Buồn vì... thoát nghèo

Thứ tư, ngày 25/09/2013 06:52 AM (GMT+7)
Đó là thực trạng đang diễn ra tại nhiều địa phương, được các thành viên Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội nêu ra trong phiên giải trình việc phân bổ nguồn lực và cơ chế điều hành thực hiện chính sách giảm nghèo, được tổ chức tại Hà Nội ngày 24.9.
Bình luận 0
Đề xuất chỉ giữ 2 chương trình giảm nghèo

Buổi làm việc có sự góp mặt của các cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan như Bộ LĐTBXH, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Ủy ban Dân tộc, Bộ Tài chính, Ngân hàng Chính sách xã hội...

Khai mạc phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng: Trong vòng 20 năm qua, Việt Nam đã giảm nghèo khá nhanh, hàng triệu hộ gia đình đã thoát nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo từ chỗ chiếm 58% dân số năm 1993, đến nay chỉ còn khoảng 7,8%. Tuy nhiên, bà Mai vẫn rất thận trọng khi đánh giá: Kết quả giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ tái nghèo cao, gần 50% hộ nghèo tập trung ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng cao, vùng sâu; số hộ nghèo ở đô thị cũng tăng nhanh trước những cú sốc kinh tế...

Trình bày báo cáo giải trình, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, tổng nguồn vốn huy động cho mục tiêu giảm nghèo từ năm 2005 - 2012 là gần 543.000 tỷ đồng. Đánh giá hiệu quả của các chương trình mục tiêu về giảm nghèo, Bộ trưởng Hải Chuyền cho rằng, do đa dạng hóa nguồn lực tập trung, ưu tiên cho giảm nghèo nên một số chính sách giảm nghèo đã hoàn thành sớm mục tiêu đề ra như chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh ở các huyện nghèo...

Tuy nhiên, bà Chuyền cũng thừa nhận, vẫn còn nhiều hạn chế, vướng mắc trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, trong đó đáng kể nhất là việc “có quá nhiều chính sách giảm nghèo” - khoảng trên 70 chính sách - dẫn đến việc chồng chéo, chia cắt, manh mún, hạn chế khả năng tác động, làm chuyển biến đời sống của người nghèo.

Ngoài ra, việc có tới 16 chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo với các đối tượng, mục tiêu, cơ chế quản lý riêng khiến cho việc lồng ghép các chương trình hết sức khó khăn. Do vậy, bà Chuyền kiến nghị với Quốc hội sắp xếp lại các chương trình mục tiêu quốc gia theo hướng tập trung, tinh giản, chỉ để lại 2 chương trình.

Thay mặt Ủy ban Dân tộc, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Sơn Phước Hoan cũng đánh giá, trong giai đoạn 2006 - 2010, tuy chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, lạm phát, nhưng Chính phủ đã cố gắng cân đối, bố trí nguồn lực để thực hiện tốt Chương trình 135. Cụ thể, tổng ngân sách T.Ư đã bố trí trên 14.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương trên 635 tỷ đồng. Tuy vậy, Thứ trưởng Sơn Phước Hoan cũng thừa nhận, tỷ trọng đầu tư cho vùng dân tộc và miền núi so với tổng nguồn lực đầu tư còn thấp.

Ông dẫn chứng qua số liệu của Bộ KHĐT: Tổng nguồn lực đầu tư ngân sách năm 2013 khối các địa phương là trên 130.000 tỷ đồng, nhưng kinh phí trực tiếp đầu tư cho các vùng dân tộc và miền núi để giảm nghèo chỉ đạt 10.200 tỷ đồng, trong đó trực tiếp đầu tư cho đồng bào dân tộc thiểu số chỉ khoảng 5.500 tỷ đồng.

Bệnh “ỷ lại”, “thích nghèo”

Phân tích các báo cáo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Đỗ Mạnh Hùng nêu thực trạng: Tín dụng là một kênh ưu đãi quan trọng trong giảm nghèo. Nhưng tỷ lệ hộ nghèo được vay so với tỷ lệ hộ nghèo vẫn là một khoảng cách lớn. Ngoài ra, theo quy định, mỗi hộ nghèo được vay tối đa 30 triệu đồng, nhưng bình quân chỉ được 12 - 15 triệu đồng, có nhiều hộ chưa tiếp cận được với vốn vay.

Ông Hùng cũng nêu thêm về một căn bệnh không mới nhưng cũng rất đáng lo ngại, đó là bệnh “ỷ lại”, “thích nghèo”: “Nhiều địa phương bị động, trông chờ vào hỗ trợ từ Chính phủ. Nhiều lãnh đạo địa phương hớn hở vui mừng thông báo địa phương mình có thêm hộ nghèo. Nhiều hộ nghèo thì buồn khi bị đưa ra khỏi diện nghèo” (?).

Ông Hùng cũng đề nghị phải tăng tính công khai, minh bạch trong giảm nghèo để chống thất thoát, lãng phí. Ông đưa ra dẫn chứng: “Có những địa phương dùng bức ảnh chụp một hộ nghèo nhưng ở 5 góc độ khác nhau để làm 5 hồ sơ về 5 hộ nghèo. Thực chất chỉ có một hộ nghèo mà thôi”.

Chốt lại phiên làm việc, Chủ nhiệm Trương Thị Mai khẳng định: Chính phủ đã có nỗ lực rất lớn trong giảm nghèo từ việc tăng nguồn lực hỗ trợ. Đến năm 2020 các chỉ tiêu giảm nghèo đặt ra có thể đạt được. Một số chính sách được triển khai, hoạt động tốt như vay vốn, nhà cho người nghèo, bảo hiểm y tế. Một bộ phận người nghèo đã tiếp cận được chính sách. Tuy nhiên, cần tiếp tục nghiên cứu, thay đổi quan điểm trong vấn đề giảm nghèo.

Ủy viên Lê Văn Lai đưa ra nhận định khá xót xa: Có mấy cái không bình thường trong chuyện giảm nghèo. Đặc biệt là bây giờ, người ta chấp nhận làm hộ nghèo để được hỗ trợ. Mà truyền thống của ta quan niệm, nghèo đi đôi với hèn, vậy tại sao người ta phải chấp nhận là “nghèo, hèn” để nhận hỗ trợ? Rõ ràng, những cái không bình thường này có nguyên nhân từ chính sách mà ra.

Trả lời nhanh một số vấn đề liên quan, Bộ trưởng Hải Chuyền thừa nhận, đúng là có biểu hiện người nghèo ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ, lý do là bởi khi họ thoát nghèo, trở thành cận nghèo thì lại chưa có chính sách hỗ trợ thỏa đáng.

“Hiện các chính sách ưu tiên người nghèo thoát nghèo, phần hỗ trợ trực tiếp khá nhiều như chăm sóc sức khỏe, giáo dục, cấp đất ở, đào tạo nghề... Nhưng với các hộ cận nghèo, thoát nghèo thì chưa có chính sách. Chúng tôi đã nhìn nhận vấn đề này nên đã đề nghị Chính phủ: Giảm dần chính sách cho không, tăng chính sách cho vay với lãi suất thấp. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ trực tiếp mà hiệu quả không cao thì cắt giảm. Tuy nhiên, Bộ trưởng Chuyền vẫn khẳng định, các chính sách hỗ trợ trực tiếp như vừa rồi vẫn hết sức thiết thực cho hộ nghèo.

Hải Phong (Hải Phong)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem