Cán bộ, viên chức, NLĐ dùng giấy khám sức khỏe giả sẽ bị đuổi việc

01/12/2020 13:07 GMT+7
Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (NLĐ) dùng giấy khám sức khỏe khi nộp hồ sơ xin việc hoặc nộp hồ sơ bổ nhiệm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trình tự, thủ tục khám sức khỏe của cán bộ, viên chức và NLĐ

Thông tư 14/2013/TT-BYT quy định về trình tự, thủ tục khám sức khỏe của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được như sau:

Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nộp Giấy khám sức khỏe theo mẫu quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư 14/2013/TT-BYT tại cơ sở khám sức khỏe, có dán ảnh chân dung cỡ 04cm x 06cm, được chụp trên nền trắng trong thời gian không quá 06 (sáu) tháng tính đến ngày nộp hồ sơ khám sức khỏe.

Cơ sở khám sức khỏe đối chiếu với hồ sơ khám sức khỏe, đóng dấu giáp lai vào ảnh sau khi đã thực hiện việc đối chiếu và hướng dẫn quy trình khám sức khỏe.

ksk-1569773999911360055163.jpg

Ảnh minh họa. I.T

Căn cứ vào kết quả khám của từng chuyên khoa, người được cơ sở khám sức khỏe phân công thực hiện việc kết luận phân loại sức khỏe và ký Giấy khám sức khỏe. Giấy khám sức khỏe được cấp 01 (một) bản cho người được khám sức khỏe trong vòng 24 giờ kể từ khi kết thúc việc khám sức khỏe và có giá trị trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày ký kết luận sức khỏe.

NLĐ dùng giấy khám sức khỏe giả sẽ bị đuổi việc

Trong trường hợp thực hiện khám sức khỏe không đúng theo trình tự, thủ tục khám sức khỏe nêu trên hoặc không đến khám sức khỏe thực tế mà mua giấy khám sức khỏe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp với con dấu và chữ ký chính xác thì được xem là giấy khám sức khỏe giả.

Theo quy định hiện hành, khi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sử dụng giấy khám sức khỏe giả sẽ bị xử lý kỷ luật như buộc thôi việc, không tiếp tục bổ nhiệm hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, tại Điều 12 và Điều 13 Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định, áp dụng hình thức kỷ luật cách chức đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý khi sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm vào chức vụ; áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với công chức sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Đồng thời, tại Điều 18 và Điều 19 Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định áp dụng hình thức kỷ luật cách chức đối với viên chức quản lý khi sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được bổ nhiệm chức vụ và áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với viên chức sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 36 Bộ Luật lao động 2019, người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi người lao động cung cấp không trung thực thông tin về họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, trình độ học vấn, trình độ kỹ năng nghề, xác nhận tình trạng sức khỏe và vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc giao kết hợp đồng lao động khi giao kết hợp đồng lao động làm ảnh hưởng đến việc tuyển dụng người lao động.

Mặt khác, hành vi mua Giấy khám sức khỏe giả còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; Tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Mức xử phạt đối với hành vi này được quy định rõ tại Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.

Bảo An
Cùng chuyên mục