Cần chính sách đồng bộ để startup game Việt ở lại trong nước

Thứ năm, ngày 13/04/2023 14:40 PM (GMT+7)
Hiện nay có không ít startup, doanh nghiệp trong nước trong lĩnh vực game chuyển hướng ra nước ngoài thành lập để được hưởng các chính sách ưu đãi ở nước sở tại...
Bình luận 0

Trong số studio sản xuất game của người Việt, số lượng studio có trụ sở trong nước rất ít, còn lại được đặt tại nhiều nơi trên thế giới, chủ yếu là Singapore. Doanh thu game của Việt Nam năm 2018 đạt 365 triệu USD, năm 2021 đạt 665 triệu USD nhưng số tiền đóng thuế cho Nhà nước chỉ chiếm 50%, còn lại là các cá nhân, tổ chức đóng thuế cho nước ngoài.

XU HƯỚNG RA NƯỚC NGOÀI ĐỂ “KHAI SINH”

Các chuyên gia cũng như nhiều doanh nghiệp cho biết: hiện có xu hướng các doanh nghiệp game Việt thành lập tại nước ngoài và thuê lập trình viên ở Việt Nam để sản xuất game. Có nhiều doanh nghiệp game của Việt Nam thành lập và hoạt động thành công ở nước ngoài, dẫn đến tình trạng “chảy máu” nguồn lực.

Đại diện một doanh nghiệp game có tên tuổi ở Việt Nam cho biết:  thời gian qua đã có “làn sóng” các startup và các  bạn trẻ làm game chuyển trụ sở sang Singapore và Dubai thuộc Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) để lập doanh nghiệp.

Thời gian qua đã có “làn sóng” startup, các bạn trẻ làm game chuyển sang các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Singapore để lập doanh nghiệp. Nếu Việt Nam áp thuế tiêu thụ đặc biệt với game online có thể gây khó thêm về mặt tài chính cho các doanh nghiệp thì làn sóng này có thể sẽ tiếp tục diễn ra.

Không chỉ game mà nhiều startup công nghệ mới như blockchain cũng đã chọn đăng ký lập doanh nghiệp ở những nước có chính sách cởi mở và thuận lợi hơn để hạn chế những rủi ro về chính sách khi định hướng, hành lang pháp lý cho lĩnh vực này ở Việt Nam chưa rõ ràng. Một ví dụ điển hình của xu hướng này là Sky Mavis - một "kỳ lân" Việt với game Axie Infinity nổi tiếng. Đây là một startup Việt, sáng lập là người Việt, nhân sự phần lớn là người Việt, nhưng trụ sở lại đặt ở Singapore, đóng thuế cho Singapore.


Chia sẻ với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy, ông Thái Thanh Liêm, CEO Topebox, cho rằng việc startup, studio game Việt ra nước ngoài lập doanh nghiệp và đóng thuế ở nước ngoài là điều đáng buồn cho một nước đang phát triển như Việt Nam.

Việc mất nguồn thu ở một trong những mảng kinh doanh số có tỷ trọng doanh thu cao, ngoài việc gây tổn thất về kinh tế cho Việt Nam, cũng cho thấy các đánh giá của cơ quan nhà nước về ngành này còn chưa sâu sát và cần có những điều chỉnh thích hợp nếu muốn doanh nghiệp game trong nước quay trở về quê hương.

NGUYÊN NHÂN VÌ ĐÂU?

Một số ý kiến nhìn nhận doanh nghiệp game Việt chỉ ở mức tiềm năng, đang ở trạng thái nuôi dưỡng, trong khi còn quá nhiều rủi ro, rào cản về chính sách khiến họ không thể cống hiến, buộc phải ra nước ngoài.

Trong khi đó, tại các nước mà cụ thể là Singapore lại có rất nhiều ưu đãi dành cho doanh nghiệp lĩnh vực này. Doanh nghiệp sản xuất game ở Singapore không phải xin giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử và giấy phép phê duyệt nội dung kịch bản cho từng sản phẩm game và có những chính sách ưu đãi rõ ràng về thuế...

Cần chính sách đồng bộ để startup game Việt ở lại trong nước - Ảnh 2.

Ông Thái Thanh Liêm, CEO Topebox

"So với một ngành game còn đang non trẻ, khả năng kinh doanh chưa cao nên các công ty game Việt Nam có khuynh hướng chọn những quốc gia có nhiều ưu đãi về thuế cùng những cơ chế sandbox để được thử với rủi ro không quá cao.

Việc mất nguồn thu ở một trong những mảng kinh doanh số có tỷ trọng doanh thu cao, ngoài việc gây tổn thất về kinh tế cho Việt Nam, cũng cho thấy các đánh giá của cơ quan nhà nước về ngành này còn chưa sâu sát và cần có những điều chỉnh thích hợp nếu muốn doanh nghiệp game trong nước quay trở về quê hương".

Theo đại diện một số doanh nghiệp, các quy định về thuế ở Việt Nam khá phức tạp, khiến các công ty game gặp khó khăn trong việc tìm hiểu và hoạt động hiệu quả. Cụ thể như thuế suất doanh nghiệp cao và các yêu cầu nộp thuế phức tạp.

Ông Liêm cho rằng so với một ngành game còn đang non trẻ, khả năng kinh doanh chưa cao nên các công ty game Việt Nam có khuynh hướng chọn những quốc gia có nhiều ưu đãi về thuế cùng những cơ chế sandbox (thử nghiệm) để được thử với rủi ro không quá cao.

Bên cạnh đó, việc tiếp cận nguồn vốn có thể là một thách thức đối với các công ty game ở Việt Nam, đặc biệt nếu họ là startup. Mặc dù có một số nhà đầu tư địa phương và công ty đầu tư mạo hiểm tập trung vào ngành công nghiệp trò chơi, nhưng họ có thể không nhiều hoặc được tài trợ tốt như ở các quốc gia khác.

Việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ vẫn đang là vấn đề nan giải ở Việt Nam. Đã có một số trường hợp công ty trò chơi bị vi phạm bản quyền hoặc các hình thức ăn cắp IP khác. Điều này có thể gây khó khăn cho các công ty trong việc bảo vệ tài sản trò chơi và tài sản trí tuệ có giá trị của họ...

ĐỂ CÁC STARTUP GAME Ở LẠI TRONG NƯỚC

Theo ông Huy, việc các doanh nghiệp game phải đi “khai sinh” ở nước ngoài là điều không mong muốn. Nếu tất cả các doanh nghiệp, studio game Việt đều ở trong nước thì ngành game Việt Nam sẽ có được dáng dấp của một ngành công nghiệp thực sự, những đóng góp và tổng hợp con số của các doanh nghiệp ngành này sẽ lớn hơn đáng kể.

Dưới góc nhìn của chuyên gia khởi nghiệp, ông Cris Duy Trần cho rằng những game blokchain, token, tài sản số tài chính số hiện nay ở Việt Nam vẫn còn chưa rõ ràng về mặt pháp lý. Khi chưa có định nghĩa pháp lý rõ ràng về một trong những thành tố quan trọng trong game đó thì sẽ rất khó được công nhận ở Việt Nam.

Do vậy, các startup trong lĩnh vực này sẽ không thiết lập tổ chức, hoạt động kinh doanh chính thức ở Việt Nam. Yếu tố duy nhất các doanh nghiệp này muốn tận dụng ở Việt Nam chính là nguồn nhân lực.

Cần chính sách đồng bộ để startup game Việt ở lại trong nước - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Tuấn Huy, Giám đốc Hiker Games.

"Việc các doanh nghiệp, studio game phải đi “khai sinh” ở nước ngoài là điều không mong muốn.

Nếu tất cả các doanh nghiệp, studio game Việt đều ở trong nước thì sẽ có những thuận hơn và ngành game Việt Nam sẽ có được dáng dấp của một ngành công nghiệp và con số của các doanh nghiệp sẽ đóng góp mang tầm quốc gia.

Nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp quyết định đặt trụ sở ở nước ngoài chủ yếu liên quan đến các chính sách còn một số bất cập. Bên cạnh đó việc thuế đánh trên doanh thu đến từ nước ngoài trước đây cũng còn nhiều vấn đề. Những chính sách này mặc dù đã được điều chỉnh trong thời gian qua nhưng vẫn còn những vướng mắc. Do đó, nhiều doanh nghiệp, studio vẫn sẽ ưu tiên lựa chọn lập nghiệp ở những nước có chính sách thông thoáng hơn để dồn lực tập trung phát triển sản phẩm".

Để kéo các doanh nghiệp, startup lĩnh vực này về nước, Việt Nam nên bắt đầu bằng một mô hình cơ chế sandbox thử nghiệm chính sách, trong đó có đầy đủ các chính sách, hành lang pháp lý ở quy mô nhất định. Từ mô hình sandbox này, Việt Nam sẽ thấy rõ thực tế hành lang pháp lý cần những gì.

Ông Cris Duy Trần cho biết Singapore đã có hàng loạt cơ chế, chính sách ưu đãi nên các startup và chất xám sẽ tự chảy đến.

Còn theo ông Nguyễn Tuấn Huy, để thu hút, kéo studio game ở nước ngoài về Việt Nam, tất nhiên phải cần khoảng thời gian. Khi nào các doanh nghiệp nhận thấy rõ có sự thay đổi trong nhìn nhận cởi mở của xã hội về game thì dần dần họ sẽ quay về...

Nhĩ Anh (Theo vneconomy)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem