Cái cụng tay tệ hại và chuyến thăm nhiều chông gai của ông Biden

Chủ nhật, ngày 17/07/2022 21:28 PM (GMT+7)
Trong chuyến đi tới Saudi Arabia gây tranh cãi của tổng thống Mỹ, nhiều người chỉ trích ông Biden đã củng cố danh tiếng của vị thái tử, nhưng không đổi lại được lợi ích gì nhiều.
Bình luận 0


Cái cụng tay tệ hại và chuyến thăm nhiều chông gai của ông Biden - Ảnh 1.

Ông Joe Biden cụng tay với Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman khi cả hai gặp nhau lần đầu tiên ở Jeddah vào ngày 15/7, trong chuyến công du của tổng thống Mỹ đến Trung Đông.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã trao cho Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman (MBS) một cái cụng tay vào hôm 15/7.

Vào thời điểm còn tranh cử tổng thống, chính ông Biden cam kết sẽ coi Saudi Arabia là “pariah” - quốc gia bất trị, bị bài xích. Thế nhưng giờ đây, ông lại chấp nhận ngồi cùng với người mà ông từng khẳng định sẽ chịu trách nhiệm cho vụ sát hại nhà báo Khashoggi gây chấn động phương tây.

Theo New York Times, chuyến thăm này đã củng cố lại vị thế quốc tế mà Saudi Arabia đang tìm kiếm, đồng thời đảm bảo hướng quan hệ chặt chẽ hơn với Israel, trong khi ngầm thông báo nước này sẽ sớm bơm thêm dầu để ổn định cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra ở Mỹ.

Lợi ích về năng lượng và an ninh đã khiến ông Biden và các phụ tá quyết định không thể tiếp tục cô lập người khổng lồ dầu mỏ, bất chấp việc tổng thống chỉ trích vụ ám sát trước đó. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết ông Biden muốn "cân chỉnh lại" mối quan hệ của Washington với Saudi Arabia chứ không muốn phá vỡ.

Một số nhà phân tích cho rằng chuyến thăm không đáng để ông Biden đánh đổi.

“Tổng thống gặp một nhà lãnh đạo Saudi Arabia tai tiếng. Trông ông ấy có vẻ khá thích thú, xác nhận quyền hành lãnh đạo của MBS và dùng địa vị tổng thống để đổi lấy lợi ích. Nhưng hầu hết trong số này lại nằm trong lợi ích của Saudi Arabia", Aaron David Miller - cựu quan chức ngoại giao Trung Đông tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế - nhận định.

Chất vấn riêng tư Thái tử MBS

Cái cụng tay tệ hại và chuyến thăm nhiều chông gai của ông Biden - Ảnh 2.

nhiều người chỉ trích ông Biden đã củng cố danh tiếng của thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman, nhưng không đổi lại được lợi ích gì nhiều.

New York Times cho rằng có thể thấy rõ ông Biden tránh bắt tay với thái tử Saudi Arabia, mà thay vào đó là cụng tay. Dưới ống kính máy quay phần mở đầu cuộc gặp giữa hai bên, ông Biden không đề cập tới Jamal Khashoggi, nhà báo của Washington Post bị ám sát hồi năm 2018, và thái tử chỉ lặng lẽ mỉm cười khi một phóng viên hỏi liệu ông có nợ gia đình nhà báo một lời xin lỗi hay không.

Tuy nhiên sau đó, ông Biden nói ông đã chất vấn thái tử một cách riêng tư về vụ việc này.

“Tôi đã nêu vấn đề ở đầu cuộc họp, nói rõ những gì tôi nghĩ lúc đó và điều tôi nghĩ bây giờ”, ông nói. “Tôi đã thẳng thắn thảo luận về vấn đề này, làm rõ ràng quan điểm của tôi”.

Ông cho biết Thái tử MBS phủ nhận mọi thứ. “Về cơ bản, ông ấy nói cá nhân ông ấy không chịu trách nhiệm về vụ việc này. Nhưng tôi thì nghĩ ngược lại”, tổng thống Mỹ cho hay.

Tuy nhiên, các quan chức bên phía Saudi Arabia lại nói điều ngược lại. Adel al-Jubeir, Ngoại trưởng Saudi Arabia, nói ông không nghe thấy ông Biden nói thái tử phải chịu trách nhiệm. Hai bên chỉ trao đổi ngắn gọn và tập trung chủ đề ít tranh cãi hơn là nhân quyền, chứ không phải vụ giết người.

Ông Jubeir gọi vụ sát hại nhà báo Khashoggi là "sai lầm khủng khiếp", nhưng nói thêm hai nước đang tiến về phía trước và bản thân ông cũng không muốn nhìn về quá khứ. “Các cá nhân đã bị đưa ra xét xử”, ông nói, đề cập tới người bị kết án trong vụ việc. “Họ đang phải trả giá”.

Nhà Trắng hy vọng sẽ gặt hái được nhiều lợi ích sau khi phục hồi quan hệ với Saudi Arabia. Trong số đó phải kể đến việc Saudi Arabia mở không phận cho các chuyến bay thương mại của Israel, gia hạn ngừng bắn trong cuộc chiến kéo dài 8 năm qua ở Yemen và xây dựng mạng viễn thông 5G.

Cái cụng tay tệ hại và chuyến thăm nhiều chông gai của ông Biden - Ảnh 3.

Mỹ và Saudi Arabia đạt được một số thỏa thuận, bao gồm mở không phận của Saudi Arabia cho Israel và gia hạn ngừng bắn cuộc chiến tại Yemen. Ảnh: New York Times.

Không chỉ vậy, phía Mỹ cũng cho hay Saudi Arabia sẽ “hỗ trợ cân bằng thị trường dầu mỏ toàn cầu để tăng trưởng kinh tế bền vững”, nhưng không rõ nước này và các đồng minh sẽ bơm thêm bao nhiêu nhiên liệu bắt đầu từ mùa thu tới.

Hai nước cũng quyết định rút lực lượng gìn giữ hòa bình của Mỹ đã đóng quân trong 4 thập niên trên đảo Tiran, nơi từng là nguồn gốc của nhiều cuộc xung đột trong khu vực. Lính Mỹ sẽ rời đi vào cuối năm nay.

Ông Biden cũng công bố các khoản đầu tư mới vào năng lượng Mặt Trời và năng lượng hạt nhân, nằm trong số những công nghệ đáp ứng mục tiêu khí hậu. Tuy nhiên, những nỗ lực dài hạn này dường như bị lãng quên vào thời điểm mà ông Biden yêu cầu Saudi Arabia và các nước trong khu vực tăng cường sản xuất dầu.

Các nhà hoạt động nhân quyền và những người thân cận với ông Khashoggi bày tỏ sự phẫn nộ. “Đây có phải là trách nhiệm giải trình về vụ giết hại tôi mà ông đã nói”, Hatice Cengiz, vợ sắp cưới của nhà báo bị sát hại, viết trên Twitter những gì bà nghĩ Khashoggi có thể nói.

Fred Ryan, nhà báo của Washington Post, cũng gay gắt không kém. “Màn cụng tay giữa Tổng thống Biden và Thái tử Mohammad còn tệ hơn cả một cái bắt tay. Thật đáng xấu hổ", ông chỉ trích. "Nó báo hiệu một mức độ thân mật và thoải mái dành cho thái tử, như một sự công nhận trở lại mà Mohammad đang cố gắng tìm kiếm”.

Cái chết của ông Khashoggi đã gây chấn động thế giới. Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cáo buộc Thái tử MBS đã điều động biệt đội sát hại nhà báo.

Thái tử Mohammed phủ nhận. Đầu năm nay, ông cho rằng nhà báo Khashoggi “không đủ quan trọng” để ông ra tay. “Nếu đó là cách chúng tôi đã làm, ông Khashoggi thậm chí không nằm trong số 1.000 người đứng đầu danh sách”, ông nói.

Các cố vấn miêu tả ông Biden miễn cưỡng thực hiện chuyến đi gặp Thái tử Mohammed. Ông đã thay đổi quyết định sau vài tháng thảo luận với phụ tá, do những lời thúc giục ổn định thị trường năng lượng sau chiến sự Ukraine nổ ra.

Tuy vậy, chuyến thăm của ông Biden dù lịch sự, nhưng chỉ là qua loa nếu so với sự chào đón nhiệt tình ông Trump nhận được vào năm 2017, khi cha của thái tử, Quốc vương Salman, chào đón cựu tổng thống trên đường băng.

Bước đi trên tấm thảm màu hoa cà dưới bậc thang của Không lực Một hôm 15/7, ông Biden một số ít nhân viên an ninh mặc đồng phục mang kiếm chào đón. Số lượng nhân viên còn ít hơn cả số người được cử đến để đón Tổng thống Barack Obama năm 2016.

Người đón ông Biden là Công chúa Reema bint Bandar Al Saud, Đại sứ Saudi Arabia ở Washington, và Hoàng tử Khalid Al Faisal, một thành viên cấp cao của hoàng gia.

Thông điệp đối lập cho Israel và Palestine

Ngày 16/7, tổng thống Mỹ hội đàm song phương với các nhà lãnh đạo Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Iraq. Sau đó, ông sẽ tham gia hội nghị với các quốc gia vùng Vịnh, cùng đại diện của Ai Cập, Iraq và Jordan.

"Tổng thống muốn đảm bảo không có khoảng trống ở Trung Đông cho Trung Quốc và Nga", ông Sullivan nói.

Các quốc gia vùng Vịnh - vốn từ chối đứng về phía phương Tây chống lại Nga trong cuộc xung đột Ukraine - đang tìm kiếm cam kết cụ thể từ Mỹ. Mối quan hệ chiến lược này vốn đã căng thẳng khi các nước cho rằng Mỹ đang tách rời khỏi khu vực, theo Reuters.

Trong khi đó, đối với Israel, chuyến thăm của Tổng thống Biden chủ yếu ca ngợi mối quan hệ ngày càng phát triển của nước này với Trung Đông. Thế nhưng, với Palestine, lần công du này của người đứng đầu Nhà Trắng chỉ đem lại những lời cảm thông và cam kết tài trợ mới, nhưng kế hoạch dài hạn thì không có.

Ông Biden ca ngợi khoảnh khắc lịch sử khi Saudi Arabia - quốc gia Arab hùng mạnh nhất - mở không phận cho máy bay thương mại Israel. Tại chuyến thăm ngắn ngủi ở Bờ Tây, ông Biden công bố gói viện trợ hơn 300 triệu USD cho các bệnh viện và người tị nạn Palestine.

Cái cụng tay tệ hại và chuyến thăm nhiều chông gai của ông Biden - Ảnh 4.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Israel Yair Lapid hôm 14/7. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Mỹ cũng nhấn mạnh sự ủng hộ giải pháp hai nhà nước cho người Israel và Palestine, nói rằng sự hòa nhập ngày càng tăng của Israel với thế giới Arab có thể là động lực mới cho tiến trình hòa bình bế tắc.

Tuy nhiên, ông cũng nói “thời điểm này vẫn chưa chín muồi để khởi động lại đàm phán”, và tuyên bố không có chương trình dài hạn nào để hồi sinh chúng.

Và trong chuyến thăm này, ông Biden chỉ dành 3 giờ ở Bờ Tây, so với 46 giờ ở Israel. Ông cũng khiến người Palestine thất vọng khi tránh chỉ trích Israel, làm giảm kỳ vọng về tiến trình hòa bình mới do Mỹ dẫn đầu.

Người Palestine biểu tình chống lại ông Biden hôm 15/7 ở cả Jerusalem và Bethlehem. Một số người khác thì chỉ trích cuộc gặp giữa tổng thống Palestine và người đồng cấp Mỹ.

Vài giờ sau khi chuyến thăm kết thúc, tên lửa từ Dải Gaza phóng sang phía lãnh thổ Israel. Quân đội Israel cho hay đêm 16/7 đã có hai vụ phóng tên lửa riêng biệt, mỗi vụ phóng hai quả tên lửa về phía lãnh thổ nước này. Để đáp trả, máy bay chiến đấu của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã tấn công địa điểm quân sự ở trung tâm Dải Gaza thuộc kiểm soát của Hamas.

 

Phương Linh (zingnews.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem