Các đại gia trúng lượng lớn xuất khẩu gạo năng lực thế nào?

Ngọc Lâm Thứ tư, ngày 15/04/2020 11:48 AM (GMT+7)
Trong số 40 doanh nghiệp đăng ký tờ khai xuất khẩu gạo thành công vừa được Tổng cục Hải quan công bố có nhiều "đại gia" trúng với số lượng lớn.
Bình luận 0

Tổng cục Hải quan cho biết trong thời gian từ 24h ngày 11/4/2020 đến 19h34 ngày 12/4/2020 đã có 40 doanh nghiệp đăng ký tờ khai xuất khẩu gạo. Tổng cục Hải quan đã công bố có nhiều "đại gia" trúng với số lượng lớn. Đứng đầu là Công ty CP Tập đoàn Intimex với trên 96.200 tấn. Đứng sau là Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood2) 38.350 tấn, Công ty CP Xuất nhập khẩu Kiên Giang gần 35.700 tấn, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Thành Tín gần 25.400 tấn, Công ty CP Thương mại Kiên Giang trên 24.400 tấn,…

Hạn ngạch 400.000 tấn gạo xuất khẩu trong tháng 4 nhanh chóng hết ngay nên doanh nghiệp chậm chân không kịp đăng ký. Không ít đơn vị bức xúc cho rằng có sự bất thường khi hải quan mở tờ khai vào lúc 0 giờ và không ưu tiên các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang làm dở dang để hàng tồn nằm phơi ngoài cảng. Tuy nhiên, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn khẳng định, không hề có chuyện lợi ích nhóm ở đây.

Bị tố lợi ích nhóm trong XK gạo, đại gia trúng lớn năng lực thế nào? - Ảnh 1.

Vinafood2 trúng 38.350 tấn gạo xuất khẩu nhưng vẫn đối mặt với khoản lỗ lũy kế hơn 2.000 tỷ đồng.

Cùng Dân Việt điểm qua năng lực của những "đại gia" trúng sản lượng cao nhất.

Intimex xuất khẩu uy tín… cà phê, hồ tiêu và hạt điều

Công ty CP Tập đoàn Intimex đứng đầu với với 96.200 tấn. Hiện tại, với mức giá xuất khẩu gạo dao động từ 555 đến 580 USD/tấn (13,5 triệu đồng/tấn) thì sản lượng này có giá trị khoảng 1.300 tỷ đồng.

Intimex là ông lớn trong ngành xuất khẩu nông sản. Tuy nhiên, thế mạnh của Intimex không phải gạo mà là cà phê, hồ tiêu, hạt điều. Năm 2019, Intimex được Bộ Công Thương bình chọn là "Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín" ở các lĩnh vực ngành nghề: cà phê, hồ tiêu và hạt điều.

Đây cũng là điều dễ hiểu vì gạo chiếm doanh thu khiêm tốn trong tổng doanh thu của Tập đoàn. Hiện tại, Intimex chưa công bố báo cáo tài chính năm 2019 nên chưa rõ mức độ đóng góp của gạo trong doanh thu nhưng theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018, tỷ trọng của gạo khá khiêm tốn.

Trao đổi với báo chí, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Intimex cho biết năm 2018, công ty chỉ xuất 200.000 tấn gạo sang Trung Quốc. Với mức giá trung bình của gạo xuất khẩu đạt 502 USD/tấn, mặt hàng này có thể đã mang về cho Intimex doanh thu khoảng 2.334 tỷ đồng. Mà tổng doanh thu Intimex năm 2018 là 15.183 tỷ đồng. Như vậy, tỷ trọng doanh thu từ gạo xuất khẩu/tổng doanh thu tại Intimex chỉ là 15,4%.

Vinafood2 lỗ ngàn tỷ, chăm chút bất động sản

Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood2) trúng 38.350 tấn và đứng ở vị trí thứ hai. Tuy nhiên, hiện tại, Vinafood2 đang phải đối mặt với rất nhiều, và một trong những vấn đề lớn nhất chính là khoản lỗ lũy kế lên đến hơn 2.000 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2019 (báo cáo mới nhất được công bố), Vinafood2 chứng kiến doanh thu đứng ở mức thấp. Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ quý 3/2019 chỉ đạt 4.173 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 12.838 tỷ đồng.

Kết quả là hoạt động kinh doanh khiến Vinafood2 thua lỗ 21,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ việc bán, thanh lý tài sản cố định và tiền bồi thường từ tổn thất hàng hóa, Vinafood2 mới tránh được thua lỗ. Lợi nhuận sau thuế quý 3/2019 đạt 13,7 tỷ đồng.

Dù đạt lợi nhuận dương trong quý 3 nhưng tính chung 9 tháng đầu năm Vinafood2 vẫn gánh chịu khoản lỗ 101 tỷ đồng. Không chỉ có vậy, tại thời điểm 30/9/2019, lỗ lũy kế tại Vinafood2 lên đến 2.043 tỷ đồng khiến vốn góp chủ sở hữu giảm từ 5000 tỷ đồng xuống chỉ còn 3.274 tỷ đồng.

Trong khi còn loay hoay với ngành nghề chính, tại ĐHĐCĐ diễn ra hồi tháng 7/2019, Vinafood2 bày tỏ ý định muốn mở rộng ngành nghề gồm bất động sản, đại lý kinh doanh xăng, dầu, nhớt, và các sản phẩm liên quan, bán lẻ xăng dầu, mỡ bôi trơn và sản phẩm làm mát động cơ,… Trong đó đáng chú ý nhất là bất động sản vì Vinafood2 sở hữu mạng lưới đất vàng khổng lồ.

Chỉ sau khi bày tỏ ý định thêm lĩnh vực kinh doanh, đến cuối tháng 9/2019, giá trị hàng tồn kho bất động sản của Vinafood2 đã đạt hơn 54 tỷ đồng.

XNK Kiên Giang: Tồn kho chỉ đạt gần 22.700 tấn

Đứng sau Intimex và Vinafood2 là Công ty CP Xuất nhập khẩu Kiên Giang. Đơn vị này trúng gần 35.700 tấn gạo xuất khẩu. Điều đáng nói, tại thời điểm 31/12/2019, hàng tồn kho của công ty chỉ là 233.260 tỷ đồng, giảm sâu so với 509.131 tỷ đồng.

Nếu tính mức giá gạo xuất khẩu bình quân năm 2019 là 440,7 USD/tấn, hàng tôn kho này tương đương 22.750 tấn, thấp hơn khá nhiều so với sản lượng trúng 35.700 tấn.

XNK Kiên Giang đã có năm 2019 đầy khó khăn. Trong khi doanh thu tăng nhẹ từ 3.681 tỷ đồng lên 3.690 tỷ đồng thì lợi nhuận lại giảm rất sâu. Lợi nhuận sau thuế năm 2019 chỉ đạt 1,3 tỷ đồng, giảm 11,6 tỷ đồng, tương đương 89,9% so với năm 2018. Giá vốn và chi phí bán hàng tăng là hai nguyên nhân chính khiến XNK Kiên Giang hao hụt mạnh lãi ròng.

XNK Kiên Giang đã lý giải cho sự xuống dốc này. Theo đó, nguyên nhân chính là nhu cầu nhập khẩu gạo từ nhiều thị trường truyền thống rất yếu nên khiến các đối thủ đẩy giá xuống thấp khiến lượng xuất khẩu tăng nhưng doanh thu tăng không đáng kể.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem