Cần chính sách tiền tệ đủ lực để nông sản công nghệ cao chiếm lĩnh thị trường EU

Khánh Vũ Thứ hai, ngày 23/11/2020 17:51 PM (GMT+7)
Tại Hội thảo "Hiệp định EVFTA - Vai trò của ngân hàng trong hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu vào thị trường EU" rất nhiều chuyên gia, nhà quản lý, đại diện các ngân hàng đều thống nhất quan điểm: muốn đưa nông sản "đi Tây" cần phải có chính sách tiền tệ đủ mạnh.
Bình luận 0

Thị trường lớn – cơ hội thử sức lớn

Phát biểu tại Hội thảo "Hiệp định EVFTA - Vai trò của ngân hàng trong hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu vào thị trường EU" bà Bùi Thị Thanh An - Phó cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) nhấn mạnh: Nông sản Việt Nam là mặt hàng rất có tiềm năng xuất khẩu sang Châu Âu (EU). Tuy nhiên, EU vốn nổi tiếng là một thị trường khó tính, vì vậy, công nghệ cao chính là then chốt giúp nông sản Việt Nam có thể đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng cao từ thị trường EU.

"Không đảm bảo được những điều kiện ngặt nghèo về chất lượng thì sẽ vô hiệu hóa các lợi thế mà EVFTA mang lại"- bà Bùi Thị Thanh An nói.

Cần chính sách tiền tệ đủ lực để nông sản công nghệ cao chiếm lĩnh thị trường EU - Ảnh 1.

Bà Bùi Thị Thanh An - Phó cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương). Ảnh: Tô Thế

Còn theo TS.Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), để giúp nông dân, doanh nghiệp tận dụng tối đa cơ hội từ EVFTA, cần phải chuyển dịch mạnh mẽ trong cơ cấu sản xuất.

"Để tận dụng tối đa cơ hội xuất khẩu sang thị trường EU, thời gian vừa qua, ngành nông nghiệp tích cực chuyển dịch mạnh mẽ trong cơ cấu sản xuất. Trong đó, cơ cấu sản xuất được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương, vùng, miền và cả nước, gắn với nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, hội nhập quốc tế; Cơ cấu ngành hàng, sản phẩm có sự thay đổi rõ nét, tăng tỉ trọng các ngành, sản phẩm có lợi thế và thị trường như thủy sản; rau, hoa, quả nhiệt đới; đồ gỗ và lâm đặc sản" – TS. Nguyễn Quốc Toản nhấn mạnh.

Cần chính sách tiền tệ đủ lực để nông sản công nghệ cao chiếm lĩnh thị trường EU - Ảnh 2.

TS. Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT). Ảnh: Tô Thế

Thế nhưng, để tận dụng được cơ hội vào thị trường EU, người nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu không thể "đơn thương độc mã" mà rất cần sự chung tay, trợ vốn từ phía ngân hàng để đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. 

TS Cấn Văn Lực – chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV & Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia, cho rằng, việc phát triển, ứng dụng công nghệ cao vào lĩnh vực nông nghiệp cũng còn nhiều hạn chế, tồn tại, như chính sách ứng dụng công nghệ cao chưa được cụ thể hóa và chưa được nhất quán thực hiện, nên chưa thu hút được nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này.

Nông nghiệp công nghệ cao đã tiếp cận được 26.000 tỷ đồng vốn vay

Phó tổng giám đốc Ngân hàng NN&PTNT – ông Phạm Toàn Vượng cho hay: tính đến ngày 31/10/2020, doanh số cho vay từ khi bắt đầu triển khai chương trình tín dụng ưu đãi quy mô tối thiểu 50.000 tỷ đồng phục vụ nông nghiệp sạch đã cho vay được trên 26.000 tỷ đồng, dư nợ đạt trên 5.000 tỷ đồng với gần 4000 khách hàng (trong đó gần 100 là khách hàng doanh nghiệp và 3.9000 khách hàng cá nhân).

Cần chính sách tiền tệ đủ lực để nông sản công nghệ cao chiếm lĩnh thị trường EU - Ảnh 3.

Ông Phạm Toàn Vượng - Phó Tổng Giám đốc Agribank phát biểu. Ảnh: Tô Thế

 Song ông Vượng cũng thừa nhận những khó khăn vướng mắc trong công tác thực hiện tín dụng nông nghiệp công nghệ cao. Cụ thể là những khó khăn về chính sách, đất đai, nghiên cứu và triển khai công nghệ, thị trường tiêu thụ, tính tuân thủ của các bên khi tham gia chuỗi giá trị và cuối cùng là khó khăn về bảo hiểm nông nghiệp.

Liên kết, hợp tác giữa 6 nhà (Nhà nông – Nhà nước – Nhà băng - Nhà khoa học, Nhà doanh nghiệp và Nhà HTX/Hiệp hội) trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ còn thiếu chặt chẽ, bền vững; các cam kết bao tiêu sản phẩm đầu ra chưa được thực hiện nghiêm túc, ảnh hưởng đến khả năng tiêu thụ hàng hóa tạo khó khăn cho ngân hàng khi thu hồi vốn vay. Chưa chú trọng sản xuất theo chuỗi giá trị, khâu chế biến, bảo quản, tiếp thị, nên giá trị gia tăng thấp.

Để khắc phục những khó khăn, thách thức, đồng thời tạo đòn bẩy giúp nông dân, doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, ông Cấn Văn Lực cho rằng về phía các tổ chức tín dụng, cần đổi mới chính sách và qui trình cấp tín dụng nông nghiệp – nông thôn đối với từng phân khúc khách hàng (đảm bảo đúng qui định nhưng đơn giản hóa thủ tục, dễ hiểu. Thiết kế các sản phẩm đặc thù, nhất là tài trợ chuỗi cung ứng/chuỗi giá trị. Cơ cấu lại mạng lưới, kênh phân phối hoạt động…

Cần chính sách tiền tệ đủ lực để nông sản công nghệ cao chiếm lĩnh thị trường EU - Ảnh 4.

TS.Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV & Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia. Ảnh: Tô Thế

Về phía doanh nghiệp nông nghiệp nói chung và nông nghiệp công nghệ cao nói riêng: Cần chủ động tiếp cận đánh giá nhu cầu thị trường, nâng cao trình độ quản lý, năng lực sản xuất, lành mạnh hóa tình hình tài chính và xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, hiệu quả để tăng khả năng cạnh tranh, chống chịu. 

Xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao bài bản, hiệu quả cùng phương án trả nợ vay khả thi nhằm giảm áp lực trong quản lý rủi ro cho các tổ chức tín dụng; Đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao công nghệ, đặc biệt chuyển giao công nghệ cao, nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, nông nghiệp sinh thái...; Có chiến lược tiếp thị và mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản, tập trung xây dựng thương hiệu, tận dụng FTA thế hệ mới, nhất là EVFTA.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem