Cần dự phòng, tìm "bài thuốc" cho suy thoái nếu quý IV/2021 tăng trưởng âm

Ngô Trang Thứ sáu, ngày 22/10/2021 06:30 AM (GMT+7)
Theo các chuyên gia kinh tế, rất khó có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng ở những tháng cuối năm. Thậm chí, chúng ta cần phải chuẩn bị "bài thuốc" cho suy thoái nếu quý IV/2021 tăng trưởng âm...
Bình luận 0

Kịch bản nào cho tăng trưởng quý IV/2021?

Bàn về giải pháp tăng trưởng kinh tế cho những tháng cuối năm 2021, tại Tọa đàm "Động lực kích thích kinh tế tăng trưởng và doanh nghiệp phục hồi sản xuất sau dịch" do Báo Dân Việt tổ chức, TS.Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng, việc mở cửa nền kinh tế rất quan trọng. Nhưng mở cửa quốc tế phụ thuộc nhiều yếu tố, container, vận tải… và phụ thuộc cả thế giới.

Chuyên gia kinh tế: Cần dự phòng, tìm "bài thuốc" cho suy thoái nếu quý IV tăng trưởng âm - Ảnh 1.

TS.Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia. Ảnh Hưng Phạm.

Ông Lê Xuân Nghĩa cho rằng, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản khá quan trọng, đây là lĩnh vực duy nhất tăng trưởng dương với 1,04%, vì thế cần đặc biệt quan tâm hơn nữa. Tuy nhiên, hiện khu vực nông nghiệp nông thôn hiện đang bị bế tắc, suy giảm toàn diện từ nguồn lực, tài chính, đặc biệt là thị trường. "Cần thương lượng với Trung Quốc để họ hỗ trợ Việt Nam tiêu thụ nông sản. Bởi đây là thị trường đặc biệt quan trọng với nông nghiệp nước ta", ông Nghĩa đề xuất.

"Ở Trung Quốc, họ quản lý dịch bệnh bằng big data. Ví dụ ở một vùng nào đó, trên data bỗng thấy các sản phẩm thuốc như thuốc chống Covid-19, thuốc chống ho, hạ sốt tăng lên là họ nghi ngờ khu vực này có mầm mống bệnh. Từ đó, các cơ quan chức năng lập tức tiến hành kiểm tra, cho xét nghiệm và khoanh vùng"

- TS. Lê Xuân Nghĩa.

Vị chuyên gia này cũng đặc biệt lưu ý về việc mở cửa với ngành du lịch. Ông Nghĩa cho rằng, đợt dịch sau dịp lễ 30/4 và 1/5 là một bài học đau xót mà Việt Nam cần rút kinh nghiệm.

Theo đó, ông Nghĩa đề xuất, khi mở dịch vụ du lịch cần thận trọng hơn, cần mở từ từ, nơi nào an toàn thì cần mạnh mẽ nhưng cũng cần lưu ý không ồ ạt.

"Tránh tình trạng để xảy ra như đợt vừa qua, nếu để dịch tràn vào Hà Nội và TP.HCM, có lẽ sẽ không còn gì cho năm sau. Bởi xác suất dịch quay trở lại vẫn rất cao. Trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nói: Cần phải có chính sách, biện pháp phù hợp để phòng, chống, "thích ứng an toàn, linh hoạt", hoặc "sống chung" với dịch bệnh. Ở đây, nghĩa là chúng ta phải lựa chọn, ở giai đoạn đầu chúng ta phải thích ứng an toàn và linh hoạt rồi sau đó mới sống chung với dịch bệnh. Đợi khi nào vaccine tiêm chủng đạt tỉ lệ phủ rộng thì khi đó lại cần quyết liệt hơn", ông Nghĩa nhấn mạnh.

Đưa ra dự báo cho những tháng cuối năm, ông Nghĩa bày tỏ lo ngại, quý IV rất có thể lại tăng trưởng âm. Bởi trong trong quý III, tăng trưởng GDP của chúng ta đã âm 6,17%, trong khi đó năm 2020, tăng trưởng của chúng ta là 4,8% và để vượt qua con số này, trong quý IV tới, Việt Nam phải đạt  11-12% mới có thể tăng trưởng dương được. 

Tuy nhiên, ông Nghĩa khẳng định, điều này là không thể. "Tôi lo ngại trong quý cuối năm này, chúng ta có thể lại âm một lần nữa. Nếu hai quý liên tục tăng trưởng âm, theo thông lệ quốc tế đó là suy thoái. Bởi thế, chúng ta phải chuẩn bị "bài thuốc" cho suy thoái", ông Nghĩa nói.

Giải pháp nào cho tăng trưởng những tháng cuối năm?

Trong khi đó, cùng bàn về giải pháp cho nền kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ cho rằng trước mắt có 3 việc cần được ưu tiên thực hiện.

Chuyên gia kinh tế: Cần dự phòng, tìm "bài thuốc" cho suy thoái nếu quý IV tăng trưởng âm - Ảnh 3.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh Hưng Phạm.

Thứ nhất cần đẩy nhanh hơn nữa việc tiêm vaccine nếu không, tất cả mọi thứ đều sẽ phải dừng lại.  

Thứ hai, phải làm thế nào để có giải pháp đủ mạnh, thay đổi đủ lớn để cải thiện tăng trưởng. Đầu tiên tư duy kinh tế thị trường cần được thay đổi. Không thể phát triển kinh tế theo tuy duy hành chính giấy tờ như chúng ta đã và đang làm như hiện nay. Khi đưa những tiêu chí hãy để doanh nghiệp tự tuân thủ thực hiện. Không nên ép buộc như thời gian qua chúng ta đã làm. 

“Việc đưa ra tiêu chuẩn, tiêu chí rồi phải qua phường để xin là không đúng. Rồi một chủ tịch phường yêu cầu đóng cửa cả một nhà máy là hoàn toàn sai nguyên tắc", ông ung nhấn mạnh.

Thứ ba cần củng cố năng lực hệ thống y tế, đặc biệt y tế cơ sở, cần đa dạng, linh động (nhà cửa, người, thuốc).

Dưới góc nhìn của một doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch Công ty Bagico Bắc Giang cho rằng, cần phải để dân yên tâm sống chung với dịch. Tránh gây hoang mang, sợ hãi, co cụm không cần thiết. Nếu để người dân nơm nớp sợ hãi thì vòng quay đồng tiền sẽ chậm lại, khi đó không thể mang lại sự tăng trưởng. 

Chuyên gia kinh tế: Cần dự phòng, tìm "bài thuốc" cho suy thoái nếu quý IV tăng trưởng âm - Ảnh 4.

Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch Công ty Bagico Bắc Giang. Ảnh Hưng Phạm.

Bà Thực cũng rất ủng hộ các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhưng bà lưu ý nên đặc biệt ưu tiên hơn cho người lao động. Bên cạnh đó, một vấn đề rất quan trọng, theo bà Thực đó là vấn đề lưu thông. 

"Toàn bộ lưu thông phải tuân theo Nghị quyết 128 của Chính phủ. Từ trung ương, tỉnh đến cấp huyện xã chỉ cần thực thi một cách có tâm! Tôi dùng một từ là “có tâm”, bởi luật chúng ta đã có rồi, tất cả chúng ta chỉ cần thực hiện đúng. Nếu có tâm, làm có trách nhiệm thì chúng ta sẽ thành công. Và cơ hội quý cuối năm sẽ vắt từ tháng 11, 12 và tháng 1 là một cơ hội cực kỳ lớn để các doanh nghiệp phục hồi", bà Thực nói.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem