Các trường ĐH, CĐ công bố “chuẩn đầu ra”: Lộn xộn và mang tính tượng trưng

Tùng Anh Thứ ba, ngày 17/11/2015 06:33 AM (GMT+7)
“Chuẩn đầu ra” được coi là “chìa khóa” cho chất lượng đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, tuy nhiên việc thực hiện quy định này của các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) vẫn khá lộn xộn, và chỉ mang tính… tượng trưng.
Bình luận 0

Chuẩn… lẫn lộn

Việc xây dựng và công bố “chuẩn đầu ra” được Bộ GDĐT yêu cầu các trường ĐH, CĐ thực hiện từ năm 2010. Mới đây, Bộ đã yêu cầu các trường phải báo cáo tình hình về Bộ trước ngày 15.8. Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Văn Đường -  Vụ Giáo dục Đại học, đến giữa tháng 11, Bộ mới nhận được báo cáo của 182 trường  ĐH, CĐ trên tổng số hơn 400 trường.

img

Mỗi ngành đào tạo cần có chuẩn đầu ra khác nhau. Một tiết thực hành tại khoa Điện tử, ĐH Điện lực Hà Nội. Ảnh: Tùng Anh 

Theo quy định của Bộ GDĐT, “chuẩn đầu ra” là khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học phải đạt được sau khi tốt nghiệp ở các trình độ khác nhau. Bộ quy định cụ thể đối với sinh viên tốt nghiệp trình độ ĐH phải đạt từ 120 - 180 tín chỉ, tương ứng với các ngành đào tạo và với các trình độ cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ. Ngoài ra, người học sau khi tốt nghiệp phải có kiến thức lý thuyết chuyên sâu trong lĩnh vực đào tạo và có kiến thức thực tế giải quyết các công việc phức tạp ở thực tế…

 TS Đường nhận định, nhiều trường vẫn lẫn lộn “chuẩn đầu ra” với mục tiêu đào tạo, trong khi mục tiêu đào tạo là đích hướng đến, còn chuẩn đầu ra là kết quả thực tế đạt được của các mục tiêu đó. “Chuẩn của nhiều trường chỉ dựa trên cái trường có chưa phù hợp với yêu cầu thị trường; nhiều trường không phân biệt được chuẩn giữa các trình độ, chuẩn trình độ cử nhân không khác gì chuẩn của thạc sĩ, tiến sĩ. Thậm chí, ngạc nhiên hơn khi ở một số trường, chuẩn đầu ra còn không gắn với chương trình, mục tiêu, nội dung giảng dạy... Học một đằng, chuẩn đầu ra một nẻo” - ông Đường nói.

Lãnh đạo một trường ĐH thừa nhận việc lúng túng dẫn đến công bố “chuẩn đầu ra” chưa chuẩn, chỉ mang tính tượng trưng là do: “Đã công bố “chuẩn đầu ra” thì phải thực hiện được, nhưng thực chất lãnh đạo các trường không dám chắc chắn. Các yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, thái độ và vị trí làm việc của người học sau khi tốt nghiệp… hiện nhiều trường vẫn chưa thực hiện được theo định hướng thực tế, kiến thức còn hàn lâm và cũ. Chính vì vậy, nếu công bố đúng với thực lực đào tạo của trường thì có thể xã hội không chấp nhận vì cho rằng thấp, còn đưa ra tiêu chuẩn quá cao thì lại thành… hứa hão” – vị này nói.

Cần cập nhật thị trường

"Không nên bàn về việc xây dựng một chuẩn đầu ra. Việc của Bộ GDĐT là xây dựng bộ chuẩn nghề, khung năng lực để tổ chức đào tạo chứ không có chuẩn đầu ra của một ngành chung cho các trường đào tạo” .

Ông Đinh Việt Hải - đại diện Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia giáo dục, cần nhanh chóng xây dựng chuẩn trình độ đầu ra để kiểm soát chất lượng đào tạo ĐH, CĐ, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, nếu không tình trạng cử nhân thất nghiệp sẽ không chỉ dừng lại ở con số 178.000 người/năm như hiện nay.

TS Đường cho biết, để có một “chuẩn đầu ra” thật… chuẩn, các trường phải phối hợp các đơn vị sử dụng lao động cùng xây dựng chương trình đào tạo, đánh giá thị trường lao động. “Doanh nghiệp cứ than trời vì phải mất công đào tạo lại nhân lực nhưng rất ít trong số đó chịu “xắn tay” vào cùng đào tạo. Ngược lại, các trường vẫn chưa có ý thức chịu trách nhiệm với sản phẩm sau đào tạo”.

Theo đó, ông Đường cho rằng giải pháp đề ra là các bộ, ngành phải nhanh chóng xây dựng chuẩn nghề nghiệp quốc gia và khung trình độ quốc gia. Đồng thời, xây dựng cơ chế để thúc đẩy mối quan hệ giữa các tổ chức nghề nghiệp, các đơn vị sử dụng lao động và cơ sở đào tạo.

Theo ông Thế Anh - giảng viên Trường ĐH Ngoại thương, việc khảo sát yêu cầu đối với người lao động của doanh nghiệp tốn nhiều thời gian, công sức, tài chính nhưng hiệu quả không thực tế. Nếu khảo sát năm 2015 và sử dụng các kết quả này áp dụng vào đào tạo thì sau 4 năm, khi sinh viên ra trường, yêu cầu đã khác. Vì vậy, ông Thế Anh cho rằng cần có biện pháp cập nhật thị trường một cách thường xuyên. Điều này phụ thuộc vào mối quan hệ giữa cơ sở đào tạo và các đơn vị nhận “sản phẩm” tương ứng.

Một đại điện của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: “Trước khi đào tạo, trường nào chẳng xác định mục đích ngành học, cần gì có “chuẩn đầu ra” mới xây dựng. Thực tế hiện nay chúng ta thất nghiệp nhiều là do đào tạo chứ không phải do chưa có chuẩn đầu ra. Vì thế, Bộ GDĐT hãy quan tâm đến chất lượng đào tạo, nội dung đào tạo. Chuẩn đầu ra cũng quan trọng nhưng chỉ là cách để giới thiệu, quảng bá “sản phẩm”. Quan trọng là nâng cao chất lượng “sản phẩm” đào tạo của mình”. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem