Các tỉnh, thành phía Nam: Làm gì để tăng cường liên kết vùng? (Bài 2)

Hoàng Hưng Thứ sáu, ngày 03/06/2022 06:30 AM (GMT+7)
Làm gì để tăng cường tính liên kết vùng, tạo nên sự phát triển kinh tế - xã hội mãnh liệt cho cả khu vực Nam bộ? Đó là vấn đề mà công luận đã đặt ra khá nhiều trong thời gian gần đây, tại các diễn đàn bàn về sự phát triển bền vững của các tỉnh, thành phía Nam.
Bình luận 0

Hiện thực hóa các cung đường huyết mạch

Lãnh đạo chính quyền các tỉnh, thành miền Đông Nam bộ, cũng như miền Tây Nam bộ đều thấy được vai trò, vị trí vô cùng quan trọng của địa phương mình, đối với sự phát triển chung của cả vùng, cả nước. Những năm gần đây, chính quyền các tỉnh, thành đã đẩy mạnh đầu tư, phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, tạo sự đồng bộ và liên kết chặt chẽ giữa các địa phương với nhau. Tuy nhiên, mục tiêu ấy vẫn cần một động lực mạnh hơn, lớn hơn ở tầm quốc gia.

Vừa thiếu, lại vừa yếu

Ông Lê Đỗ Mười – Viện trưởng Viện chiến lược và phát triển giao thông – vận tải (Bộ Giao thông vận tải) – cho biết: Miền Đông Nam bộ có 6 tỉnh, thành gồm: TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh. Hiện nay, Đông Nam bộ đang đóng góp khoảng 34% GDP cho cả nước. Vùng này còn là trung tâm công nghiệp, cảng biển và logistics lớn nhất của Việt Nam, đảm nhận 45% tổng khối lượng hàng hóa và hơn 60% khối lượng hàng container thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam.

Kết nối giao thông vùng Đông Nam bộ, nhìn chung vừa thiếu lại vừa yếu, chưa xứng tầm cho một vùng kinh tế trọng điểm của quốc gia. Thật vậy, kết nối giao thông miền Đông Nam bộ chủ yếu thông qua: đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa. Tuy nhiên, về đường bộ, toàn vùng hiện chỉ có duy nhất tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, kết nối TP.HCM và tỉnh Đồng Nai, với chiều dài khoảng 45km.

Các tỉnh, thành phía Nam:Làm gì để tăng cường liên kết vùng? (Bài 2) - Ảnh 1.

Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây dài gần 50km, là cao tốc độc nhất ở Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ảnh: H.H

Còn lại, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đều quá tải, thiếu kết nối đồng bộ. Nguyên nhân chính do nguồn lực đầu tư cho hạ tầng giao thông. Những năm qua, việc đầu tư này chỉ đạt được từ 25 - 27% so với nhu cầu, theo các quy hoạch đã được phê duyệt.

Theo Viện chiến lược và phát triển giao thông vận tải: Về đường bộ, theo quy hoạch, các tuyến kết nối TP.HCM với các tỉnh trong vùng, thông qua 5 trục quốc lộ và đường cao tốc song hành. Thế nhưng, hiện ngoài trục kết nối với các tỉnh phía Bắc là Quốc lộ 1 và đường cao tốc Bắc - Nam được đầu tư cơ bản theo quy hoạch, thì các trục còn lại chỉ khai thác trên cơ sở hệ thống đường quốc lộ cũ kỹ. Các dự án đường cao tốc song hành, đường vành đai được đưa ra đều chậm triển khai.

Trong khi đó, về đường thủy nội địa, theo ông Bùi Hòa An - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM, nhiều cầu vượt sông trên các tuyến chính không bảo đảm độ tĩnh không, khoang thông thuyền; công tác nạo vét luồng chưa được tiến hành đồng bộ, nên tàu lớn khó qua lại. Vì vậy, giao thông vận tải bằng đường thủy nội địa cũng chẳng tiến triển được bao nhiêu.

Các tỉnh, thành phía Nam:Làm gì để tăng cường liên kết vùng? (Bài 2) - Ảnh 2.

Vào tháng 3/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thị sát chân cầu Mã Đà; sau khi tỉnh Bình Phước kiến nghị hình thành Quốc lộ 13C. Ảnh: Đ.T.T

Bà Trần Tuệ Hiền – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước – cho biết: "Bình Phước hiện là tỉnh phát triển công nghiệp mạnh mẽ trong 2 năm trở lại đây. Hiện các doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa xuất – nhập khẩu phải vòng vèo cung đường khá xa, qua các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu…, mới tới được cảng. Từ đó, phát sinh nhiều chi phí, ảnh hưởng tới tăng trưởng của doanh nghiệp và địa phương".

Yếu tố rất quan trọng để tạo ra liên kết vùng chính là kết nối giao thông. Song trên thực tế lâu nay, các yếu kém của hạ tầng giao thông làm cho giữa các tỉnh, thành Đông Nam bộ thiếu kết nối. Hậu quả mạnh tỉnh nào, thì tỉnh đó phát triển; còn tỉnh nào yếu kém, tỉnh kề bên cũng không thể bù đắp, dù chỉ nâng cấp một đoạn đường ngang qua, nên đành chịu thua thiệt. Tất cả đều vì thiếu đường đi thông suốt hoặc đường đi có thông, nhưng lại không đồng bộ.

Biến những cung đường huyết mạch trên giấy thành hiện thực

Không phải ngẫu nhiên, ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TP.HCM – đã hết sức tâm đắc về con đường Vành đai 3 mà TP.HCM quyết tâm hoàn thành phần còn lại trong năm nay, cùng với sự phối hợp của các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương…

"Đường Vành đai 3 sẽ là động lực mạnh mẽ phát triển kinh tế cả vùng kinh tế phía Nam. Vì vậy nên nhìn theo hướng đường Vành đai 3 mở ra hướng mới để phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Trong vòng 5 - 15 năm tới, cùng với việc khép kín đường Vành đai 2, xúc tiến làm đường Vành đai 4 và các công trình lớn khác như sân bay Long Thành và các đô thị vệ tinh, đường Vành đai 3 sẽ tạo xung lực phát triển rất lớn cho cả vùng kinh tế" – ông Mãi nói.

Các tỉnh, thành phía Nam:Làm gì để tăng cường liên kết vùng? (Bài 2) - Ảnh 4.

Sơ đồ đường Vành đai 3 và Vành đai 4 đang từng ngày trở thành hiện thực ở miền Đông Nam bộ. Ảnh: T.L

Với việc kết nối 5 đường cao tốc hướng tâm là TP.HCM - Trung Lương, TP.HCM - Mộc Bài, TP.HCM - Chơn Thành, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và Bến Lức - Long Thành, đường Vành đai 3 không chỉ liên kết 4 địa phương mà còn giải quyết bài toán nối kết liên vùng. Không gian đường Vành đai 3 tạo hành lang công nghiệp kết nối các kho cạn về cụm cảng biển, giúp giảm thời gian đi lại, tăng số vòng vận tải, giảm chi phí logistics và tạo lợi thế cạnh tranh.

Mục tiêu vì liên kết vùng đã tạo nên sự đồng thuận chưa từng có giữa lãnh đạo các địa phương ở vùng Đông Nam bộ. Cụ thể, giữa tháng 4/2022, chủ tịch 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu đã cùng nghe đơn vị tư vấn trình bày về dự án đường Vành đai 4, đoạn đi qua 2 tỉnh này. Hai tỉnh cam kết sẽ cùng nhau khởi công, xây dựng đường Vành đai 4 đoạn đi qua 2 tỉnh để tạo sự liên kết.

Giữa tháng 5/2022, Sở GTVT TP.HCM tổ chức lấy ý kiến của 4 sở GTVT - nơi có đường Vành đai 4 đi qua - về quy mô, hướng tuyến, phương án đầu tư, tiến độ... để cùng phối hợp triển khai làm con đường này, vì sự phát triển chung của 4 địa phương.

Các tỉnh, thành phía Nam:Làm gì để tăng cường liên kết vùng? (Bài 2) - Ảnh 5.

Các cung đường huyết mạch thành hình sẽ tăng cường liên kết vùng giữa các tỉnh, thành. Ảnh: Hoàng Hưng

Mới đây nhất, HĐND tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu đã ra nghị quyết dành hàng ngàn tỷ đồng để giải phóng mặt bằng cho dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; trong đó tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quyết nghị giải ngân 670 tỷ đồng ngay trong năm 2022.

Với các tỉnh giáp Tây Nguyên như Bình Phước và Đắk Nông, cũng có những động thái không thua kém. Tỉnh Đắk Nông sẽ trích 1.000 tỷ đồng làm kinh phí đối ứng giải phóng mặt bằng cho cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).

Tỉnh Bình Phước cũng đang tích cực vận động các Bộ, ngành trung ương sớm cho phép xây lại cầu Mã Đà, tái hoạt động cung đường ĐT 761, nối kết với ĐT 753, hình thành Quốc lộ 13C – như quy hoạch của Chính phủ. Việc hình thành Quốc lộ 13C sẽ giúp Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên gần hơn với sân bay quốc tế Long Thành (Đồng Nai) và cảng Cái Mép – Thị Vải (Bà Rịa – Vũng Tàu).

Dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây (thuộc cao tốc Bắc - Nam) dài 99km đi qua 2 tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai được khởi công cuối tháng 9/2020. Theo kế hoạch, tuyến này sẽ thi công hoàn thành cuối năm 2022. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức đánh giá, tuyến cao tốc có ý nghĩa quan trọng, không chỉ kết nối TP.HCM - Đồng Nai với Bình Thuận mà còn kết nối cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với cả nước.

Các tỉnh, thành phía Nam:Làm gì để tăng cường liên kết vùng? (Bài 2) - Ảnh 7.

Hình ảnh một tuyến đường tỉnh lộ đang được nâng cấp đồng bộ với Quốc lộ 1. Ảnh: Hoàng Hưng

Đối với tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ Giao thông vận tải - chủ đầu tư) thông tin, dự án mở rộng đường cao tốc, đoạn từ nút giao An Phú (TP.HCM) đến huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) dài gần 24km, với 8 làn xe, tổng mức đầu tư khoảng 13 nghìn tỷ đồng. 

Khi hoàn thành sẽ từng bước hoàn chỉnh, hiện đại hóa mạng lưới giao thông đường bộ kết nối giữa các vùng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong vùng theo hướng bền vững, lâu dài. Đặc biệt, hoàn thiện, kết nối sân bay Long Thành và các tuyến cao tốc, quốc lộ, giải tỏa ách tắc giao thông trong khu vực.

Tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (Tây Ninh) sẽ được đầu tư xây dựng với chiều dài 50km. Giai đoạn 1, thực hiện giai đoạn từ 2021-2026 với bốn làn xe, tổng mức đầu tư 15.900 tỷ đồng, theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng BOT).

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc, tuyến cao tốc được kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa và giảm tải cho quốc lộ 22. Đây sẽ là tuyến giao thông xuyên Á, kết nối các trung tâm kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, các đô thị của vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ với các đầu mối cảng biển, cảng hàng không quốc tế và khu vực kinh tế ASEAN.

(còn tiếp)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem