NHNN "cạn" dư địa nới lỏng tiền tệ, cảnh báo "nóng" tín dụng vượt kiểm soát và lạm phát "vô phương cứu chữa"

Huyền Anh Thứ sáu, ngày 22/07/2022 09:06 AM (GMT+7)
Các chuyên gia cho rằng sẽ có thêm nhiều đợt tăng lãi suất của Cục dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong nửa cuối năm 2022. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không còn nhiều dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế.
Bình luận 0

Tại cuộc họp gần đây nhất được tổ chức vào ngày 14-15/6/2022, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đã bỏ phiếu tăng lãi suất điều hành của Fed thêm 75 điểm cơ bản lên khoảng mục tiêu 1,5%-1,75%. Quyết định tăng lãi suất điều hành thêm 0,75% đánh dấu mức tăng mạnh nhất được đưa ra trong một cuộc họp kể từ tháng 11/1994.

NHNN "cạn" dư địa nới lỏng tiền tệ, cảnh báo "nóng" tín dụng vượt kiểm soát và lạm phát "vô phương cứu chữa" - Ảnh 1.

Biểu đồ lãi suất tham chiếu tại Mỹ. Màu đỏ là các đợt tăng lãi từ 0,75% trở lên. Nguồn: CNN, Refinitiv

Về lộ trình tăng lãi suất điều hành, các thành viên FOMC dự báo lãi suất điều hành có thể tăng lên 3,1-3,6% vào cuối năm 2022 và tới 3,6-4,1% vào năm 2023.

Các quan chức của Fed cũng đồng ý giảm quy mô bảng cân đối kế toán của mình từ tháng 6/2022, bắt đầu với 47,5 tỷ USD mỗi tháng (30 tỷ USD trái phiếu Kho bạc Mỹ và 17,5 tỷ USD chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp), sau 3 tháng sẽ là 95 tỷ USD mỗi tháng (60 tỷ USD trái phiếu Kho bạc Mỹ và 35 tỷ USD chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp).

Theo kế hoạch trên, Fed có thể thu hẹp quy mô bảng cân đối kế toán của mình khoảng 427,5 tỷ USD trong nửa cuối năm 2022. Mức giảm này tương đối nhỏ (chỉ chiếm 5% quy mô bảng cân đối kế toán của Fed hiện tại).

Do đó, theo đánh giá của các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán VnDirect, tác động đến tính thanh khoản của thị trường tài chính toàn cầu là không lớn.

NHNN "cạn" dư địa nới lỏng tiền tệ, cảnh báo "nóng" tín dụng vượt kiểm soát và lạm phát "vô phương cứu chữa" - Ảnh 2.

Mọi thắt chặt tiền tệ sẽ chỉ diễn ra vào cuối quý III hoặc quý IV

Riêng đối với Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không còn nhiều dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế.

Tuy nhiên, cơ quan điều hành sẽ nỗ lực duy trì chính sách tiền tệ "phù hợp", không vội vàng thắt chặt chính sách ngay lập tức để hỗ trợ phục hồi kinh tế và ổn định thị trường tài chính, bởi 2 lý do.

Thứ nhất, mặc dù áp lực lạm phát dự kiến sẽ gia tăng trong các tháng tới, chỉ số giá tiêu dùng bình quân nửa đầu năm 2022 ở mức 2,4% so với cùng kỳ. Con số này vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu của Chính phủ là 4%.

Hai là, NHNN vẫn ưu tiên mục tiêu duy trì lãi suất cho vay thấp để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi. Mọi thắt chặt tiền tệ sẽ chỉ diễn ra vào cuối quý III/2022 hoặc quý cuối cùng của năm nay. Tuy nhiên, mức tăng (nếu có) sẽ hạn chế, khoảng 0,25-0,5%.

NHNN "cạn" dư địa nới lỏng tiền tệ, cảnh báo "nóng" tín dụng vượt kiểm soát và lạm phát "vô phương cứu chữa" - Ảnh 3.

VnDirect cho rằng NHNN không còn nhiều dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế. (Ảnh: TN)

Về chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, các chuyên gia phân tích cho rằng sẽ duy trì ở mức cao khoảng 14% so với cùng kỳ vào năm 2022. Trong đó, sẽ có một số ngân hàng thương mại sẽ được nâng "trần" tăng trưởng tín dụng từ cuối quý III này.

Về lãi suất cho vay, NHNN đang triển khai gói bù lãi suất với tổng quy mô 43.000 tỷ đồng. NHNN đưa ra mức lãi suất cho vay chỉ 3-4%/năm đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng mạnh bởi đại dịch Covid-19, bao gồm: Doanh nghiệp nhỏ và vừa; Doanh nghiệp tham gia một số của các dự án trọng điểm quốc gia, và kinh doanh trong một số ngành nhất định (du lịch, hàng không, giao thông vận tải).

Do đó, gói bù lãi suất có thể giúp giảm lãi suất cho vay trung bình 20-40 điểm cơ bản vào năm 2022.

Tuy nhiên, tác động thực tế của gói bù lãi suất đối với doanh nghiệp và nền kinh tế có thể giảm bớt nếu các ngân hàng thương mại tăng lãi suất cho vay đối với các khoản vay thông thường khác để bù đắp việc tăng lãi suất tiền gửi.

Trên thực tế, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng của các ngân hàng quốc doanh tính đến đầu tháng 7 không đổi so với mức cuối năm 2021, trong khi lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng nhích tăng 4 điểm cơ bản. Theo dự báo của chuyên gia phân tích, đà tăng lãi suất huy động sẽ chậm lại trong quý III/2022 do nhu cầu vốn thấp bởi nhiều ngân hàng đã tạm hết dư địa để tăng trưởng tín dụng.

Tuy nhiên, lãi suất huy động có thể tăng trở lại trong quý IV sau khi NHNN nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng đối với các ngân hàng thương mại. Cụ thể, lãi suất huy động dự báo sẽ tăng 30-50 điểm cơ bản trong nửa cuối năm 2022.

Trong đó, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại có thể tăng lên 6,0-6,2%/năm vào cuối năm 2022 (hiện là 5,7%/năm), vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch là 7,0%/năm.

Cảnh báo "nóng" tín dụng vượt quá kiểm soát và lạm phát "vô phương cứu chữa"

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này với Dân Việt, TS. Lê Xuân Nghĩa – chuyên gia kinh tế dẫn số liệu cho biết, tín dụng toàn nền kinh tế đạt hơn 11,4 triệu tỷ đồng tính đến cuối tháng 6/2022, tăng 9,35% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm trước tăng 6,47% so với cùng kỳ).

NHNN "cạn" dư địa nới lỏng tiền tệ, cảnh báo "nóng" tín dụng vượt kiểm soát và lạm phát "vô phương cứu chữa" - Ảnh 5.

Tăng trưởng tín dụng so với tăng trưởng tiền gửi.

Đáng chú ý, tỷ lệ cho vay trên huy động có những ngân hàng đã lên tới 90%, tức là tiền dự trữ thanh toán rất mỏng.

Trong khi đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đình đốn, tạo áp lực vốn rất lớn. Đây là lý do các ngân hàng thương mại rục rịch tăng lãi suất tiền gửi.

Ông Nghĩa giả định, NHNN nới lỏng tín dụng, khi đó không chỉ dẫn tới lạm phát mà trong bối cảnh hiện nay, đồng nghĩa với việc buộc phải nới lỏng huy động.

Điều này sẽ dẫn tới cuộc đua lãi suất huy động như đã từng xảy ra những năm 2011. Hậu quả cuối cùng, tín dụng tăng trưởng vượt quá mức NHNN có thể kiểm soát được và lạm phát tăng "vô phương cứu chữa" - theo TS. Lê Xuân Nghĩa. Vì vậy, NHNN Việt Nam cần thận trọng trong nới lỏng room tín dụng nói riêng và chính sách tiền tệ nói chung trong nửa cuối năm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem