Cải thiện môi trường kinh doanh: Vẫn sợ “thông trên tắc dưới”

Mai Hương Thứ hai, ngày 12/01/2015 10:42 AM (GMT+7)
Tinh thần cải cách của Chính phủ trong Nghị quyết  01 đã quá rõ, thể hiện quyết tâm tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh, bình đẳng, có lợi cho doanh nghiệp (DN), người dân. Tuy nhiên, thực hiện chủ trương này ở các cấp, các ngành, địa phương ra sao vẫn là nỗi lo của các DN…
Bình luận 0

Vẫn đối phó nhiều vấn đề đau đầu

Ông Mai Huy Tân – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm Đức Việt, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn nhịp cầu Việt Đức chia sẻ, vấn đề quan tâm nhất của DN hiện nay là những cải cách mạnh mẽ mà Chính phủ đưa ra có đem lại sự “dễ thở” thực sự cho DN hay không!?

img

Dây chuyền sản xuất xúc xích tại Công ty Thực phẩm Đức Việt (Yên Mỹ, Hưng Yên).          Thanh Sơn 
Lấy dẫn chứng từ chính DN mình, ông Tân cho hay, chỉ 1 cái xúc xích của chúng tôi đến giờ có tới 7 bộ quản lý. Gần đây, cảnh sát môi trường đến kiểm tra DN của chúng tôi. Tất cả đều đạt tốt. Nhưng có một đồng chí cảnh sát môi trường phát hiện ra khu vực chất thải của chúng tôi để trong thùng màu xanh với chữ màu đỏ là “Tập kết rác thải”. Giở luật ra thì tập kết rác thải phải để trong thùng chứa màu đỏ. Đoàn kiểm tra ghi vào biên bản vi phạm là “Thùng chứa không đúng màu”.

 

Từ câu chuyện này, ông Mai Huy Tân cho rằng, sự máy móc và “hành là chính” của các cơ quan quản lý, 7 bộ quản 1 cái xúc xích thì quá đáng. “Chúng ta sửa luật nhưng quan trọng cũng phải sửa cả môi trường kinh doanh đang có không ít sự “khó thở” với DN hiện nay”-ông Mai Huy Tân nói.

Một DN khác cũng đã chia sẻ, làm các thủ tục nhập khẩu bây giờ vẫn phải trải qua rất nhiều khâu và không có khâu nào là DN không mất phong bì. DN phải lấy từ cổ tức, lợi nhuận của cổ đông cho vào một quỹ để chi, giữ cho sổ sách của DN trong sạch và chỉ có một sổ duy nhất.

Điều mà các DN vẫn hàng ngày bức xúc là họ vẫn phải đối phó với nhiều vấn đề đau đầu, nhiều khi bị xem là “hành”. Nhiệt huyết kinh doanh và đầu tư của họ vì thế cũng bị suy giảm bởi sự tắc trách, vô lối của cung cách quản lý ở không ít nơi. DN đều mong muốn những cải cách của Chính phủ phải được giám sát thực hiện ở dưới để đừng- như một DN ví von- là “thông ở trên mà tắc ở dưới”.

Khi doanh nghiệp quá đuối

Ông Nguyễn Hữu Dũng-Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản cho rằng, năm 2015, các DN xuất khẩu sẽ còn tiếp tục gặp khó khăn. Nhiều doanh DN đã có phần “đuối sức,” nhất là ngành cá tra. Ngay cả tôm là sản phẩm xuất khẩu chủ lực, có tốc độ tăng trưởng và mang lại ngoại tệ nhiều nhất trong năm 2014 cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là liên quan đến các vấn đề về an toàn thực phẩm và thuế chống bán phá giá từ phía Hoa Kỳ.

“DN đã trông đợi rất nhiều khi đón nhận nghị quyết của Thủ tướng. DN đã thấy được quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ. Tuy nhiên, những cố gắng cải cách cần phải thực sự đi mạnh vào cuộc sống. Tín dụng với lãi suất hợp lý, thuế cần phải không còn là rào cản với DN”- ông Dũng bộc bạch.

Theo ông Cao Sĩ Kiêm-Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, DN cần phải được tháo gỡ những hạn chế cố hữu như khó tiếp cận chính sách, ưu đãi, mặt bằng sản xuất và đặc biệt là tiếp cận vốn vay, gần 70% số DN nhỏ và vừa đều khó tiếp cận vốn.

Ông Phạm Ngọc Long-Viện trưởng Viện Khoa học quản trị DN nhỏ và vừa Việt Nam cũng chỉ ra các thủ tục, điều kiện tín dụng vẫn ngày càng “siết chặt”, tạo nên sự phức tạp và quá sức đối với DN. Để giải quyết vấn đề “sức khỏe” của DN, theo ông Dương Ngọc Minh- Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hùng Vương, câu chuyện DN khó tiếp cận vốn cần được giải quyết triệt để. Cùng đó lãi suất cho vay phải tiếp tục được giảm xuống cho phù hợp với lãi suất huy động.

Nhiều DN thủy sản mong muốn có nguồn nguyên liệu sạch để chế biến xuất khẩu, song cho đến nay ở Việt Nam vẫn chưa có một quy trình nuôi tôm hoàn thiện không có thuốc kháng sinh hay nuôi tôm sinh thái. DN đầu tư thì vốn rất lớn do vậy cái mà DN cần cải thiện chính là được tạo điều kiện thuận lợi trong việc cho vay vốn- ông Lê Văn Quang- Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cũng cho hay.

Sẽ cắt giảm thời gian nộp thuế

“Việt Nam còn để 6.700 dòng thuế phức tạp, gây nhiều phiền hà, sách nhiễu, khó khăn cho DN và không minh bạch cho nền kinh tế. Chính vì vậy, Bộ sẽ đề nghị Chính phủ sửa Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu, đưa vào chương trình làm việc của Quốc hội năm 2015. Bộ sẽ đẩy mạnh cắt giảm thời gian nộp thuế của DN xuống còn khoảng 171 giờ/năm.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh TuấnĐơn giản, minh bạch hóa các ngành nghề

“Chúng tôi đang tích cực rà soát để bãi bỏ, đơn giản và minh bạch hóa các ngành nghề cấm kinh doanh, kinh doanh có điều kiện theo yêu cầu của Chính phủ. Việc bãi bỏ, sửa đổi các điều kiện kinh doanh không cần thiết, không rõ ràng... có thể giúp cải thiện môi trường kinh doanh, từ đó GDP của Việt Nam tăng 1-2% (khoảng 15-25 tỷ USD)”.

 Thứ trưởng Bộ KHĐT ông Đặng Huy ĐôngPhải tận gốc thay đổi tư duy

“Vẫn có những bộ ngành còn thờ ơ, kém tự giác trước quyết tâm rất cao của Chính phủ, coi việc cải thiện môi trường kinh doanh “như việc của người khác”. Các bộ ngành phải tận gốc thay đổi tư duy, phải biết lo cho số phận nền kinh tế và số phận từng DN, kinh tế có tăng trưởng, phát triển được không phụ thuộc rất nhiều vào DN”.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan 

Nguyễn Phương (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem