Cà Mau: Vì sao dân ở vùng này cứ phải sống thấp thỏm, lo âu, mới nghe đài đã vội tắt rồi thở dài?

Hoàng Hạnh Thứ tư, ngày 21/10/2020 17:11 PM (GMT+7)
Năm Chiên (Lý Văn Chiên, 57 tuổi, ở ấp 9, xã Khánh Tiến, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) tắt vội chiếc radio cũ khi nó chưa phát xong bản tin dự báo thời tiết rồi thở dài – một tiếng thở dài đầy trăn trở.
Bình luận 0

Đó là một ngày giữa tháng 10, khi những cơn mưa nặng hạt không ngừng trút nước xuống đồng đất tỉnh Cà Mau. Đứng trước cửa nhà hướng mắt về phía biển, Năm Chiên lo lắng cho mấy công đất nuôi tôm là sinh kế duy nhất đang bị uy hiếp bởi những cơn sóng biển vỗ liên hồi vào chân đê.

Sống lo âu bên đê biển Tây - Ảnh 1.

Sóng biển đánh trôi nhiều mét đê biển Tây, tỉnh Cà Mau trong mấy tháng đầu năm nay. Ảnh: Minh Thanh.

Ông Năm Chiên nói, hể cứ tới mùa mưa bão là bà con ở đây lại lo cho tuyến đê biển Tây. Bởi nó như là một "thành lũy" bảo vệ tính mạng và tài sản cho hàng nghìn hộ dân sinh sống phía trong đê; nhưng hiện tại, cái thành lũy vững chắc ấy đang bị bào mòn dần theo từng ngày.

Trong ký ức của Năm Chiên, những vạt rừng già phía trước cửa nhà mình vẫn còn hiển hiện. Hồi ấy, muốn ra biển bắt tôm, cá, dân làng ông phải băng rừng hơn 1km; còn bây giờ, chỉ sau vài năm trở lại đây, thay vào những vạt rừng xanh ấy là mặt biển trắng xóa – và biển như là hung thần đang ngày đêm "nuốt chửng" rừng và đất.

"Hơn 1ha đất nuôi tôm là 'nồi cơm' duy nhất của gia đình, nhưng nếu tuyến đê biển Tây bị phá vỡ thì đất đai cũng bị biển cuốn trôi, điều này đồng nghĩa với việc chúng tôi không còn đường sống…", Năm Chiên bỏ lửng câu nói trong tiếng thở dài.

Như để minh chứng cho nỗi lo của người dân xứ Khánh Tiến, Năm Chiên lật cuốn sổ tay ghi lại cụ thể những lần thiên tai tàn phá tuyến đê một cách rất chi tiết như hồi đầu tháng 5, hơn 1.600m mặt đê đi qua địa bàn xã bị sụt lún; hay những vụ sạt lở đặc biệt nguy hiểm đoạn giữa cống Đá Bạc - Kênh Mới với chiều dài 850m; đoạn bờ Bắc, bờ Nam cống Kênh Mới dài 765m…

Sống lo âu bên đê biển Tây - Ảnh 2.

Một số biện pháp khắc phục sạt lở đê biển Tây tạm thời được tỉnh Cà Mau áp dụng. Ảnh: Hoàng Hạnh.

Ở cách nhà Năm Chiên không xa, Hai Thọ cũng bỏ dở bữa cơm trưa khi thấy nước biển bị sóng đánh tràn lên gần phủ hết mặt đê. Ông bảo không lo sao được, khi cả chục triệu đồng tiền con giống vừa thả xuống mấy công đất nuôi tôm đón đầu giá  Tết, nhưng giờ nó có nguy cơ mất trắng theo từng con sóng biển.

Hai Thọ bấm đầu ngón tay nhẫm tính, nếu đợt xuống giống này thuận lợi thì sau 4 tháng tới sẽ cho thu hoạch. Tuy không mang về bạc trăm triệu, nhưng cũng đủ để gia đình sắm sửa lại một số vật dụng bị nước biển dâng làm hư hại trong mùa mưa bão năm ngoái, rồi còn lo cho con cháu có được cái Tết no ấm trong năm nay.

"Tính là tính vậy, chớ sống ở đây, chén cơm có thể mất đi khi chưa kịp đưa lên tới miệng", Hai Thọ nói và cho biết, như nhà ông đã phải di dời liên tục để "chạy" sạt lở trong các năm qua.

Sống lo âu bên đê biển Tây - Ảnh 3.

Nông dân HaiThọ cũng như hàng nghìn hộ dân sống phía trong tuyến đê biển Tây (tỉnh Cà Mau) đang lo sợ vỡ đê từng ngày. Ảnh: Ly Trần.

Cái chuyện "nhà chạy" theo sạt lở như lời Hai Thọ thì đã không còn lạ gì đối với người dân vùng này. Tội nhất là những gia đình nghèo chưa có điều kiện tháo dỡ nhà cửa dời đi, có khi chỉ qua một đêm đã bị sóng biển đánh úp, nước tràn vào nhà hất bay cả vách lá, rồi đến chiếc ti vi cũ là tài sản duy nhất cũng bị cuốn trôi ra biển…

Cái lo của người dân ven biển Cà Mau đang hiển hiện từng giờ, từng ngày khi sạt lở liên tiếp cuốn trôi từ 20 – 25,5m đất liền mỗi năm ở tuyến đê biển Tây; cá biệt có nơi ăn sâu vào đất liền đến 50m. Riêng bờ biển Đông, quân bình hàng năm biển "nuốt" từ 45 – 50m vào phía đất liền, có nơi hơn 80 m.

Chỉ tính riêng mấy tháng đầu năm nay, tuyến đê biển Tây đã có 6 đoạn sạt lở rất nghiêm trọng, với tổng chiều dài gần 5.000m. Tại các vị trí bị sạt lở, đai rừng phòng hộ không còn, ở phía ngoài dù có hệ thống kè hộ đê nhưng sóng biển vẫn gây tác động rất lớn lên mái đê, nguy cơ vỡ đê rất cao, nhất là khi thời tiết xấu, cực đoan xảy ra kết hợp với triều cường dâng cao.

Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau Tô Quốc Nam lo ngại, nếu xảy ra vỡ đê trong mùa mưa bão sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng đến đời sống hơn 26.000 hộ dân, với gần 129.000ha đất sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, đặc biệt là khu vực rừng tràm U Minh Hạ.

Để bảo vệ người dân sống ven biển, trước mắt tỉnh Cà Mau đã tạm ứng nguồn ngân sách địa phương để khắc phục hơn 9000m đê biển Tây đang bị sạt lở nghiêm trọng; về lâu dài, địa phương này cũng đã đăng ký với Trung ương hơn 2000 tỷ đồng xây dựng các công trình bảo vệ đê biển, giai đoạn 2021 – 2025.

Rừng mất, biển tiến vào đất liền, tính mạng và tài sản của người dân sống dọc bên trong tuyến đê biển Tây đang bị đe dọa từng ngày, đó là những gì đang diễn ra trước mắt những người nông dân lam lũ như Năm Chiên, Hại Thọ, nhưng họ không biết phải làm gì ngoài việc mong đợi vào những công trình kiên cố bảo vệ đê, bảo vệ cuộc sống gia đình mình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem