Thái Nguyên: Quanh năm vui vầy với bầy ong mật, vợ chồng già vẫn đủ ăn đủ tiêu

Hà Thanh - Kiều Hải Thứ hai, ngày 30/05/2022 13:04 PM (GMT+7)
Ở cái tuổi mà nhiều người đã nghỉ ngơi, vui vầy bên con cháu, vợ chồng ông Trương Văn Long và bà Trần Thị Hiền (xóm Suối Cái, xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) lại ngày ngày chăm lo cho đàn ong mật.
Bình luận 0

Clip: Ông Trương Văn Long (xóm Suối Cái, xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) chia sẻ về kinh nghiệm nuôi ong (Video: Hà Thanh)

Ông Trương Văn Long cho biết, trước đây, gia đình ông chủ yếu cấy lúa và trồng chè là chính. Đến năm 2019, sau khi đi tập huấn về, gia đình đã bắt tay vào nuôi ong lấy mật.

Ban đầu gia đình chỉ nuôi 10 thùng sau đó nhân đàn lên dần. Đến nay, vợ chồng ông bà có đến 45 đàn ong.

Thái Nguyên: Cặp vợ chồng già quanh năm vui vầy với bầy ong mật mà vẫn đủ ăn đủ tiêu - Ảnh 2.

Mỗi thùng ong được đặt 6 – 7 cầu. (Ảnh: Hà Thanh)

Về kỹ thuật nuôi ong mật, ông Long cho biết, khi mới bắt tay vào nuôi ong mật, ông cũng gặp phải nhiều khó khăn. Do đàn ong ít, nên ông phải đi mua hoa hoặc vào rừng bắt ong về gây giống.

Tuy nhiên khi đã nắm được kỹ thuật chăm sóc thì việc nuôi ong tương đối dễ. Ong thường mắc bệnh thối ấu trùng. Đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị cho loại bệnh này, nên khi đàn ong bị bệnh là sẽ mất đàn.

Vào mùa hè, vợ chồng ông không cần phải chăm ong vì khi đó có rất nhiều hoa, ong sẽ tự đi kiếm mật. Ong cho mật trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 7 hằng năm. Sau khoảng thời gian đó, người nuôi sẽ ngừng khai thác mật để chuẩn bị giữ đàn cho ong vào đông.

Thái Nguyên: Cặp vợ chồng già quanh năm vui vầy với bầy ong mật mà vẫn đủ ăn đủ tiêu - Ảnh 3.

Bà Hiền thu hoạch mật ong. (Ảnh: Hà Thanh)

Để ong có thể lấy được nhiều mật và an toàn, người nuôi cần đặt thùng ong ở nơi thoáng mát, yên tĩnh, không gần đường giao thông, nhà máy đường, nhà máy hóa chất, nhà máy chế biến hoa quả và không có hồ lớn bao quanh...

Thùng ong nên đặt gần nguồn mật phấn hoa, nơi không phun thuốc sâu hóa chất, không có dịch bệnh, ít hoặc không có ong rừng, chim thú gây hại cho ong.

Ngoài ra, cần lưu ý thùng nuôi tốt thì nuôi ong mới hiệu quả. Nên chọn thùng có kích thước bên trong là 47 x 43 x 25cm. Thùng phải có hai cửa sổ có thể đóng mở hai đầu để tiện cho việc di chuyển, có lỗ to và sàn bay để ong ra vào, có nắp đậy để chống nắng mưa. Và chân thùng nên làm bằng sắt và kê cao để chống côn trùng gây hại như kiến, mối…

Cần đảm bảo nhiệt độ bên trong thùng ong luôn ổn định ở mức từ 33 – 35oC, độ ẩm 60 - 80%, không để đàn ong ở ngoài nắng và không để đàn ong chật chội.

Trong quá trình nuôi, phải thường xuyên kiểm tra và duy trì những ong chúa tốt cho mỗi đàn. Theo định kỳ từ 6 - 9 tháng sẽ thay ong chúa một lần. Việc tạo ong chúa nên tiến hành vào thời gian dồi dào mật và phấn hoa tự nhiên.

Thái Nguyên: Cặp vợ chồng già quanh năm vui vầy với bầy ong mật mà vẫn đủ ăn đủ tiêu - Ảnh 4.

Từ tháng 7 trở đi, vợ chồng ông Long không quay mật nữa mà để lại mật cho ong ăn. (Ảnh: Hà Thanh)

Chú ý vào mùa đông khi thời tiết lạnh, cần phải quây thùng ủ ấm cho ong để tránh cho ong bị lạnh mà chết. Có thể dùng rơm hoặc lá chuối khô làm vật chống rét để ở ngoài ván ngăn hoặc bên trên xà cầu, đồng thời bịt kín các khe hở của thùng ong.

Theo ông Long, vợ chồng ông nuôi ong nhưng không cho ong ăn đường. Bí quyết để giữ đàn ong của vợ chồng ông là từ tháng 7 trở đi sẽ không quay mật nữa mà để lại mật cho ong ăn.

Trung bình, gia đình ông quay mật khoảng 2 lần/tháng, trong đó cứ 15 ngày lại quay 1 lần. Với mỗi thùng ong sẽ cho khoảng 1 lít mật cho mỗi lần quay.

Bình quân mỗi tháng, vợ chồng ông Long quay được khoảng 100 lít mật ong, và mỗi năm khai thác được khoảng 500 lít.

Hiện nay mật ong đang được ông bà bán với giá trung bình khoảng 130.000 đòng/lít, chủ yếu bán cho thương lái là chính.

Thái Nguyên: Cặp vợ chồng già quanh năm vui vầy với bầy ong mật mà vẫn đủ ăn đủ tiêu - Ảnh 5.

Trung bình mỗi năm vợ chồng ông Long khai thác được khoảng 500 lít mật ong (Ảnh: Hà Thanh)

Ông Long chia sẻ, so với việc chăm sóc các vật nuôi khác thì nuôi ong tương đối nhàn, không quá vất vả. Hiện nay, ngoài nuôi ong lấy mật, gia đình ông còn nuôi thêm ốc nhồi.

Với diện tích 1 sào nuôi, dự tính lứa này gia đình ông sẽ thu được khoảng 2 tạ ốc thương phẩm. Nếu giá ốc ổn định như giá ốc thương phẩm ở thời điểm hiện tại khoảng 80.000 – 90.000 đồng/kg, gia đình ông sẽ thu về khoảng 16 – 17 triệu đồng lợi nhuận.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem