Cám cảnh trồng tiêu: Giá thấp lỗ chỏng gọng, trồng hữu cơ cũng chết

Thứ tư, ngày 02/10/2019 14:30 PM (GMT+7)
Năm 2016, toàn tỉnh Bình Phước có 16.452 ha hồ tiêu. Đây cũng là thời điểm huy hoàng hồ tiêu được mệnh danh là vàng đen. Bất chấp khuyến cáo từ các nhà khoa học, người người, nhà nhà thi nhau trồng tiêu. Chỉ trong năm 2016, diện tích hồ tiêu tăng 726 ha, nâng tổng diện tích hồ tiêu cả tỉnh lên 17.178 ha. Giá hồ tiêu những năm gần đây liên tiếp giảm, nhiều nhà vườn không còn vốn để đầu tư phân bón, thuốc trị bệnh dẫn đến tiêu chết hàng loạt.
Bình luận 0

523,1 ha hồ tiêu của tỉnh bị nhiễm bệnh ở mức độ trên 70% trong niên vụ 2017-2018 là lời cảnh báo cho nông dân trồng tiêu trước khi mùa mưa kết thúc.

NHỮNG MÙA TIÊU ĐI...

Niên vụ 2018-2019, 2,5 ha hồ tiêu 8 năm của gia đình bà Nguyễn Thị Liên ở ấp Thanh Sơn, thị trấn Thanh Bình, huyện Bù Đốp cho năng suất 13 tấn. Thế nhưng dự báo mùa vụ năm nay, năng suất vườn tiêu của gia đình bà có thể giảm hơn một nửa.

Bà Liên cho biết, nguyên nhân chính khiến năng suất giảm là do giá hồ tiêu xuống thấp nên gia đình không đầu tư phân bón cũng như thuốc bảo vệ thực vật như những năm trước. Không chỉ năng suất giảm, một số nọc tiêu trong vườn đang bị vàng lá, khô cành, tháo lóng, biểu hiện của bệnh chết nhanh, chết chậm đã xuất hiện.

img

Dự báo năng suất vườn tiêu 2,5 ha của hộ bà Nguyễn Thị Liên ở ấp Thanh Sơn, thị trấn Thanh Bình, huyện Bù Đốp sẽ giảm hơn 50% do thiếu đầu tư phân bón và sự tác động của thời tiết.

Bù Đốp hiện có 4.468 ha hồ tiêu, chiếm 26,1% tổng diện tích hồ tiêu trên địa bàn toàn tỉnh. Cuối mùa mưa, đầu mùa khô năm 2019, toàn huyện Bù Đốp có 110 ha hồ tiêu nhiễm bệnh, trong đó 41,1 ha nhiễm bệnh ở mức độ trên 70% và 46,2 ha nhiễm bệnh từ 30-70%.

Năm 2018, toàn tỉnh có 523,1 ha tiêu bị chết, chủ yếu do bệnh chết nhanh, chết chậm. Từ khi trồng đến lúc bắt đầu cho thu hoạch và rơi vào tình trạng chết nhanh, chết chậm không thể cứu chữa phải mất ít nhất 3 năm. Trong 3 năm ấy, người dân đầu tư thấp nhất cũng khoảng 200 triệu đồng/ha. 523,1 ha hồ tiêu bị chết trong năm vừa qua đồng nghĩa với người trồng tiêu trên địa bàn toàn tỉnh mất trắng 104 tỷ đồng.

Bình Phước hiện có trên 16.987 ha hồ tiêu, giảm 191 ha so với năm 2018. Mưa tắt, nắng lên là hồ tiêu dễ rơi vào tình trạng vàng lá, tháo lóng, bỏ nọc rồi chết hàng loạt mà người trồng tiêu hay gọi là bệnh chết nhanh, chết chậm. Bình quân mỗi năm có ít nhất cả trăm héc ta hồ tiêu chết vì căn bệnh này.

Dù biết nguyên nhân gây nên loại bệnh này do nấm phytophthora và fusarium nhưng ít ai biết được khởi nguyên bệnh do nấm phytophthora và fusarium tấn công bộ rễ của hồ tiêu ngay từ trong mùa mưa. Tấn công xong bộ rễ cũng là lúc mùa khô đến khiến cây tiêu không còn đường cung cấp chất dinh dưỡng dẫn đến chết nhanh hoặc chết chậm.

Tùy theo mức đầu tư của nhà vườn, mỗi héc ta hồ tiêu từ khi trồng đến lúc thu hoạch phải mất từ 200-300 triệu đồng, thậm chí 500 triệu đồng. Nhiều nhà vườn không nắm được nguyên nhân cơ bản của bệnh chết nhanh, chết chậm nên mua thuốc bảo vệ thực vật về phun, tưới cho vườn tiêu.

Thế nhưng càng phun, tưới thuốc thì hồ tiêu càng chết nhanh hơn và người trồng lại mất thêm khoản chi phí cho tiền công, thuốc bảo vệ thực vật có khi lên cả trăm triệu đồng nhưng vẫn không thể cứu được vườn.

1 ĐỒNG PHÒNG HƠN 10 ĐỒNG CHỮA

Theo các nhà nông học, có 4 nguyên nhân cơ bản khiến hồ tiêu chết hàng loạt. Trước tiên là do cách trồng hồ tiêu thấp hơn mặt đất dẫn đến ẩm độ cao, tạo điều kiện thuận lợi cho nấm phytophthora và fusarium phát tán trên diện rộng. Thứ hai, nhà vườn thường chủ quan không triệt tiêu hay cách ly ngay từ đầu những nọc tiêu mắc bệnh.

Thứ ba, không chủ động phòng bệnh và cuối cùng là do thiếu đầu tư phân bón hoặc bón phân không cân đối dẫn đến hồ tiêu thiếu sức đề kháng, tạo điều kiện cho nấm bệnh tấn công.

Đặc biệt, trước thực trạng hồ tiêu mất giá như hiện nay, nhiều nhà vườn thiếu đầu tư chăm sóc dẫn đến không ít vườn bị chết hàng loạt. 523,1 ha hồ tiêu trên địa bàn toàn tỉnh bị chết trong năm vừa qua là minh chứng rõ ràng nhất.

img

Dự báo năng suất vườn tiêu 2,5 ha của hộ bà Nguyễn Thị Liên ở ấp Thanh Sơn, thị trấn Thanh Bình, huyện Bù Đốp sẽ giảm hơn 50% do thiếu đầu tư phân bón và sự tác động của thời tiết.

Kỹ sư Đỗ Hữu Đức, chuyên viên Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đốp cho biết: Có một thực tế vừa mừng nhưng lại vừa lo hiện nay là người dân thường tập trung vào phương pháp hữu cơ, ít quan tâm đến tỷ lệ phân bón vô cơ dẫn đến vườn tiêu mất cân đối về dinh dưỡng.

Đặc biệt, phân bón vô cơ còn là giải pháp tối ưu để nâng cao năng suất cây trồng nếu sử dụng đúng liều lượng. Do vậy, song song với phương pháp hữu cơ, nhà vườn cần phải sử dụng phân bón vô cơ ở mức độ hợp lý, không chỉ giúp vườn cây phát triển cân đối dinh dưỡng để kháng bệnh mà còn nâng cao năng suất cây trồng.

Tiếp theo là thay đổi cách trồng từ phương pháp đào hố âm dưới mặt đất sang cách trồng nổi. Phòng bệnh ngay từ mùa mưa là giải pháp hữu hiệu nhất để giúp hồ tiêu cũng như các loại cây trồng khác tránh được dịch bệnh do nấm phytophthora và fusarium gây nên.

Tiến sĩ nông học Nguyễn Văn Bắc, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đốp cho rằng, nhà nông đầu tư 1 đồng cho việc phòng trừ dịch bệnh sẽ tốt hơn phải bỏ ra 10 đồng để chữa bệnh.

Đông Kiểm (Báo Bình Phước)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem