Cá tra từ chỗ lãi "khủng", quay về cảnh cả năm chật vật

Thiên Hương (thực hiện) Thứ năm, ngày 13/06/2019 19:05 PM (GMT+7)
Ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam nhận định như vậy khi trao đổi với phóng viên Báo NTNN về tình trạng giá cá tra giảm nhanh từ chỗ “đỉnh cao” 35.000 – 36.000 đồng/kg xuống chỉ còn 20.000 – 21.000 đồng/kg, khiến nông dân lâm vào cảnh thua lỗ (xem NTNN ra ngày 12/6).
Bình luận 0

Chỉ trong vài tháng, giá cá tra nguyên liệu từ chỗ cao ngất ngưởng đã “quay ngoắt” giảm xuống mức thấp nhất trong khoảng 5 năm gần đây. Điều này ảnh hưởng như thế nào tới người nuôi cá, thưa ông?

- Tình hình này phải nói là hơi khó cho ngành cá tra từ nay tới cuối năm. Lý do là ở thị trường xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang các thị trường chính như Mỹ, Trung Quốc đều giảm, trong đó thị trường Mỹ đặc biệt giảm khá mạnh. Trung Quốc vẫn mua nhưng trả giá thấp.

img

Thu hoạch cá tra ở Đồng Tháp. Ảnh: I.T

"Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm cá tra chất lượng cao, gắn với thực hiện đề án sản phẩm quốc gia làm lực đẩy cho Nghị định cá tra phát huy tác dụng. Xây dựng dòng sản phẩm cá tra fillet chất lượng cao; Đa dạng hóa sản phẩm, phát triển dòng sản phẩm giá trị gia tăng…”.

Ông Dương Nghĩa Quốc

Hiện tại thị trường trong nước, cá tra nguyên liệu trong dân chỉ bán được với giá 21.000 đồng/kg, nhưng tiêu thụ cũng rất khó khăn vì hầu hết doanh nghiệp chế biến đều đã có vùng nguyên liệu riêng.

Thứ hai, giá cá tra giảm mạnh là do năm 2017 – 2018 giá cá tra nguyên liệu tăng cao quá, dẫn đến phát triển nóng, sản lượng tăng, cùng với thị trường Trung Quốc dừng nhập khẩu qua đường tiểu ngạch, đường chính ngạch thì cần có thời gian chuẩn bị, họ quay ngoắt như vậy thì doanh nghiệp trong nước cũng không xoay kịp.

Với giá cả như hiện nay, trừ trường hợp những hộ đã nuôi lâu dài thì còn có lời, còn những hộ mới nhảy vào nuôi cá tra thì thua lỗ khủng khiếp. 

Từ năm 2018 đến đầu năm 2019, đã có rất nhiều nông dân ở khu vực ĐBSCL ồ ạt đào ao nuôi cá tra giống. Được biết giá cá giống cũng đang giảm rất mạnh?

- Đúng vậy, người ương cá giống đang bị khó đủ điều. Trước đây cá giống 30 con/kg giá lên tới 60.000-70.000 đồng/kg, nhưng hiện nay chỉ còn 20.000 – 21.000 đồng/kg. Trong khi đó, lũy kế số lượng giống thả đến ngày 20/5/2019 là 954 triệu con, tập trung nhiều ở các tỉnh Đồng Tháp, Bến Tre, An Giang, Cần Thơ.

Ví dụ như tại Long An, phong trào ương nuôi cá giống phát triển mạnh từ cuối năm 2016, đến nay tổng diện tích chuyển đổi từ đất trồng lúa sang ương cá tra giống khoảng 3.464ha, với 2.213 hộ làm. Tuy nhiên, theo báo cáo từ một số huyện như Tân Hưng và Tân Thạnh, kết quả ương cá tra giống năm 2018 chỉ có khoảng 30% số hộ có lời, còn lại hòa vốn và lỗ. Năng suất trung bình đạt 10 tấn/ha, lợi nhuận đạt từ 100 - 200 triệu đồng/ha.

Con cá thịt đầu ra khó khăn là sẽ ảnh hưởng ngay tới giá cá giống, khi nào cá thịt đẩy mạnh thương mại, thị trường Trung Quốc ăn lại thì mới giải quyết được đầu ra cho cá giống.

Thực tế là cá giống đầu tư không phải quá nhiều tiền, người dân thấy khó, bị thua lỗ sẽ không ương nữa, mức độ thiệt hại không lớn bằng việc nuôi cá thịt. Hai mảng này đi liền nhau, xuất khẩu kém thì cá giống cũng ế ẩm không ai mua.

Ở góc nhìn của Hiệp hội, theo ông có giải pháp nào khắc phục tình trạng này?

- Cá tra chủ yếu phục vụ xuất khẩu, bây giờ cá tra Việt Nam cũng không còn một mình một chợ như trước nữa. Trong 20 năm qua, cá tra là sản phẩm độc quyền của Việt Nam trong cả sản xuất lẫn chế biến và xuất khẩu. Thế nhưng, lợi thế này không còn nữa vì rất nhiều nước đang đẩy mạnh phát triển sản xuất, khiến thị phần cá tra Việt Nam sẽ giảm, các doanh nghiệp sẽ phải chật vật tìm kiếm các thị trường mới. Hiện sản lượng nuôi tại Ấn Độ đã đạt 650.000 tấn/năm, Bangladesh 450.000 tấn. Trung Quốc cũng đã ứng dụng các công nghệ mới vào nuôi thành công cá tra ở đảo Hải Nam...

Bây giờ, chỉ có khắc phục bằng cách đẩy mạnh liên kết giữa người nuôi và doanh nghiệp. Sự điều hành giữa Bộ NNPTNT và các địa phương trong vùng nuôi cá tra phải chặt chẽ hơn nữa, phải có quy hoạch cụ thể, nếu cứ để mạnh ai nấy làm, tỉnh nào biết tỉnh đó thì vòng luẩn quẩn này sẽ không bao giờ thay đổi. Nông dân thì cứ thấy giá cao, có lợi là lao vào nuôi bất chấp các khuyến cáo của Hiệp hội cũng như chính quyền địa phương.

Ông nhận định như thế nào về thị trường xuất khẩu cá tra trong năm nay?

- Để đạt mục tiêu kim ngạch đề ra, con cá tra sẽ phải vượt qua rất nhiều rào cản. Hiện nay nước ta có khoảng 200 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đến 138 thị trường. Tuy nhiên cơ cấu thị trường xuất khẩu từ đầu năm đến nay đã thay đổi theo hướng giảm ở thị trường Mỹ và Trung Quốc (từ chỗ Mỹ đứng đầu xuống đứng thứ 3), tăng ở thị trường EU, Nhật Bản, ASEAN, Trung Đông…

Với mức thuế chống bán phá giá mà Bộ Nông nghiệp Mỹ công bố mới đây rất cao (khoảng 3,5 USD/kg) thì dự báo, trong quý II/2019 việc xuất khẩu cá tra sang thị trường này sẽ giảm tiếp.

Thị trường Trung Quốc đang đứng đầu với kim ngạch đạt 118 triệu USD, chiếm 21,9% tỷ trọng, tuy nhiên thị trường này đang đòi hỏi phải đảm bảo chất lượng và sản phẩm cá khắt khe như đã xuất sang các thị trường khó tính với các tiêu chuẩn như BAP, Global GAP, ASC…

Còn tại thị trường Nhật Bản, cá tra đang dần trở thành sản phẩm thay thế cho con lươn vì bị đánh bắt cạn kiệt. Để tăng cường xuất khẩu cá tra sang Nhật, cần tiếp tục đa dạng hóa và phát triển sản phẩm cá tra chế biến. Quan trọng nhất là chúng ta cần có một chiến lược với tầm nhìn sâu rộng, thông qua nghiên cứu thị trường một cách kỹ lưỡng, đầy đủ và xây dựng được thương hiệu mạnh.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem