Vụ nhiễm Covid-19 ở Vĩnh Long: Trường hợp nào bị xử lý hình sự?

Việt Sáng Chủ nhật, ngày 27/12/2020 09:30 AM (GMT+7)
Theo luật sư, trường hợp người mắc Covid-19 hoặc đi qua vùng có dịch nhưng không khai báo, trốn tránh cách ly y tế, nhập cảnh trái phép thì có thể bị xem xét xử lý hình sự.
Bình luận 0

Mới đây, một người quê ở Vĩnh Long nhập cảnh trái phép từ Campuchia được xác định nhiễm Covid-19.

Cụ thể, ngày 26/12 thông tin từ Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long cho biết có một người nhiễm Covid-19 nhập cảnh trái phép từ Campuchia. Người nhiễm Covid-19 là L.T.T, sinh năm 1988, ở xã Nhơn Phú, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long.

Ca bệnh mắc Covid-19, nhập cảnh trái phép từ Campuchia về Vĩnh Long: Có thể xử lý hình sự? - Ảnh 1.

Mới đây, một người quê ở Vĩnh Long nhập cảnh trái phép từ Campuchia qua đường biên giới được xác định nhiễm Covid-19. Ảnh minh họa.

Ngay sau khi về đến gia đình, người nhà bệnh nhân đã thông báo ngay với công an địa phương để cách ly và lấy mẫu kịp thời tại Vĩnh Long. Ngày 24/12, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Long đã lấy mẫu gửi Viện Pasteur TP.HCM xét nghiệm ngày 25/12.

Kết quả xét nghiệm ngày 26/12 của Viện Pasteur TP.HCM bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2.

Liên quan đến vấn đề này, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp cho biết, đây là hành vi rất thiếu ý thức chấp hành pháp luật, có nguy cơ làm lây lan dịch bệnh Covid -19 ra cộng đồng.

Trong trường hợp có người bị truyền nhiễm bệnh dịch từ người này thì người truyền bệnh có thể xử lý hình sự.

Ca bệnh mắc Covid-19, nhập cảnh trái phép từ Campuchia về Vĩnh Long: Có thể xử lý hình sự? - Ảnh 2.

Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp.

"Những hành vi trốn tránh cách ly, cản trở hoạt động cách ly, không tuân thủ quy định về cấm tập trung đông người, gian dối trong khai báo y tế... dẫn đến làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng thì sẽ bị xử lý hình sự.

Cụ thể, Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao đã có văn bản hướng dẫn số 45 như sau: “Để góp phần ngăn chặn sự gia tăng phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trong thời điểm hiện nay, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng pháp luật và tổ chức xét xử đối với một số hành vi vi phạm pháp luật phổ biến có đủ yếu tố cấu thành tội phạm trong phòng, chống dịch bệnh.

Theo đó, người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 đã được thông báo cách ly thực hiện một trong các hành vi sau đây gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 và bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người", Luật sư Cường phân tích.

Các hành vi cụ thể như: Trốn khỏi nơi cách ly; Không tuân thủ quy định về cách ly; Từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; d) Không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối.

Người chưa bị xác định mắc bệnh Covid-19 nhưng sống trong khu vực đã có quyết định cách ly, quyết định phong tỏa thực hiện một trong các hành vi sau đây gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh thì bị xử lý về tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người theo quy định tại điều 295:

a) Trốn khỏi khu vực bị cách ly, khu vực bị phong tỏa; b) Không tuân thủ quy định cách ly; c) Từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; d) Không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối.

Theo vị luật sư, trường hợp người này mắc Covid-19  hoặc tiếp xúc với người mắc Covid nhưng không khai báo, trốn tránh cách ly y tế, nhập cảnh trái phép thì người này có thể bị xử lý hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm truyền nhiễm cho người theo điều 240 Bộ luật hình sự năm 2015.

"Vấn đề này cơ quan chức năng cần xác minh làm rõ lịch trình di chuyển, tiếp xúc của người này để thực hiện các biện pháp phòng và chống dịch.

Đồng thời thu thập các chứng cứ, căn cứ để xem xét có đủ yếu tố xử lý hình sự người này hay không.

Trong trường hợp có căn cứ cho thấy người này biết mình đã mắc bệnh truyền nhiễm từ trước, hoặc đã tiếp xúc với người bệnh hoặc đi qua vùng dịch nhưng cố tình gian dối, không khai báo y tế, trốn tránh cách ly y tế dẫn đến làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng thì cần phải xử lý hình sự và có đủ căn cứ để xử lý hình sự", vị luật sư nói.

Theo ông Cường, sau vụ tiếp viên hàng không làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng khiến cơ quan điều tra phải khởi tố vụ án thì một số người như thế này vẫn tiếp tục có những hành vi vi phạm về phòng chống dịch bệnh có nguy cơ gây mất an toàn cho cộng đồng.

Bởi vậy việc áp dụng các chế tài một cách cứng rắn, nghiêm khắc để siết chặt công tác quản lý là cần thiết để đảm bảo an toàn cho cộng đồng, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem