Các thành phố lớn, hiện đại cũng bị ngập lụt, trách nhiệm thuộc về ai?

Minh Ngọc Thứ năm, ngày 27/10/2022 15:01 PM (GMT+7)
Đại biểu Hoàng Đức Thắng đặt câu hỏi, sạt lở, lũ lụt, lũ quét vùng miền núi, xói lở bờ sông, bờ biển, nước triều dâng thường xuyên đạt đỉnh, gần đây những thành phố lớn được đầu tư hiện đại đều lần lượt bất ngờ xuất hiện ngập lụt lớn. Vậy đâu là nguyên nhân, trách nhiệm thuộc về ai, giải pháp nào cho vấn nạn này?
Bình luận 0

Sáng 27/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị đặt câu hỏi, sạt lở, lũ lụt, lũ quét vùng miền núi, xói lở bờ sông, bờ biển, nước triều dâng thường xuyên đạt đỉnh, gần đây những thành phố lớn được đầu tư hiện đại đều lần lượt bất ngờ xuất hiện ngập lụt lớn. Vậy đâu là nguyên nhân, trách nhiệm thuộc về ai, giải pháp nào cho vấn nạn này?

Các thành phố lớn, hiện đại cũng bị ngập lụt lớn, trách nhiệm thuộc về ai? - Ảnh 1.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị phát biểu tại Quốc hội sáng 27/10. Ảnh: Quochoi

Từ sự quan tâm vấn đề nêu trên, đại biểu Hoàng Đức Thắng đề nghị Chính phủ cần rà soát, đánh giá đầy đủ hơn tình hình triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050, nhất là tổng thể ứng phó với biến đổi khí hậu để khẩn trương tổ chức thực hiện đồng bộ bằng tổng thể giải pháp căn cơ, chiến lược, mạnh mẽ, bài bản và quyết liệt hơn.

Theo ông, trước mắt, cần tập trung nguồn lực giải quyết cho được bài toán về chống ngập lụt tại các đô thị xói lở, sạt lở ở vùng miền núi, vùng ven biển, ven sông. Trong quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành, vùng, địa phương tới đây nhất thiết phải đặt trọng tâm nhiệm vụ phát triển đi đôi với thích ứng biến đổi khí hậu, với dự báo tầm nhìn dài hạn, giải pháp khả thi nhất có thể và xem đây chính là động lực cho sự tăng trưởng.

Đánh giá về thực trạng biến đổi khí hậu hiện nay, đại biểu Tô Ái Vang - Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng cho rằng, hiện nước ta có nhiều địa phương đang đối mặt với tình hình lũ lụt lớn và lũ kết hợp với triều cường là vấn đề hết sức phức tạp.

Bên cạnh các giải pháp mang tính vĩ mô, đại biểu Tô Ái Vang đề nghị Chính phủ khẩn trương rà soát, hoàn thiện và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về phòng chống thiên tai.

Các thành phố lớn, hiện đại cũng bị ngập lụt lớn, trách nhiệm thuộc về ai? - Ảnh 2.

Đại biểu Tô Ái Vang - Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Quochoi

Đồng thời sớm kiện toàn Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự các cấp theo dự thảo Luật Phòng thủ dân sự, tăng cường chỉ đạo công tác rà soát, cập nhật kịch bản, phương án ứng phó với thiên tai; tăng cường chuyển đổi số, hỗ trợ đầu tư việc ứng dụng công nghệ cho các địa phương còn khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là ở bốn vùng lũ lụt trong công tác nắm tình hình, làm tốt công tác dự báo và chỉ đạo trực tuyến để kịp thời ứng phó với thiên tai. 

Bên cạnh đó, tiếp tục thành lập và triển khai hoạt động Quỹ phòng, chống thiên tai theo Nghị định 78 của Chính phủ. Kịp thời nhân rộng các mô hình hiệu quả về công tác phòng, chống thiên tai để các địa phương nghiên cứu, ứng dụng và hỗ trợ nhau trong điều kiện có thể.

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An thì cho rằng, cần đầu tư có trọng tâm cho công tác ứng phó biến đổi khí hậu. 

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho biết, trong năm 2022, biến đổi khí hậu tiếp tục có ảnh hưởng nặng nề tới tình hình phát triển kinh tế- xã hội, gây nhiều tổn hại đến đời sống người dân. Qua tiếp xúc cử tri, đại biểu cho biết, nhiều cử tri kiến nghị cần xem xét những công trình đầu tư mang tầm quốc gia để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu xây dựng dự án luật về biến đổi khí hậu, hướng dẫn trao đổi dịch vụ tín chỉ cacbon và sớm thành lập thị trường cacbon trong nước; Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần sửa đổi thông tư liên quan về tổng hợp số liệu báo cáo đầu tư công cho ứng phó biến đổi khí hậu, phục vụ giám sát; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tham mưu sửa đổi Nghị định 156 của Chính phủ năm 2018 để giải quyết tồn tại, khó khăn về dịch vụ môi trường rừng, chính sách phục hồi, trồng mới rừng.

Các thành phố lớn, hiện đại cũng bị ngập lụt lớn, trách nhiệm thuộc về ai? - Ảnh 3.

Đại biểu Lê Đào An Xuân – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên. Ảnh: Quochoi

Nhìn nhận về vấn đề biến đổi khí hậu, đại biểu Lê Đào An Xuân – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên trăn trở về thiệt hại do thiên tai trong 9 tháng đầu năm 2022, ước tính hơn 6.600 tỷ đồng, gấp 4,9 lần so với cùng kỳ năm trước. "Thiên tai ngày nay đều gắn với nguyên nhân do biến đổi khí hậu", đại biểu nói tại Quốc hội.

Do đó, để góp phần thúc đẩy các mục tiêu về biến đổi khí hậu, giảm thiểu các tác động do thời tiết cực đoan, thiên tai, đại biểu Lê Đào An Xuân kiến nghị, để rừng trở thành lá chắn biến đổi khí hậu, trước mắt cần thay đổi ngay các định mức về khoán trồng và bảo vệ rừng, đáp ứng nhu cầu thu nhập cơ bản của người dân, cộng đồng. 

Điều chỉnh, bổ sung các chính sách trồng rừng gỗ lớn gắn với phát triển hệ sinh thái rừng, làm kinh tế dưới tán rừng, khai thác dịch vụ môi trường rừng và khai thác rừng bền vững, hạn chế thấp nhất việc khai thác trắng, khai thác sớm để cây đủ sức giữ đất, giữ nước.

Bên cạnh đó, cần tăng giá trị gỗ, cơ cấu lại tỷ lệ phân bổ ngân sách có tính đến yếu tố tỷ lệ che phủ rừng, diện tích rừng để các địa phương không phải chịu áp lực phát triển kinh tế dẫn đến chuyển đổi rừng, khai thác rừng sớm, thúc đẩy việc thu hút các nguồn tài chính gia tăng sự tham gia của khối tư nhân và doanh nghiệp trong ứng phó với biến đổi khí hậu. 

Tài chính công phải đóng vai trò là chất xuất phát và khu vực tư nhân là nòng cốt. Nền kinh tế còn nhiều tiềm năng để phát triển trong lĩnh vực này nên cần tiếp tục mở rộng hơn nữa. Đồng thời thị trường trao đổi các-bon cần được thúc đẩy, chính thức vận hành sớm hơn trước năm 2025 thay vì để đến năm 2028 hình thành. Hình thành Quỹ biến đổi khí hậu để chủ động nguồn tài chính, cung cấp cho các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu như một số quốc gia như Thái Lan, Trung Quốc đã thực hiện.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn kèm theo các chế tài ứng dụng khoa học công nghệ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam được tham gia các giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ trong giám sát, cảnh báo thiên tai như bảo vệ rừng, cảnh báo cháy rừng, cảnh báo sạt lở đất, giám sát môi trường… để hạn chế những thiệt hại trong thời gian vừa qua.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem