Cá to cá nhỏ đều bị tàu giã cào đánh bắt, lại thêm thiếu khu hậu cần, ngư dân Cô Tô gặp khó

Hoàng Trình Thứ hai, ngày 15/06/2020 19:07 PM (GMT+7)
Đã nhiều tuần nay, vùng biển khu vực đảo Cô Tô liên tục có gió lớn, hàng trăm tàu cá lớn nhỏ phải neo đậu tránh trú chờ gió giảm để ra khơi.
Bình luận 0

Hơn 10 ngày nay, vùng biển Cô Tô liên tục có gió Nam cấp 6-7. Nhiều tàu cá đến từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ngãi… không thể ra khơi mà phải quay về neo đậu tại khu neo đậu tránh trú bão Bắc vịnh Bắc Bộ trên huyện đảo Cô Tô. Anh Trần Văn Hồng, chủ tàu thu mua cá TH-92.686 mặt mũi nhăn nhó vì đã phải neo tàu chờ đợi ở đây đã gần 3 tuần.

Hải sản ít, đánh bắt khó khăn, ngư dân biển Cô Tô kêu khó. - Ảnh 1.

Anh Trần Văn Hồng, chủ tàu thu mua cá TH-92.686 kể về những khó khăn trong hoạt động đánh bắt thủy hải sản trên vùng biển Bắc vịnh Bắc Bộ.

Anh Trần Văn Hồng cho biết, anh đầu tư gần 10 tỷ đồng cho chiếc tàu thu mua cá vỏ gỗ công suất hơn 200CV, chạy từ Thanh Hóa ra Quảng Ninh để thu mua tôm cá từ năm 2016. Thời gian gần đây sản lượng đánh bắt của các tàu cá ở vùng biển này giảm đi rõ rệt chỉ bằng 50% so với những năm trước. 

Theo anh Hồng, nguyên nhân là do một phần vì thời tiết thay đổi, nhưng có lẽ ảnh hưởng nhiều nhất là vẫn còn nhiều tàu giã cào, đánh bắt tận diệt hoạt động đêm ngày.

Khi thu mua cá, tàu của anh Trần Văn Hồng phải chạy theo các tàu đánh cá và thu mua trực tiếp tại ngư trường chứ không chờ các tàu vào trong Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Bắc vịnh Bắc Bộ trên địa bàn huyện Cô Tô. 

Sau khi đã đủ lượng thì tàu sẽ quay trở về Thanh Hóa để bán ở đó được giá hơn.

Hải sản ít, đánh bắt khó khăn, ngư dân biển Cô Tô kêu khó. - Ảnh 2.

Do chưa có khu hậu cần, ngư dân phải mua thực phẩm, gas, nước… của các tàu bán lẻ ở gần đó.

"Do cá đánh bắt được trên vùng biển này chủ yếu là cá nhỏ chỉ để làm chượp hoặc thức ăn gia súc nên không thể bán trực tiếp tại đảo Cô Tô mà phải mang vào đất liền. Chỉ có mực, cua, ghẹ ngon thì họ mới mua để bán cho các nhà hàng, khách du lịch. Ở Cô Tô chưa có doanh nghiệp nào thu mua chế biến loại cá này do khu hậu cần nghề cá ở đây chưa được đầu tư đầy đủ. Nếu gió Nam cứ kéo dài như thế này thì các tàu ở đây sẽ không thể ra khơi được mà phải chờ lặng gió", anh Hồng cho biết.

Còn anh Nguyễn Văn Vịnh, tàu cá QNg-93295Ts cũng đang neo đậu gần đó thì cho biết, khu neo đậu tránh trú bão này chủ yếu mới chỉ có phục vụ được việc neo đậu hàng ngày mà chưa thể tránh trú bão. Mỗi khi có tin bão, hoặc áp thấp nhiệt đới gần bờ là các tàu cá lại phải quay vào trong khu vực Vịnh Bái Tử Long để tránh trú.

"Các tàu giã cào thời gian gần đây hoạt động rất mạnh và được trang bị nhiều loại ngư cụ hiện đại nên cá to, cá nhỏ đều bị bắt lên. Ở bên kia nước bạn họ còn có quy định về việc dừng đánh bắt cá vào mùa sinh sản nhưng ở mình thì vẫn chưa thực hiện quy định này. Chính vì vậy hải sản vùng biển Bắc vịnh Bắc Bộ ngày càng suy giảm", anh Hồng nói.

Hải sản ít, đánh bắt khó khăn, ngư dân biển Cô Tô kêu khó. - Ảnh 3.

Nhiều tàu cá neo đậu tại khu neo đậu tránh trú bão huyện Cô Tô chờ lặng gió để ra khơi.

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Nguyễn Văn Công, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh cho biết, dự án tại Cô Tô được thực hiện lồng ghép vừa là Khu neo đậu kết hợp Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá, mặc dù đã đưa vào sử dụng nhưng chưa hoàn thiện do vướng mắc về vốn.

"Tại thời điểm xây dựng do khó khăn về vốn nên khu neo đậu tại Cô Tô chưa đủ tiêu chí tránh trú bão do chưa đủ 3 mặt kín sóng. UBND tỉnh Quảng Ninh đã giao cho UBND huyện Cô Tô lập dự án PPP thu hút nhà đầu tư khu hậu cần nghề cá. Dự án đã trình sở Kế hoạch và đầu tư và sẽ kêu gọi chủ đầu tư theo đúng quy định của pháp luật", ông Nguyễn Văn Công cho biết.

Hải sản ít, đánh bắt khó khăn, ngư dân biển Cô Tô kêu khó. - Ảnh 4.

Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Bắc vịnh Bắc Bộ tại huyện đảo Cô Tô.

Liên quan đến hoạt động của các tàu giã cào, đánh bắt tận diệt, Phó giám đốc sở NN&PTNT cho biết, sau 2 năm thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TU ngày 1/9/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh, đã xử phạt 4.676 vụ vi phạm, thu phạt hơn 22,9 tỷ đồng. Tịch thu, tiêu hủy 30 phương tiện tàu cá vi phạm và nhiều ngư cụ là tang vật vi phạm khác như kích điện, súng điện, máy nén khí, quần áo lặn; chã ván, cào kim loại, lồng bát quái, càng te...


Tuy nhiên, do vùng biển Quảng, Ninh rộng, có nhiều đảo, bến bãi, vụng, vịnh, luồng lạch, có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc nên khó kiểm soát du nhập các phương pháp, ngư cụ khai thác mang tính tận diệt nguồn lợi thủy sản. Còn trên 25% tàu cá chưa thực hiện đăng ký, đăng kiểm; gần 83% số tàu hoạt động vùng biển ven bờ đang tạo áp lực lên nguồn lợi thủy sản. 

Điều kiện tiếp nhận thông tin chính sách, pháp luật của ngư dân có nhiều hạn chế. Tình trạng ngư dân chống đối, không chấp hành quyết định xử phạt của cơ quan chức năng có chiều hướng gia tăng.

Hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm thời gian gần đây có chiều hướng chững lại, trong xử phạt vi phạm hành chính còn biểu hiện nể nang, thiếu kiên quyết; có đơn vị, địa phương chưa chấp hành nghiêm việc báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị số 18 theo đúng tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh. Các quy định của pháp luật còn thiếu, một số chưa theo kịp với thực tế trong khai thác thủy sản và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem