Cá tra giàu dinh dưỡng, có lợi cho tim mạch, trí não, sao dân miền Bắc không ăn?

Khánh Nguyên Thứ tư, ngày 12/08/2020 16:18 PM (GMT+7)
Mặc dù cá tra rất giàu giá trị dinh dưỡng, không thua gì cá biển nước sâu nhưng người tiêu dùng miền Bắc vẫn còn lạ lẫm với loài thủy sản này. Hướng về thị trường nội địa, thâm nhập thị trường miền Bắc đang là mục tiêu nhiều doanh nghiệp cá tra hướng tới.
Bình luận 0

Trong khi chưa hết khó khăn do những tác động của đợt bùng phát dịch Covid-19 đầu tiên thì làn sóng dịch Covid-19 lần thứ hai tiếp tục khiến các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra gặp khó.

Tìm về thị trường nội địa là một giải pháp lúc này, tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp, phải giảm chi phí vận chuyển thì cá tra mới mong có chỗ đứng ở thị trường nội địa.

Doanh nghiệp lao đao, nông dân "treo" ao

Trao đổi với Dân Việt, ông Trần Văn Hùng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hùng Cá (Cụm công nghiệp Thanh Bình, xã Bình Thành, huyện Thanh Bình, Đồng Tháp) cho biết, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ hai một lần nữa khiến các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra chìm trong gian khó.

 "Nếu tình hình tiêu thụ còn khó khăn và tiếp tục kéo dài, nhiều doanh nghiệp sẽ không thể gắng gượng được" - ông Hùng nói.

Cá tra tìm đường “bơi” về nội địa - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường trao đổi với đại diện HTX Xuyên Việt (Hải Dương), đơn vị đầu tiên nuôi cá tra ở miền Bắc. Ảnh: N.Chương

"Thực tế, cá tra rất giàu giá trị dinh dưỡng nên người miền Nam tiêu thụ rất nhiều, mỗi ngày thị trường miền Nam có thể tiêu thụ 300 - 500 tấn cá tra. Nhưng thị hiếu của người miền Bắc lại khác, họ thích ăn cá còn tươi sống nên việc tiếp cận cần có những sự thay đổi linh hoạt hơn".

Ông Trần Văn Hùng - Chủ tịch HĐQT

Tập đoàn Hùng Cá

Xuất khẩu giảm sút cũng khiến giá cá tra nguyên liệu tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong tháng 7/2020 giảm 500 đồng/kg so với tháng trước, chỉ còn 17.500 - 17.800 đồng/kg đối với cá tra loại 1 (trọng lượng 700 - 900gram/con, mức giá thấp nhất trong 3 năm trở lại đây, và thấp hơn giá thành sản xuất 5.000 - 7.000 đồng/kg.

Giá cá tra giảm, sức mua chậm khiến người nuôi cá tra ở nhiều tỉnh An Giang, Đồng Tháp, TP.Cần Thơ như ngồi trên đống lửa. Với những ao nuôi có sản lượng khoảng 100 tấn, người nuôi đang lỗ gần nửa tỷ đồng.

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT), tổng diện tích thả nuôi cá tra vùng ĐBSCL năm 2020 đạt khoảng 6.600ha, sản lượng 1,42 triệu tấn. Tuy nhiên, trước những khó khăn trong tiêu thụ và xuất khẩu, nhiều nông dân đành "treo ao", đợi những diễn biến tích cực của thị trường.

Phải giảm chi phí vận chuyển

Chinh phục thị trường nội địa, nhất là thị trường tiêu thụ miền Bắc đang là một trong những mục tiêu lớn của ngành chế biến cá tra. Tuy nhiên, cho đến nay, việc tiếp cận thị trường nội địa, nhất là ở miền Bắc của con cá tra vẫn còn nhiều khó khăn. 

Ông Trần Văn Hùng cho biết, bản thân Tập đoàn Hùng Cá đã chú trọng và thâm nhập thị trường trong nước từ rất lâu rồi nhưng mới chỉ tập trung ở khu vực miền Nam, miền Trung.

"Thực tế, cá tra rất giàu giá trị dinh dưỡng hơn cá trắm cỏ, chép nên người miền Nam tiêu thụ rất nhiều, mỗi ngày thị trường miền Nam có thể tiêu thụ 300 - 500 tấn cá tra. Nhưng thị hiếu của người miền Bắc lại khác, họ thích ăn cá còn tươi sống nên việc tiếp cận cần có những sự thay đổi linh hoạt hơn" - ông Hùng nói.

Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng, do chi phí vận chuyển quá cao, trong khi sức tiêu thụ còn khiêm tốn nên hành trình đưa cá tra ra Bắc còn nhiều gian nan.

Trong khi đó, theo đại diện Công ty CP Nam Việt (Navico), việc bỏ quên thị trường nội địa trong lịch sử phát triển mấy chục năm của con cá tra ở ĐBSCL là điều vô cùng đáng tiếc. 

Điều đáng mừng là Nam Việt cũng đang dần hình thành hệ thống phân phối cá tra ở phía Bắc. Hiện, mỗi tháng, Nam Việt cung cấp 100 - 200 tấn cá tra ra Bắc theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Nam Việt phấn đấu đến cuối năm 2020 tiêu thụ được khoảng 1.000 tấn cá tra thành phẩm ở thị trường miền Bắc.

Ông Dương Thành Chung -Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất và cung ứng thực phẩm tại Hà Nội, cho biết, đơn vị này đã ký hợp đồng tiêu thụ với một doanh nghiệp chế biến cá tra tại An Giang. 

Ông Chung tiết lộ, đã có hơn 60 khách hàng là doanh nghiệp, trường học, siêu thị, bếp ăn quân đội, bếp ăn công nghiệp... đặt hàng tiêu thụ cá tra và các sản phẩm từ cá tra của công ty ông, với khoảng 100 tấn/tháng, dự kiến đến cuối năm sẽ đạt 230 tấn/tháng.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến nhận định, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm cá tra tại thị trường nội địa là hướng đi đang được thúc đẩy, nhất là trong bối cảnh xuất khẩu thủy sản nói chung, mặt hàng cá tra nói riêng, đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

 "Đây không chỉ là sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao mà quy trình sản xuất cá tra của Việt Nam đã được Bộ Nông nghiệp Mỹ công nhận đạt chuẩn tương đương Mỹ. Điều này cho thấy, cá tra là mặt hàng được kiểm soát, đảm bảo chất lượng, yêu cầu, tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm của thị trường thế giới" - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem