào, ngõ xóm vô cùng đẹp mắt. 

Đặc biệt là đến tháng 5/2019, huyện đã có 3 xã: Đan Phượng, Song Phượng, Liên Trung là những xã đầu tiên của Hà Nội được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao.

Chuẩn bị từng bước để tiến lên quận

Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình 02 của Thành uỷ Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá cao những thành tích của huyện Đan Phượng. Trong thực hiện Chương trình 02, huyện đã có nhiều mô hình hay như “Đường có hoa, nhà có số, hạ tầng kiên cố, cán bộ nâng tầm”, “Tuyến đường nở hoa”, “Con đường bích hoạ”…

img

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Bà Hằng đề nghị huyện tiếp tục giữ vững phong độ, đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng các xã NTM nâng cao, nhằm chuẩn bị trước một bước cho việc phát triển từ huyện lên quận trong tương lai.

Tiếp tục nghiên cứu để có những giải pháp tối ưu phát triển kinh tế huyện theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị của các sản phẩm chủ lực của huyện. Phát triển mạnh hơn các mô hình liên kết sản xuất; củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX, thành lập các HTX chuyên ngành. Gắn sản xuất với sơ chế, quảng bá sản phẩm, xây dựng các chuỗi giá trị. Tiếp tục thu hút đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao...

Nâng cấp các vùng sản xuất tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, đảm bảo quy mô lớn tương xứng với tiềm năng của huyện. Triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP; quan tâm đào tạo nghề và nguồn nhân lực của huyện. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống có sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại, phù hợp với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và lộ trình đô thị hóa, tránh lãng phí nguồn lực…

Tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đã trao Bằng công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao cho 3 xã Đan Phượng, Song Phượng, Liên Trung của huyện Đan Phượng.Các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong thực hiện Chương trình 02-CTr/TU cũng được huyện khen thưởng…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem