Cá nuôi ở nơi này của Gia Lai là loài cá gì mà dân bảo to rồi, thương lái phải to nữa mới mua?

Thứ tư, ngày 06/04/2022 13:40 PM (GMT+7)
Sau 8 tháng chăm sóc và nuôi dưỡng, đàn cá diêu hồng thuộc mô hình nuôi cá lồng trong lòng hồ thủy điện Ia Ly (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) đã đủ trọng lượng xuất bán. Tuy nhiên, các hộ dân vẫn chưa tìm được đầu ra cho sản phẩm.
Bình luận 0

Với tiềm năng và lợi thế sẵn có, những năm gần đây, phong trào nuôi cá lồng trong lòng hồ thủy điện, thủy lợi nhỏ trên địa bàn huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) phát triển khá mạnh. Đặc biệt, từ các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số cũng tích cực tham gia mô hình này nhằm phát triển kinh tế gia đình.

Tháng 7-2021, Trung tâm Giống thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân và Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Chư Păh xây dựng mô hình nuôi cá diêu hồng trong lòng hồ thủy điện Ia Ly cho 8 hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở làng Yut (xã Ia Phí), mỗi hộ 1 lồng. 

Ngoài vốn đối ứng của người dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện còn hỗ trợ 5 triệu đồng/hộ để làm lồng; Trung tâm Giống thủy sản hỗ trợ mỗi lồng nuôi 2.000 con cá giống và 50% thức ăn cho cá, hướng dẫn kỹ thuật nuôi dưỡng, chăm sóc.

Sau gần 8 tháng, đàn cá phát triển khá tốt, trọng lượng bình quân đạt 0,8 kg/con, cá biệt có con nặng trên 1 kg. Mặc dù đã đủ điều kiện xuất bán nhưng việc liên hệ với đại lý và vựa thu mua cá lồng vẫn đang gặp khó khăn.

Cá nuôi ở nơi này của Gia Lai là loài cá gì mà dân bảo to rồi, thương lái phải to nữa mới mua? - Ảnh 1.

Các hộ dân nuôi cá diêu hồng ở làng Yut (xã Ia Phí, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) đang gặp khó trong tiêu thụ. Ảnh: Nguyễn Diệp.

Ông Rơ Châm Plơih (làng Yut) trăn trở: “Ngoài 1 lồng nuôi cá của mô hình, tôi còn mở rộng thêm 1 lồng nữa để tách đàn. Mới đây, qua giới thiệu, tôi đã thử liên lạc với một số chủ vựa chuyên thu mua cá diêu hồng thì họ trả lời chỉ mua cá đạt trọng lượng từ 1,2 kg trở lên”. Còn ông Rơ Châm Kiểu-Trưởng thôn Yut thì bày tỏ: “Chúng tôi rất lo ngại vì cá đến kỳ thu hoạch nhưng chưa tìm được thương lái để bán. Hiện giá thức ăn cho cá đang tăng cao nên chúng tôi mong muốn tiêu thụ nhanh nhất để giảm bớt chi phí đầu tư”.

Theo tính toán sơ bộ của cơ quan chuyên môn huyện Chư Păh, trọng lượng bình quân mỗi lồng cá diêu hồng mà các hộ dân đang nuôi là hơn 840 kg. Với mức giá 40-43 ngàn đồng/kg thì người nuôi đã có lãi. Vì thế, các đơn vị liên quan của huyện đang tìm hiểu, kết nối thị trường tiêu thụ giúp người dân bán được sản phẩm và tiếp tục phát triển mô hình nuôi cá lồng.

Bà Lê Thị Ánh Dương-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chư Păh-thông tin: Thời gian qua, Hội đã vận động các hộ dân tham gia mô hình nuôi cá lồng và hướng dẫn quy trình kỹ thuật.

Hiện nay, cá diêu hồng đã đến kỳ thu hoạch. Tuy nhiên, qua tìm hiểu từ các hộ nuôi, chúng tôi được biết đầu ra đang gặp khó. Trước tình hình đó, Hội Nông dân huyện đã gặp gỡ các hộ để bàn bạc, tìm giải pháp tiêu thụ cho bà con.

Trong khi đó, ông Võ Xuân Bảo-Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Chư Păh-lý giải: Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên các chủ vựa chuyên thu mua cá lồng chưa thể vào tận nơi để tìm hiểu trọng lượng cá. Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện cũng đang phối hợp với đơn vị liên quan để tìm phương án kết nối thị trường tiêu thụ cá cho người dân.

Cá nuôi ở nơi này của Gia Lai là loài cá gì mà dân bảo to rồi, thương lái phải to nữa mới mua? - Ảnh 3.

Người dân vận chuyển thức ăn ra lồng cho cá diêu hồng ăn. Ảnh: Nguyễn Diệp

Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Hữu Phước-Giám đốc Trung tâm Giống thủy sản-khẳng định: Trung tâm sẽ tích cực kết nối, giới thiệu để các đại lý và vựa chuyên thu mua cá diêu hồng nuôi đến tìm hiểu và tiêu thụ toàn bộ sản lượng cá cho các hộ dân.

Nguyễn Diệp (Báo Gia Lai)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem