Các bước kê khai tài sản, thu nhập tránh tham nhũng

Hoàng Thành Thứ hai, ngày 15/03/2021 15:58 PM (GMT+7)
Trong các thủ tục vừa được Thanh tra Chính phủ thay thế liên quan đến lĩnh vực phòng chống tham nhũng, thủ tục kê khai tài sản, thu nhập được thực hiện trình tự theo 4 bước.
Bình luận 0

Ông Lê Minh Khái - Tổng Thanh tra Chính phủ vừa ký ban hành quyết định công bố thủ tục hành chính  được thay thế trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Thanh tra Chính phủ.

Các bước kê khai tài sản, thu nhập tránh tham nhũng - Ảnh 1.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái.

Các thủ tục hành chính được thay thế gồm: Thủ tục thực hiện kê khai tài sản, thu nhập; thủ tục công khai bản kê khai tài sản, thu nhập; thủ tục xác minh tài sản, thu nhập; thủ tục tiếp nhận yêu cầu giải trình; thủ tục thực hiện việc giải trình. Trong đó:

Thủ tục kê khai tài sản, thu nhập được thực hiện trình tự theo 4 bước: Lập danh sách người có nghĩa vụ kê khai và hướng dẫn việc kê khai; thực hiện việc kê khai; tiếp nhận, quản lý, bàn giao bản kê khai và công khai bản kê khai.

Cách thức thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập được tiến hành tại cơ quan, tổ chức, đơn vị của người có nghĩa vụ phải kê khai. 

Cơ quan Nhà nước các cấp; các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ quan hành chính Nhà nước; các doanh nghiệp Nhà nước phải thực hiện tổ chức triển khai việc kê khai tài sản, thu nhập.

Người có nghĩa vụ kê khai phải kê khai trung thực về tài sản, thu nhập, giải trình trung thực về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật này và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc kê khai tài sản, thu nhập.

Việc kê khai lần đầu, kê khai hàng năm, kê khai phục vụ công tác cán bộ được thực hiện theo mẫu bản kê khai và hướng dẫn.

Thủ tục xác minh tài sản, thu nhập được thực hiện theo 6 bước: Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ban hành quyết định xác minh và thành lập tổ xác minh; tổ xác mình yêu cầu người được xác minh giải trình về tài sản, thu nhập của mình; tiến hành xác minh tài sản, thu nhập; báo cáo kết quả xác minh tài sản, thu nhập; kết luận xác minh tài sản, thu nhập; công khai kết luận xác minh tài sản, thu nhập.

Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày ra quyết định xác minh, tổ trưởng tổ xác minh tài sản, thu nhập phải báo cáo kết quả xác minh tài sản, thu nhập bằng văn bản cho người ra quyết định xác minh; trường hợp phức tạp thì thời hạn có thể kéo dài nhưng không quá 90 ngày.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả xác minh tài sản, thu nhập, người ra quyết định xác minh phải ban hành Kết luận xác minh tài sản, thu nhập; trường hợp phức tạp thì thời hạn có thế kéo dài nhưng không quá 20 ngày.

Các bước kê khai tài sản, thu nhập tránh tham nhũng - Ảnh 3.

Ảnh minh họa.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày ban hành kết luận xác minh tài sản, thu nhập, người ra quyết định xác minh tài sản, thu nhập có trách nhiệm công khai Kết luận xác minh.

Thời hạn thực hiện thủ tục hành chính không quá 115 ngày (trong đó thời hạn xác minh là 45 ngày, trường hợp phức tạp thì thời hạn có thể kéo dài nhưng không quá 90 ngày; thời hạn ban hành kết luận là 10 ngày, trường hợp phức tạp có thể kéo dài nhưng không quá 20 ngày; thời hạn công khai kết luận là 5 ngày làm việc).

Thủ tục tiếp nhận yêu cầu giải trình được thực hiện theo 3 bước: Người yêu cầu giải trình gửi văn bản yêu cầu giải trình hoặc trực tiếp đến cơ quan, tố chức, cá nhân có trách nhiệm giải trình; cơ quan, tổ chức đơn vị, cá nhân có trách nhiệm giải trình tiếp nhận yêu cầu giải trình khi đáp ứng các điều kiện tại Điều 4 và Điều 5 Nghị định 59/2019/NĐ- CP ngày 1/7/2019; người có trách nhiệm giải trình thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu giải trình về việc giải quyết hoặc không giải quyết vả nêu rõ lý do.

Thủ tục thực hiện việc giải trình được thực hiện theo 4 bước: Thu thập, xác minh thông tin có liên quan; làm việc trực tiếp với người yêu cầu giải trình để làm rõ những nội dung có liên quan khi thấy cần thiết; ban hành văn bản giải trình; gửi văn bản giải trình đến người yêu cầu giải trình.

Tài sản, thu nhập phải kê khai bao gồm: Quyền sử dụng đất, nhà ở, công trình xây dựng và tài sản khác gắn liền; kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá và động sản khác mà mỗi tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên; tài sản, tài khoản ở nước ngoài...

Thời hạn thực hiện việc giải trình không quá 15 ngày kể từ ngày ra thông báo tiếp nhận yêu cầu giải trình. Trường họp có nội dung phức tạp thì có thể gia hạn 1 lần, thời gian gia hạn không quá 15 ngày và phải thông báo bằng văn bản đến người yêu cầu giải trình.

Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch để thực hiện việc kê khai, công khai bản kê khai tài sản, thu nhập theo Nghị định 130.

Các cơ quan được yêu cầu lập danh sách cán bộ, công chức, sĩ quan công an, quân đội và người giữ chức vụ từ Phó trưởng phòng trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước..., để yêu cầu thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập lần đầu.

Người có nghĩa vụ kê khai nộp 2 bản cho tổ chức và phải hoàn thành trước ngày 31/3. Theo ông Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Pháp chế (Thanh tra Chính phủ), số người phải kê khai lần đầu khoảng 3,5 đến 4 triệu người.

Phó tổng thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho hay đây là đợt đầu triển khai việc kê khai tài sản, thu nhập theo Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định 130. Do đó, đồng thời với việc hướng dẫn, đôn đốc, Thanh tra Chính phủ sẽ kiểm tra đối với một số bộ, ngành, địa phương để đánh giá nơi nào làm tốt hoặc chưa tốt và thúc đẩy việc thực hiện.

"Đợt này chỉ thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập lần đầu. Sau đó, việc kê khai hàng năm, kê khai bổ sung của năm 2021 sẽ thực hiện vào cuối năm; bảo đảm hoàn thành trước ngày 31/12", ông Liêm cho hay.

Các cơ quan có trách nhiệm rà soát, lập danh sách đầy đủ những người phải kê khai lần đầu để tránh bỏ lọt; tổ chức kê khai theo đúng trình tự, thủ tục quy định; rà soát nội dung bản kê khai để bảo đảm làm đúng mẫu, đúng hướng dẫn; các trường hợp làm chưa đúng, chưa đầy đủ sẽ phải kê khai lại.

Những nội dung không thuộc phạm vi giải trình

Theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 59/2019/NĐ- CP ngày 1/7/2019, những nội dung không thuộc phạm vi giải trình gồm: Nội dung thuộc bí mật Nhà nước; bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật kinh doanh theo quy định của pháp luật; nội dung chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị mà chưa ban hành, chưa thực hiện hoặc nội dung chỉ đạo, điều hành của cơ quan cấp trên với cơ quan cấp dưới....

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem