Cấm nhập lúa mì vì cỏ dại: Từ DN đến bà bán bánh mì bị ảnh hưởng

Nguyên Vỹ Thứ ba, ngày 09/10/2018 09:01 AM (GMT+7)
Theo TS Trần Duy Khanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo doanh nhân APEC, việc cấm nhập khẩu lúa mì có chứa cỏ Cirsium arvense vào Việt Nam sẽ có tác động lớn đến nhiều người, không chỉ doanh nghiệp mà bà bán bánh mì cũng bị ảnh hưởng.
Bình luận 0

Ngay sau khi Báo Dân Việt tổ chức tọa đàm “Lúa mì và chuyện nhập khẩu của doanh nghiệp Việt” ngày 5.10 tại Hà Nội, sức nóng của sự kiện tiếp tục dấy lên ở khu vực phía Nam.

Chiều ngày 8.10, Hiệp hội Lương thực thực phẩm TP.HCM khẩn cấp tổ chức tiếp tọa đàm “Khó khăn của doanh nghiệp Việt khi nhập khẩu lúa mì” thu hút đông đảo chuyên gia và doanh nghiệp tham gia.

img

Hiệp hội Lương thực thực phẩm TP.HCM khẩn cấp tổ chức tọa đàm “Khó khăn của doanh nghiệp Việt khi nhập khẩu lúa mì”. Ảnh: Nguyên Vỹ

Có mặt trực tiếp tại tọa đàm, TS Khanh cho rằng, công văn mới đây của Cục BVTV liên quan đến lúa mì có lẫn cỏ cirsium arvense (ké đồng) chứa đựng nhiều điểm không hợp lí.

TS Khanh khẳng định chính Cục BVTV cũng chưa hình dung hết về loại cỏ ké đồng này. Việt Nam đã nhập khẩu lúa mì của Nga từ thời bao cấp. Loài chim sẻ ở Nga có giá đắt nhất nhì thế giới chỉ ăn hạt ké đồng và không hề bị nhiễm độc. Thực chất, ké đồng là loài cỏ dại, chỉ cạnh tranh dinh dưỡng với các loài cây khác.

Tại buổi tọa đàm ở Hà Nội, có quan điểm đề nghị doanh nghiệp có thể thay nguồn nhập khẩu từ Nga bằng các nước khác. TS Khánh cho biết, Việt Nam có thể trồng lúa mì nhưng năng suất không cao. Trong kinh tế hội nhập, mỗi nước chọn cho mình một lợi thế cạch tranh. Hiện Nga là nước số một số 1 thế giới về lúa mì, cũng như Mỹ chuyên về bắp ngô.

img

Vấn đề cấm hay không cấm nhập khẩu lúa mì lẫn cỏ ké đồng đang được nhiều doanh nghiệp quan tâm. 

Việt Nam đã từng loay hoay tìm 1 số loại thực vật khác làm thức ăn gia súc nhưng không thể cạnh tranh được với các nước có sẵn thế mạnh. Cho nên doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên liệu từ các nước có chất lượng tốt nhất và giá cạnh tranh nhất.

“Không ai dại gì bỏ tiền đi mua hàng kém chất lượng. Việc khuyên doanh nghiệp tìm kiếm nguồn nguyên liệu từ  thị trường khác là là vô lý. Ai khuyên như thế là không hiểu vấn đề”, TS Khanh nói.

TS Khanh khẳng định lại quan điểm: phải có cách xử lý linh hoạt cho từng trường hợp như hàng nhập về để làm giống hay làm bột. Mệnh lệnh hành chính không thể cứ quản không được là cấm.

“Phải có ý kiến trực tiếp đến Bộ trưởng Bộ NN&PTNT vì lệnh cấm nhập lúa mì lẫn cỏ sẽ gây đảo lộn rất lớn đến kinh tế, xã hội. Không chỉ ông doanh nghiệp mà bà bán bánh mì tới người tiêu dùng đều bị ảnh hưởng”, TS Khanh nhận định.

img

TS Trần Duy Khanh nhận định “lệnh cấm” nhập lúa mì lẫn cỏ ké đồng sẽ gây rối loạn kinh tế, xã hội trong nước. Ảnh: Nguyên Vỹ

Đại diện cộng đồng doanh nghiệp nhập khẩu lúa mì cung cấp cho thị trường trong nước, ông Trần Vũ Khánh, Giám đốc Công ty Hiệp Quang cho rằng công văn mới đây của Cục BVTV có thể được ngầm hiểu gần như 1 lệnh cấm. Các nhà nhập khẩu chính là người bị thiệt hại trước tiên.

Đối với ngành bột mì thì lúa mì là yếu tố sống còn. Mỗi năm Việt Nam nhập khoản 1,7 - 1,8 triệu tấn lúa mì cho sản xuất bột mì. Bột lúa mì còn dùng làm thức ăn chăn nuôi thay thế các loại tinh bột khác.

Việc vận chuyển lúa mì chiếm 70 - 80% bằng tàu biển. Một chuyến tàu chở từ 30.000 - 50.000 tấn. Trị giá 1 chuyến tàu khoảng 20 triệu USD. Nếu một lệnh buộc tái xuất đưa ra thì con số thiệt hại là khoảng 1.500 tỷ đồng.

Chưa kể việc vận chuyển bằng tàu thường mang tính cố định về thời gian. Nay các tàu phải chạy đua theo thời hạn của công văn, buộc doanh nghiệp phải đóng thêm 15 USD/1 tấn hàng để chi phí xăng dầu cho tàu chạy nhanh hơn.

Với các lô hàng lỡ bị buộc tái xuất, doanh nghiệp buộc phải tìm cách bán sang thị trường khác. Lô hàng sẽ bị định giá xuống thấp 20 – 30% giá trị ban đầu do vấn đề tai tiếng trước đó.

Tất cả các chi phí này khiến nhà nhập khẩu tính vào giá bán lại cho doanh nghiệp trong nước. Và người tiêu dùng phải chi trả chi phí đội lên. “Một ổ bánh mì bị đội giá lên 20 - 30% như TS Khanh nhận định là hoàn toàn có cơ sở”, ông Khánh nói.

Ở góc độ khác, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban An toàn thực phẩm TP.HCM, đánh giá tỷ lệ hạt cỏ nằm lẫn trong  hạt bột mỳ với tỷ lệ rất thấp, không thể đủ gây hại. Trong khi ké đồng là loại sinh vật cạnh tranh, không phải sinh vật gây hại.

img

Các doanh nghiệp kiến nghị lùi thời hạn thi hành công văn của Cục BVTV.

Trước khi ra quy định cấm, phải có những nghiên cứu định tính định lượng kỹ lưỡng. Bà Phong Lan đề nghị cần ngừng ngay lập tức công văn của Cục BVTV đã ban hành.

“Thực tế đã có không ít văn bản được ban hành gây khó khăn cho doanh nghiệp vì không phù hợp thực tế. Trong kỳ họp Quốc hội sắp tới, tôi sẽ trực tiếp kiến nghị vấn đề này. Đồng thời kiến nghị lên UBND TP.HCM để có tiếng nói”, bà Lan bức xúc.

Nhìn ở khía cạnh thương mại quốc gia, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng cũng bày tỏ lo ngại khi Việt Nam đang tham gia hàng loạt các hiệp định thương mại.

Việc quản không được thì ra lệnh cấm một cách cứng nhắc có gây hệ lụy khi các nước khác cũng “trả đũa” bằng cách lập hàng rào, tương tự như Việt Nam đã làm. “Nhà nước cần có quy trình kiểm định chất lượng cụ thể cho sản phẩm cụ thể. Cũng như hỗ trợ chi phí cho các vấn đề liên quan như nhà máy, công nhân, nông dân chăn nuôi”, TS Dũng đề nghị.

Trả lời thắc mắc của các doanh nghiệp tại cuộc tọa đàm “Lúa mì và chuyện nhập khẩu của doanh nghiệp Việt” ngày 5.10 ở Hà Nội do Báo NTNN/Dân Việt tổ chức, ông Lê Sơn Hà - Trưởng phòng Kiểm dịch thực vật (Cục Bảo vệ thực vật) cho biết: Nếu tìm hiểu về loại cỏ này bằng tiếng Việt sẽ khá khó nhưng nếu tìm kiếm bằng tiếng Anh sẽ cho ra nhiều kết quả. Cục Bảo vệ thực vật có lý do để cấm loại cỏ này vì chúng có nguy cơ gây hại tới môi trường và ảnh hưởng tới sản xuất.

6 tháng qua, từ khi một số lô hàng lúa mì có chứa cỏ Cirsium arvense, chúng tôi đã phải huy động anh em kiểm dịch thực vật cùng với doanh nghiệp giám sát. Cục chúng tôi cũng đang làm việc với các cơ quan hữu quan tại một số nước yêu cầu họ phải đáp ứng theo yêu cầu của nước nhập khẩu là phải làm sạch loại bỏ cỏ này trước khi xuất đi. 

Theo tôi, các doanh nghiệp cần phải thay đổi nhà cung ứng lúa mì, chuyển sang những thị trường khác như Braxin, Kazakhstan...

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM cho biết trong lúc cạnh tranh thương mại ngày càng gay gắt, nơi nào bán nguyên liệu rẻ, tốt thì họ mua. Việc chỉ bảo nên mua chỗ này thay vì chỗ kia là hết sức vô lý. Nhiều doanh nghiệp phải xác định công thức sản xuất dựa trên từng nguồn nguyên liệu nhất định. Bảo tìm ngay khách hàng khác không hề đơn giản, cũng không dễ thay đổi bạn hàng quen thuộc.

Bột mì đi vào bữa ăn và cuộc sống ngày càng nhiều. Hầu hết các doanh nghiệp đều tán đồng đề nghị lùi thời hạn thi hành công văn để đánh giá cho đúng, cho hết vấn đề. Hiệp hội sẽ tập hợp ý kiến đầy đủ để kiến nghị lên Chính phủ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem