Cà Mau: Dành 16.500 tỷ đồng giúp hợp tác xã vượt khó khăn về vốn

Chúc Ly - Ngọc Quyên Thứ năm, ngày 14/04/2022 05:35 AM (GMT+7)
Trải qua nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, ngành nông nghiệp Cà Mau càng nhận thức rõ tầm quan trọng của kinh tế tập thể. Bằng nhiều giải pháp, tỉnh đang khắc phục khó khăn, hướng đến nền nông nghiệp phát triển bền vững.
Bình luận 0

Nhiều thách thức đan xen đối với các hợp tác xã ở Cà Mau

Những năm qua, người dân ấp Minh Hà A, xã Khánh Bình Đông và Ấp 4, 5 thuộc xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau thực hiện mô hình 2 vụ lúa - 1 vụ màu với diện tích hằng năm 240ha. 

Từ mô hình này, vụ màu cho năng suất khá cao, ổn định. Tuy tiềm năng là rất lớn nhưng nông dân địa phương không dám mạnh dạn đầu tư phát triển bởi lo ngại về đầu ra.

Ngành nông nghiệp nhận định, để thực hiện thành công mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp thì tư duy sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu tính liên kết… là trọng tâm cần phải thay đổi. Trong đó, phát triển bền vững nền kinh tế tập thể chính là lời giải cho bài toán này.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát khiến giá cả các mặt hàng nông sản, vật tư sản xuất có nhiều biến động theo chiều hướng bất lợi cho nông dân. Cũng từ đây, nhiều hợp tác xã (HTX) nông nghiệp bộc lộ các hạn chế trong tổ chức hoạt động.

Hỗ trợ vốn và nhân sự giúp HTX đất Mũi vượt khó - Ảnh 1.

HTX Tân Phát Lợi ở huyện Ngọc Hiển, Cà Mau là một điển hình trong việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Trong ảnh: Hệ thống sấy bánh phồng tôm bằng điện mặt trời. Ảnh: C.L

Toàn tỉnh Cà Mau hiện có 180 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, chiếm 69% tổng số HTX của tỉnh.

Theo ông Nguyễn Văn Toàn - Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Dịch vụ thủy sản Ông Muộn (xã Lý Văn Lâm, TP.Cà Mau), tình hình thu mua và tiêu thụ lúa của HTX vẫn gặp khó khăn. Chi phí sản xuất lại tăng cao so với mọi năm, dẫn đến lợi nhuận của người dân, xã viên trồng lúa sẽ không cao.

Cũng theo ông Toàn, hiện nay ngoài nội lực một số HTX còn yếu thì công tác quản lý, hỗ trợ của ngành chức năng chưa thực sự hiệu quả. Một số HTX được đánh giá là có tiềm lực, hoạt động hiệu quả vẫn luôn kêu khó khi tiếp cận với các chính sách hỗ trợ.

Luật HTX năm 2012, Nghị định số 193/2013 quy định 11 chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các HTX. Nhưng thực tế các chính sách này chưa thực sự hiệu quả. Các chính sách hỗ trợ HTX chủ yếu được lồng ghép trong các chính sách chung. 

Một số chính sách riêng (chính sách đào tạo, bồi dưỡng nhân lực quản lý; hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng cho HTX nông nghiệp...) thì không có nguồn vốn, phải lồng ghép trong các chương trình khác.

Chính vì vậy, số lượng HTX được hưởng chính sách hỗ trợ còn hạn chế. Trong khi đó, đa số các HTX có vốn ít, trang thiết bị lạc hậu, quy mô sản xuất nhỏ, chưa xây dựng được chuỗi liên kết. Bên cạnh đó, khả năng huy động vốn của các thành viên rất hạn chế, khó vay vốn trung hạn, dài hạn từ ngân hàng.

Gỡ khó để hợp tác xã ở Cà Mau phát triển

Thực tế là thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã triển khai nhiều giải pháp, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng trong sản xuất của HTX. Trong đó, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Giai đoạn 2013 - 2021, tỉnh đã đào tạo được hơn 6.400 lượt người với tổng kinh phí hơn 4.100 tỷ đồng.

Hỗ trợ vốn và nhân sự giúp HTX đất Mũi vượt khó - Ảnh 3.

Thành viên tổ hợp tác cua giống Cái Trăng (huyện Năm Căn, Cà Mau) không lo về vấn đề đầu ra khi xây dựng được thương hiệu có tiếng. Ảnh: N.Q

Từ năm 2018 đến nay, tỉnh còn tiến hành lựa chọn, hỗ trợ các HTX tham gia xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường, củng cố, kết nối giao thương, tìm được nhiều khách hàng, tăng lượng tiêu thụ và nâng cao giá trị hàng hóa.

Ông Dương Vũ Nam - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Cà Mau cho biết, nhằm hỗ trợ các HTX trên địa bàn tăng cường kỹ năng, kiến thức kinh doanh, nhất là trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, Sở đã tổ chức cho các HTX tham gia nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, hội thảo…

Định hướng phát triển trong giai đoạn 2021-2025 và định hướng năm 2045, ngành khoa học và công nghệ tiếp tục lồng ghép nhiệm vụ và tập trung những nội dung hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể.

Ngoài ra, nhằm giúp HTX tháo gỡ khó khăn về vốn, duy trì, mở rộng sản xuất, kinh doanh, tỉnh đã thành lập quỹ hỗ trợ phát triển HTX, vốn điều lệ từ ngân sách tỉnh cấp đến nay đạt khoảng 16.500 tỷ đồng, vốn từ thành viên đóng góp đạt hơn 340 triệu đồng. Qua đó, đã hỗ trợ cho trên 180 dự án với tổng dư nợ hơn 40.600 tỷ đồng.

Một tín hiệu vui nữa là UBND tỉnh Cà Mau vừa ban hành đề án đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu cụ thể là tổ chức triển khai hiệu quả các chính sách của Trung ương, địa phương.

Đây là tiền đề quan trọng để củng cố, phát triển mô hình HTX thương mại và dịch vụ như trung gian cần thiết giữa người nông dân với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, phân phối và thương mại. Từ đó, tổ chức cung ứng vật tư nông nghiệp đầu vào và tiêu thụ nông sản đầu ra cho nông dân. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem