Các chuyên gia bàn luận sôi nổi về đề án xây nhà hát Opera Hồ Tây

Thành An - Sông Bùi Thứ ba, ngày 26/07/2022 15:47 PM (GMT+7)
Nhiều chuyên gia và những nhà làm quy hoạch cho rằng phải hết sức thận trọng trong việc xây dựng nhà hát Opera bên Hồ Tây bởi không thể tùy tiện làm cho không gian hồ Tây bị ảnh hưởng, nội đô đã quá chật chội.
Bình luận 0

Trước thông tin UBND quận Tây Hồ (Hà Nội) đang tiến hành công khai lấy ý kiến về việc xây dựng nhà hát Opera trên hồ Đầm Trị theo như đồ án Quy hoạch chi tiết Khu vực trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An, trao đổi với PV Dân Việt nhiều chuyên gia và những nhà làm quy hoạch cho rằng phải hết sức thận trọng, bởi không thể tùy tiện làm cho không gian hồ Tây bị ảnh hưởng, nội đô đã quá chật chội.

Quận Tây Hồ lấy ý kiến quy hoạch bán đảo Quảng An - Ảnh 2.

Còn nhiều băn khoăn khi xây nhà hát Opera bên Hồ Tây

KTS Trần Huy Ánh, Thành viên Hội đồng Khoa học Tạp chí Kiến trúc Việt Nam - Viện Kiến trúc Quốc gia, Bộ Xây dựng nhận định, việc quận Tây Hồ trưng bày đồ án tại nhiều vị trí ngay tại bán đảo Quảng An, trong khu vực quy hoạch và công khai rất nhiều thông tin liên quan để mọi người tiếp cận nhằm lấy ý kiến cộng đồng là rất bài bản.

"Đây thực sự là bước tiến bộ trong việc cải cách các hoạt động quản trị địa phương. Tuy nhiên, tất cả các cuộc thảo luận liên quan tập trung quá nhiều vào nội dung Nhà hát mà quên đi công trình này dù ấn tượng tới đâu cũng chỉ là một bộ phận hợp thành công cuộc tái thiết bán đảo Quảng An, nhằm trả lại không gian Xanh cho khu vực này cũng như bổ sung diện tích xanh lớn gần gấp đôi công viên Thống Nhất tại đây", KTS Trần Huy Ánh nói.

Theo KTS Trần Huy Ánh, trên thế giới có rất nhiều công trình văn hóa, nhà hát Opera đã trở thành biểu tượng không chỉ của một điểm đến, mà còn của một quốc gia. Chẳng hạn nhà hát lớn Bắc Kinh, nhà hát Opera Sydney… không chỉ nâng tầm điểm đến, tạo vị thế trên trường quốc tế cho quốc gia đó, mà còn đem về doanh thu khổng lồ cho ngành du lịch. Nhưng trên thực tế, đa số mọi người chỉ nói đến thành công mà chưa đề cập đến những hạn chế.

Đơn cử như Nhà hát Opera Sydney đã phải thực hiện trong 20 năm (1954 - 1973) nhiều lần phải dừng thi công do biểu tình phản đối, do chi phí quá lớn. Thậm chí sự căng thẳng tới mức Kiến trúc sư Joern Oberg Utzon - tác giả công trình phải bỏ dở về nước …

Xây nhà hát Opera bên Hồ Tây: Nhiều chuyên gia băn khoăn - Ảnh 2.

KTS Trần Huy Ánh, Thành viên Hội đồng Khoa học Tạp chí Kiến trúc Việt Nam - Viện Kiến trúc Quốc gia, Bộ Xây dựng. Ảnh: HT.

"Chúng ta thấy thành công của họ là đã vượt qua rất nhiều trở ngại từ một đất nước có tiềm lực kinh tế, có sự thống nhất cao. Một nhà hát được lựa chọn từ 233 đồ án dự thi chứ không đơn giản chỉ có 1 cái để chọn như Việt Nam. Còn tại Bắc Kinh có vô số các công trình biểu tượng rực rỡ, nhất là Sân vận động Tổ chim, nhà hát giọt nước khổng lồ… nhưng không mấy ai biết là để duy trì nó thì thành phố phải "vật vã" vì chi phí quá lớn, đấy là chưa kể họ còn phải đau đầu không biết tổ chức sự kiện nào để nhà hát được duy trì thường xuyên. Điều đó không hề đơn giản.

Còn tại Việt Nam, hồ Đầm Trị là khu vực có nhiều diện tích hồ tự nhiên cũng như cây xanh. Việc xây dựng nhà hát chắc chắn cũng gây ra một số lo ngại việc xây dựng sẽ ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan khu vực. Chẳng hạn, nói là nhà hát nổi nhưng chắc chắn phải có nền móng chìm dưới mặt nước, rồi những đường dẫn cũng chiếm tỉ trọng rất lớn trong diện tích cây xanh được vẽ ở bản quy hoạch và đã được phê duyệt rồi, nay điều chỉnh lại thì lại tăng thêm diện tích xây dựng, kinh doanh thương mại... Vậy thì rõ ràng là không gian xanh đang bị giảm đi, không gian mặt nước về mặt khối tích cũng bị giảm đi", KTS Trần Huy Ánh phân tích.

Hà Nội dự kiến xây nhà hát Opera: "Thủ đô cần có thêm những không gian văn hóa" - Ảnh 1.

Phối cảnh công trình nhà hát ở hồ Đầm Trị, phường Quảng An, Tây Hồ. Ảnh: UBND quận Tây Hồ.

Liên quan đến việc nhà hát được xây dựng từ nguồn xã hội hóa, vị KTS có nhiều nghiên cứu về các công trình ở Hà Nội cho rằng, thực tế là lâu nay chúng ta mới chỉ có xã hội hóa trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, giờ có một nhà hát được xây dựng theo hình thức xã hội hóa như vậy thì cần phải tường minh mô hình xã hội hóa và tư nhân hóa.

"Xã hội hóa là cả xã hội cùng tham gia bàn bạc thiệt lợi trong cuộc trao đổi. Tư nhân hóa thì đơn giản hơn: Chủ đầu tư mua đất xây nhà hát và khai thác kinh doanh. Còn quy trình giao và tổ chức cá nhân nào có thẩm quyền giao đất công làm Nhà hát tư nhân thì có lẽ sẽ vô cùng phức tạp – nhất là tại thời điểm hiện nay", KTS Trần Huy Ánh nói và nhấn mạnh, việc kiến tạo một Nhà hát Opera mới hiện đại cho Hà Nội là cần thiết, sẽ góp phần nâng tầm vị thế của Thủ đô trên bản đồ điểm đến văn hóa nghệ thuật thế giới cũng như tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân địa phương.

"Tuy nhiên, việc triển khai cũng cần phải dựa trên các đánh giá, tác động nhiều chiều. Hy vọng với những bước đi cẩn trọng, Hà Nội sẽ từng bước tạo dựng được thương hiệu cho mình trên con đường hội nhập quốc tế, xứng đáng với danh hiệu "Thành phố sáng tạo" mà UNESCO đã vinh danh.

Cần hết sức thận trọng với nhà hát Opera bên Hồ Tây

TS.KTS Ngô Doãn Đức - Phó Hiệu trưởng trường Đại Học Nguyễn Trãi bày tỏ hết sức băn khoăn khi có nhiều công trình, dự án cao tầng xung quanh Hồ Tây. Nhấn mạnh đến công trình nhà hát Opera bên Hồ Tây đang gây xôn xao dư luận, vị này cho rằng, nhà hát này giáp với Hồ Tây, tác động trực tiếp đến cảnh quan do đó cần phải hết sức thận trọng khi quyết định thực hiện vì nó chất tải cho hạ tầng, làm chật, đông cứng cho cảnh quan, tích tụ đông người.

Xây nhà hát Opera bên Hồ Tây: Nhiều chuyên gia băn khoăn - Ảnh 3.

Phối cảnh tổng thể đồ án quy hoạch chi tiết khu vực trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An. Ảnh: UBND quận Tây Hồ.

"Trong thời gian vừa qua, hồ Tây đang bắt đầu chất tải lên những công trình có khối tích lớn. Những công trình quy mô lớn được xây dựng chiếm các chỗ trống hiện có, điều đó sẽ tác động tới thiên nhiên và cảnh quan vốn là địa chỉ thưởng ngoạn không gian rất cần thiết cho người dân. Vì vậy cần hết sức cân nhắc", ông Đức nói và cho rằng, cần phải xem lại cơ số không gian nhà hát và các rạp đã có để mở rộng, cải tạo phục vụ mục đích sử dụng chứ không nhất thiết cứ phải xây dựng ở Hồ Tây. Bên cạnh đó, quanh nội đô, trong đó chứa đựng cả Hồ Tây thì cần cố gắng không tác động nhiều.

Còn TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội đưa quan điểm, các quy hoạch trước đây của Hà Nội đều cho thấy bán đảo Quảng An là khu vực nhạy cảm, một vị trí quan trọng nằm trên trục Tây Hồ Tây – Cổ Loa.

"Đây là trục mang đậm dấu ấn Thăng Long – Hà Nội. Là trục không gian minh chứng cho một đô thị lịch sử, có quá trình phát triển lâu dài. Với quá trình lịch sử phát triển như vậy, với quy hoạch như vậy, rõ ràng, việc đặt ra vấn đề xây nhà hát Opera phải thận trọng. Làm sao phải tiếp cận được với định hướng của Trung ương và Hà Nội đặt ra, để kế thừa và phát huy giá trị đã có định hướng, khai thác lợi thế, đảm bảo chính trị gắn với an sinh xã hội", ông Nghiêm nói.

Nguyên Kiến trúc sư Trưởng TP.Hà Nội cho rằng, việc dự định xây dựng nhà hát opera phải cân nhắc một cách thận trọng, có nghiên cứu kỹ lưỡng. Theo ông, về định hướng, phải khẳng định việc xây dựng nhà hát là cần thiết, hợp lý, phù hợp với nội dung đã nêu trong Quy hoạch năm 1998. Tuy nhiên, để đảm bảo nhà hát có chất lượng thì lại rất cần nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học. Bởi vì đã có rất nhiều nhà hát mang tính biểu trưng của Hà Nội không thành công. Ví dụ như nhà hát Hoa Sen đã từng bị chê trách rất nhiều.

"Nhìn qua mô hình nhà hát Opera, tôi thấy biểu tượng này chưa hợp lý, chưa mang bản sắc địa phương, chưa tạo được điểm nhấn từ trục Cổ Loa sang cũng như trục Tây Hồ Tây mà điểm đầu là công viên Hoà Bình. Vị trí để xây nhà hát cũng không có tính kết nối giữa trục Tây Hồ Tây và trục Cổ Loa. Đã là nhà hát phải có sức hấp dẫn và phải kết nối với giao thông công cộng. Nhưng đây là nhà hát nằm giữa một khuôn viên nước. Vậy thì kết nối giao thông công cộng như thế nào? Do doanh nghiệp làm hay Nhà nước sau này phải bù thêm tiền để làm?", ông Nghiêm băn khoăn.

Ông Nguyễn Đình Khuyến, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết: Xây dựng nhà hát Opera không chỉ thiết thực cho quận Tây Hồ mà cho cả TP.Hà Nội".

Theo ông Khuyến, nhà hát Opera sẽ trở thành điểm nhấn văn hóa trong việc thực hiện công cuộc công nghiệp văn hóa. Bên cạnh đó còn có khu cây xanh, khu vui chơi…


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem