Cân bằng lợi ích để xuất khẩu lâm sản bền vững

Anh Thơ (thực hiện) Thứ bảy, ngày 08/05/2021 09:23 AM (GMT+7)
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan từng phát biểu: Phát triển kinh tế lâm nghiệp giống như 1 hệ sinh thái, kể cả tổ chức sản xuất, phát triển quản lý kinh doanh lâm nghiệp. Để đảm bảo được mục tiêu này, theo ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, cần hài hòa lợi ích giữa các bên.
Bình luận 0

Cân bằng lợi ích để xuất khẩu lâm sản bền vững - Ảnh 1.

Ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT).

 4 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất trong nhóm ngành hàng nông, lâm, thủy sản, tới gần 51% so với cùng kỳ năm trước, đạt 5,33 tỷ USD. Ông đánh giá như thế nào về những kết quả xuất khẩu khả quan này?

-Thời gian qua, tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ là một trong những chỉ tiêu quan trọng phản ánh sự phát triển của toàn ngành. Đà xuất khẩu đang phát triển tốt, đây không phải là kết quả của một năm mà là của cả quá trình. Quá trình đó có sự đồng thuận của doanh nghiệp, nông dân, sản phẩm gây được lòng tin trên thị trường quốc tế.

Có thể nói chuỗi giá trị lâm sản ngày càng khẳng định tính bền vững. Dịch Covid-19 năm 2020 cũng không làm chuỗi bị đứt gãy, xuất khẩu vẫn tăng trưởng. Điều đó thể hiện rất rõ sự vượt khó vươn lên của ngành lâm nghiệp.

Tuy nhiên phải khẳng định rằng, Việt Nam hình thành một nền kinh tế lâm nghiệp tập trung xuất khẩu nhưng gắn với bảo tồn. Việt Nam đã tiến hành đóng cửa rừng tự nhiên. Chúng ta hoàn toàn có niềm tin để tiếp tục phát triển kinh tế lâm sản xuất khẩu mạnh mẽ. 

Đây là chuỗi giá trị tốt, điều cần quan tâm nhiều thời gian tới là phân bổ lợi ích, phân bổ giá trị gia tăng ưu tiên cho khâu cung ứng.

Thời gian gần đây, ngành gỗ Việt Nam phải đối mặt khá nhiều vụ việc điều tra liên quan đến chống lẩn tránh thuế, chống bán phá giá từ các thị trường như Mỹ, Hàn Quốc. Ông có cho rằng, việc phụ thuộc xuất khẩu quá nhiều vào một vài thị trường có thể gây ảnh hưởng đến tính bền vững trong phát triển?

- Mỹ và các nước khác đều có luật rõ ràng cho vấn đề phòng vệ thương mại. Khi xuất khẩu mặt hàng gỗ vào Mỹ tăng trưởng quá nhanh trên 2 con số có thể sản phẩm sẽ thuộc diện điều tra.

Năng lực sản xuất ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đang tăng. Trong khi đó, nhu cầu của Mỹ rất lớn, 2 yếu tố cộng hưởng vào khiến tăng trưởng xuất khẩu gỗ và lâm sản của Việt Nam sang Mỹ luôn luôn trên 2 con số.

Năm 2020, trị giá xuất khẩu sang Mỹ chiếm 56% tổng trị giá xuất khẩu toàn ngành thì quý 1/2021 con số này là trên 60%. 

Đây là sự cộng hưởng chưa thật sự bền vững trong giai đoạn hiện nay khi trong 150 thị trường xuất khẩu gỗ và lâm sản chỉ 1 thị trường đã chiếm tỷ trọng trên 60%.

Cân bằng lợi ích để xuất khẩu lâm sản bền vững - Ảnh 1.

Chế biến gỗ xuất khẩu tại Công ty Hoàng Thông (Bình Dương). Ảnh: P.V

4 tháng đầu năm 2021, trong nhóm ngành nông, lâm, thủy sản, xuất khẩu lâm sản cũng có mức tăng trưởng cao nhất tới gần 51% so với cùng kỳ năm trước, đạt 5,33 tỷ USD.

Ông có khuyến cáo gì cho các doanh nghiệp trong ngành chế biến, xuất khẩu gỗ Việt Nam nhằm hài hòa, cân bằng hơn trong câu chuyện phát triển thị trường xuất khẩu?

- Phải khẳng định rằng, thị trường Mỹ tiêu thụ lớn, nhu cầu lớn nên chiếm thị phần cao trong xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam là điều dễ hiểu, thuận mua vừa bán đi theo kinh tế thị trường.

Mỗi thị trường có yêu cầu khác nhau với sản phẩm. Khi sản phẩm đã sản xuất ra phù hợp với thị trường Mỹ, doanh nghiệp cũng không thể chờ đợi thị trường mới, thị hiếu mới được.

Tuy nhiên, đúng là cơ cấu thị trường hiện nay chưa hẳn hợp lý và có thể ảnh hưởng đến tính bền vững trong phát triển. Việt Nam luôn biết điều này và đây sẽ là bài toán được cải thiện trong giai đoạn tới. Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt ngày 1/4/2021 cũng có đề cập tới vấn đề này.

Trên thực tế thời gian qua, Tổng cục Lâm nghiệp cũng đã khá nỗ lực, có những cảnh báo, khuyến cáo doanh nghiệp đa đạng hóa mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu sang đối tác khác có tiềm năng với các loại gỗ hợp pháp. Điều này sẽ tiếp tục được thúc đẩy trong thời gian tới.

Theo ông, đâu là giải pháp căn cơ giúp phát triển bền vững ngành lâm nghiệp nói chung, ngành chế biến, xuất khẩu gỗ nói riêng trong tương lai?

- Như Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan từng phát biểu: Phát triển kinh tế lâm nghiệp giống như 1 hệ sinh thái, kể cả tổ chức sản xuất, phát triển quản lý kinh doanh lâm nghiệp, tôi cho rằng, cân bằng là gốc của tính bền vững. 

Sự phát triển của toàn ngành không hẳn chỉ nhìn vào con số tăng trưởng xuất khẩu mà còn phải nhìn vào phân bổ giá trị được tạo ra trong từng đoạn của chuỗi. 

Cải thiện điều đó không hẳn làm mất đi giá trị lợi ích của các đối tượng ở những khâu sau trong chuỗi như chế biến hay tiêu thụ mà là nâng cao sự hài hoà, bình đẳng, đảm bảo cho phát triển bền vững. Điều này phụ thuộc vào năng lực, khả năng điều tiết chuỗi. Chuỗi đó là một trong những biểu hiện của liên kết sản xuất, của kinh tế thị trường.

Liên quan tới phân bổ, cần bằng hài hoà yếu tố lợi ích này, việc hoàn thiện thể chế đóng vai trò quan trọng. Hiện nay, Nghị định về một số chính sách lâm nghiệp giai đoạn 2021-2025 đang được hoàn thiện, dự kiến trình trong quý 3/2021 và có thể được ban hành vào quý 4/2021.

Trong Nghị định này sẽ đề cập tới chính sách tương đối toàn diện, đầy đủ trong phát triển lâm nghiệp, bao gồm vấn đề hài hoà lợi ích toàn chuỗi giá trị. 

Nghị định tác động tới hầu hết đối tượng trong chuỗi, trong đó có bảo vệ, phát triển rừng gắn với nông hộ; chính sách về chế biến thương mại lâm sản; quy định về điều tra, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, nắm về cơ sở dữ liệu; chính sách để huy động nguồn lực xã hội…

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem