Các dự án giao thông quan trọng bộc lộ sự phụ thuộc ngày càng tăng của Lào vào Trung Quốc
Các dự án cơ sở hạ tầng mà Trung Quốc hậu thuẫn tại Lào là một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường đầy tham vọng do Bắc Kinh khởi xướng. Tuy nhiên, ngày càng nhiều chuyên gia phân tích quan ngại rằng các khoản vay để tài trợ cho những dự án này có thể đẩy Lào rơi vào “bẫy nợ” của Trung Quốc.
Thực chất, chính phủ Lào không có nhiều sự lựa chọn trong bối cảnh quốc gia không giáp biển này chịu ảnh hưởng nặng nề do suy thoái kinh tế trong đại dịch. Các khoản vay hào phóng của Trung Quốc được kỳ vọng sẽ giúp Lào thúc đẩy đà phục hồi kinh tế nhờ vào những dự án cơ sở hạ tầng.
Chẳng hạn, Chính phủ Lào tháng trước đã thông báo về dự án tuyến đường cao tốc mới nối thủ đô Viêng Chăn miền Trung đất nước với thị xã Pakse ở miền Nam. Tuyến đường dài 578 km với vốn đầu tư ước tính 5,1 tỷ USD là ưu tiên hàng đầu của quốc gia này trong thời điểm hiện tại. Đáng chú ý, dự án được đề xuất bởi Viện Thiết kế và Quy hoạch Truyền thông tỉnh Hà Nam, một công ty tư vấn của Trung Quốc gọi tắt là HNRBI.
Theo Thời báo Lào, tuyến đường cao tốc mới sẽ giúp giảm thời gian di chuyển từ Viêng Chăn đến Pakse 3 tiếng đồng hồ, từ 10 giờ xuống 7 giờ, đồng thời tăng cường khả năng kết nối của thủ đô Viêng Chăn với các thành phố nước ngoài ở phía Nam như Bangkok (Thái Lan) và TP Hồ Chí Minh (Việt Nam).
Lào cũng vừa bắt tay vào nghiên cứu mô hình một tuyến đường cao tốc nối thị trấn Boten giáp Trung Quốc với tỉnh Bokeo giáp biên giới Thái Lan. Tuyến đường cao tốc dài 180km với chi phí đầu tư ước tính 3,8 tỷ USD sẽ cho phép khơi thông con đường từ miền nam Trung Quốc đến Thái Lan qua Lào chỉ trong 90 phút.
Hai dự án này được cho là đang trong quá trình đàm phán chi tiết với các đối tác Trung Quốc.
Một tuyến đường cao tốc tại Lào do Trung Quốc hậu thuẫn đã hoàn thành là đường cao tốc 110 km nối Viêng Chăn với Vang Vieng, một điểm đến du lịch ở phía bắc vừa đi vào hoạt động cuối năm 2020. Đây là tuyến đường cao tốc đầu tiên của Lào, giúp rút ngắn thời gian di chuyển giữa 2 thành phố từ 3 giờ đồng hồ như trước đây xuống chỉ còn hơn 2 giờ đồng hồ.
Đường cao tốc Vientiane-Vang Vieng được Trung Quốc đầu tư 95% theo kế hoạch xây dựng-vận hành-chuyển giao. Sau 50 năm, quyền kiểm soát và lợi nhuận của đường cao tốc sẽ chuyển về tay Lào. Mặc dù chính phủ Lào chỉ góp 5% cổ phần trong dự án, điều đó vẫn tạo nên gánh nặng tài chính không hề nhẹ với quốc gia liên tục ghi nhận thâm hụt ngân sách như Lào.
Theo báo cáo, tổng chi phí xây dựng của ba tuyến đường cao tốc do Trung Quốc hậu thuẫn kể trên sẽ lên tới 17,8 tỷ USD, tương đương hơn 4 lần tổng chi tiêu tài khóa năm 2020 của chính phủ Lào; thậm chí gần ngang bằng tổng quy mô GDP quốc gia.
Đường cao tốc không phải là lĩnh vực cơ sở hạ tầng duy nhất mà Lào phụ thuộc vào Trung Quốc. Một tuyến đường sắt cao tốc nối Viêng Chăn với miền nam Trung Quốc dự kiến sẽ đi vào hoạt động tháng 12 năm nay.
Thực tế, Lào không có nhiều sự lựa chọn ngoài việc phụ thuộc vào nguồn vốn từ Trung Quốc để củng cố nền kinh tế quốc gia. Đại dịch Covid-19 đã tàn phá ngành du lịch vốn đóng góp phần lớn nguồn thu ngoại tệ của Lào. Điều này buộc chính phủ Lào chuyển hướng sang các dự án cơ sở hạ tầng do Trung Quốc đầu tư để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng 4% đã đề ra trong giai đoạn từ nay đến năm 2025.
Nhưng mặt trái là nợ với Trung Quốc tiếp tục tăng cao.
Theo Ngân hàng Thế giới, nợ Trung Quốc chiếm 75% dư nợ nước ngoài của Lào. Các khoản nợ chính thức của Lào đã vượt quá 60% GDP, tạo ra mối quan ngại lớn về khả năng trả nợ của nước này. Vào năm 2018, Trung tâm phát triển toàn cầu của Mỹ cho rằng Lào là một trong tám quốc gia có gánh nặng nợ lớn nhất với Trung Quốc.