Các hiệp định thương mại "biến" Việt Nam thành "vùng trũng" của dòng vốn FDI

Thanh Phong Thứ tư, ngày 20/10/2021 08:30 AM (GMT+7)
Trong bối cảnh dịch Covid-19 được kiểm soát, việc tận dụng tốt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ giúp nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào Việt Nam.
Bình luận 0

Hiện tại, Việt Nam đã ký kết và thực thi 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) với rất nhiều quốc gia, khu vực. Trong đó, 9/10 quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới có FTA với Việt Nam, chỉ riêng với Hoa Kỳ, các quan hệ kinh tế thực hiện theo Hiệp định thương mại song phương.

Đặc biệt, trong các FTA nói trên, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã có tác động ngay lập tức tới nền kinh tế Việt Nam ngay từ khi chính thức có hiệu lực lần lượt từ tháng 01/2019 và tháng 8/2020.

Các hiệp định thương mại nói trên mang lại cho Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng phục hồi và phát triển nhanh trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

FTA thế hệ mới thu hút FDI vào Việt Nam giữa "tâm dịch" Covid-19

Bùng phát từ cuối năm 2019, đến nay, đại dịch Covid-19 đã và đang tác động tiêu cực tới nền kinh tế thế giới nói chung. Tại Việt Nam, với 4 đợt dịch bệnh, chuỗi cung ứng, sản xuất hàng hóa bị đứt gãy, dòng vốn đầu tư có sự thay đổi.

Tuy nhiên, với việc thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép" vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng dương trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021.

Với những tín hiệu tốt trong các tháng cuối năm khi dịch bệnh được kiểm soát cộng hưởng với nỗ lực thực hiện cam kết các FTA sẽ mang lại những tín hiệu tăng trưởng khả quan cho nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

Điển hình là các FTA thế hệ mới như: CPTPP, EVFTA, UKVFTA..., đáng chú ý Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được kỳ vọng tạo ra một khu vực thương mại tự do mới có quy mô lớn, thúc đẩy phát triển kinh tế của các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam.

Các hiệp định thương mại "biến" Việt Nam thành "vùng trũng"  của dòng vốn FDI - Ảnh 1.

Dòng vốn FDI từ khi các FTA "nở rộ" có thể thấy rõ qua các con số, tính trong năm 2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đạt 28,53 tỷ USD. Trong đó, vốn thực hiện của dự án FDI đạt 19,98 tỷ USD, có 112 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong năm 2020.

Singapore dẫn đầu với tổng số vốn đầu tư gần 9 tỷ USD, chiếm 31,5% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng số vốn đầu tư trên 3,9 tỷ USD, chiếm 13,8% tổng vốn đầu tư; Trung Quốc đứng vị trí thứ 3 với tổng số vốn đầu tư đăng ký 2,46 tỷ USD, chiếm 8,6% tổng vốn đầu tư; Tiếp đến là Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông…

Các hiệp định thương mại "biến" Việt Nam thành "vùng trũng"  của dòng vốn FDI - Ảnh 2.

Bước vào năm 2021, triển vọng thu hút FDI vào Việt Nam vẫn là rất lớn. Tính đến 20/6/2021, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp vào Việt Nam đạt 15,27 tỷ USD, bằng 97,4% so với cùng kỳ năm 2020. Vốn thực hiện ước đạt 9,24 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Về thị trường lớn EU, mới đây, Chính phủ đã có báo cáo gửi Quốc hội về kết quả thực hiện Hiệp định EVFTA. Theo đó, sau một năm thực thi EVFTA, bất chấp khó khăn do đại dịch Covid-19, trao đổi thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU vẫn có tín hiệu tích cực.

Cụ thể, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU đạt 54,6 tỷ USD, tăng 11,9% so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang EU đạt 38,5 tỷ USD, tăng 11,3% so cùng kỳ. Ở chiều ngược lại kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ EU đạt 16,2 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ.

Các FTA đã “kéo” FDI đến Việt Nam thế nào? - Ảnh 1.

Hiệp định EVFTA đã "kéo" dòng vốn FDI từ EU vào Việt Nam ngay khi có hiệu lực. (Nội dung và thiết kế: Thanh Phong)

Về kết quả thu hút FDI từ EU, báo cáo nêu, tính đến tháng 9 năm 2021, EU có 2.242 dự án (tăng 164 dự án so với cùng kỳ năm 2020) từ 26/27 quốc gia thuộc EU còn hiệu lực tại Việt Nam.

Tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 22,24 tỷ USD (tăng 483 triệu USD so với cùng kỳ năm 2020), chiếm 5,58% tổng vốn đầu tư đăng ký của các nước và vùng lãnh thổ vào Việt Nam và chiếm 6,57% số dự án.

Mặt khác, các FTA có "liên kết" khi đầu tư nước ngoài từ các đối tác ký kết EVFTA và CPTPP sẽ được tiếp cận thị trường 650 triệu dân năng động của ASEAN.

Qua đó, Việt Nam có "cơ hội vàng" đón nhận nguồn vốn FDI. Các tập đoàn đa quốc gia như: LG Electronics, Panasonic, Foxconn, Apple... đã chuyển dây chuyền sản xuất tới Việt Nam. Đáng chú ý, Google và Microsoft đang chuyển một số dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam và Thái Lan…

Không để mất lợi thế trong cuộc đua phục hồi kinh tế

Trao đổi với Dân Việt, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt rất nhiều cơ hội và thách thức.

Về cơ hội, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, Việt Nam đã có chính sách rất đúng đắn là đa dạng hóa, đa phương hóa nền kinh tế. Trong bối cảnh đại dịch Covid – 19 bùng phát, xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh mẽ.

Việt Nam đã có những thị trường xuất khẩu rất lớn như Mỹ, EU cũng như các nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, không phụ thuộc vào một thị trường như trước.

Các FTA đã “kéo” FDI đến Việt Nam thế nào? - Ảnh 2.

Các FTA sẽ là cơ sở cho sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam trong và sau dịch Covid-19. (Ảnh: TTXVN)

Tuy nhiên, nhận định về hoạt động của doanh nghiệp FDI thời gian qua, ông Doanh cho rằng, tình trạng phong tỏa quá rộng và lâu dẫn tới thiệt hại không đáng có của nền kinh tế.

"Vấn đề này Quốc hội nên thảo luận và rút kinh nghiệm trong kỳ họp lần này. Khi chúng ta phong tỏa như vậy, một số nhà đầu tư nước ngoài đã tỏ ra sốt ruột và có những đề xuất. Tuy nhiên, tôi cho rằng, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không dễ dàng rời khỏi Việt Nam.

Họ đã thuê đất 80 năm với số tiền đầu tư lên tới hàng triệu USD, cùng với đó, Việt Nam đang có rất nhiều lợi thế với các FTA. Tôi được biết, hiện tại, có rất nhiều doanh nghiệp đã chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam để xuất khẩu đi Mỹ. Nguyên nhân vì hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc đi Mỹ bị đánh thuế rất nặng", ông Doanh phân tích.

Cũng theo đánh giá của TS Lê Đăng Doanh, hiện nay, cuộc cạnh tranh về phục hồi kinh tế giữa các nước là rất rõ ràng. Do đó, Việt Nam cũng không thể nằm ngoài cuộc "chạy đua" này.

"Trong quý III, dù suy giảm nhưng nhiều nước đã đạt mức tăng trưởng dương như Trung Quốc đạt 4%. Các nước như Nhật Bản, Mỹ,… cũng đang có những bước chuyển biến mới. Do đó, tôi cho rằng, trong thời gian tới đây, chúng ta cần tiếp tục đa dạng hóa, đa phương hóa các mối quan hệ kinh tế.

Tôi rất mong rằng, trong kỳ họp này, Quốc hội có sự đánh giá về cơ hội và thách thức trong và sau đại dịch. Sẽ có những ngành rất khó phục hồi, trong khi đó, công nghệ thông tin, kinh tế số lại đang phát triển mạnh mẽ. Sau kỳ họp này, tôi cho rằng việc chuyển đổi số sẽ được thực hiện mạnh mẽ, từ Chính phủ điện tử, Quốc hội điện tử cho tới công dân điện tử", TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem