Cần Giờ: Thúc đẩy du lịch xanh gắn với trách nhiệm môi trường

Bạch Dương Thứ sáu, ngày 30/09/2022 14:58 PM (GMT+7)
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi yêu cầu Cần Giờ chú ý đến du lịch xanh để xây dựng sản phẩm du lịch mang đặc trưng riêng của huyện.
Bình luận 0
Cần Giờ: Thúc đẩy du lịch xanh gắn với trách nhiệm môi trường - Ảnh 1.

Cần Giờ là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Ảnh: P.V

Theo định nghĩa của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), du lịch bền vững là việc phát triển các hoạt động du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu hiện tại của khách và người dân bản địa trong khi vẫn quan tâm đến việc bảo tồn và tôn tạo các nguồn tài nguyên cho việc phát triển hoạt động du lịch trong tương lai. Hình thức du lịch này nhằm thỏa mãn các nhu cầu về kinh tế, xã hội, thẩm mỹ của con người nhưng vẫn duy trì được sự toàn vẹn về văn hóa, đa dạng sinh học, sự phát triển của các hệ sinh thái và các hệ thống hỗ trợ cho cuộc sống con người.

Xuyên suốt chiều dài lịch sử phát triển hơn 300 năm của TP.HCM, Cần Giờ không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho thành phố mà quan trọng hơn, vùng đất ngập mặn này còn đóng góp nhiều giá trị lớn có tính chất lâu dài.

Cần Giờ là Khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận vào năm 2000, đồng thời là khu dự trữ sinh quyển đầu tiên của Việt Nam trong mạng lưới 368 khu dự trữ sinh quyển toàn cầu. Tại đây, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy hơn 150 loài thực vật, cùng nhiều động vật quý hiếm khác tạo nên sự đa dạng sinh học cho Cần Giờ, phục vụ hiệu quả cho việc nghiên cứu khoa học.

Song song đó, với mảng xanh của mình, Cần Giờ bảo đảm đủ khả năng làm sạch và tái tạo môi trường cho một vùng rộng lớn như TP.HCM. Với các giá trị giúp nuôi dưỡng điều kiện sống trong lành, bảo toàn sự cân bằng sinh thái, Cần Giờ đích thực là điểm đến lý tưởng cho du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng.

Cần Giờ không trực tiếp tham gia vào những hoạt động kinh tế lớn của thành phố nhưng có thể xem là vùng trung chuyển giao thương hàng hải giữa thành phố và các khu vực. Những con sông lớn bao quanh Cần Giờ là các cửa ngõ giao thông đường thủy quan trọng của TP.HCM. Từ đây có thể kiểm soát được toàn bộ con đường vận chuyển hàng hóa bằng tàu thuyền ra vào thành phố, cũng như kết nối với các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang…

Nằm tại vị trí có khả năng kết nối tốt với các địa phương và vùng biển Nam Bộ cũng giúp Cần Giờ phát triển du lịch thuận tiện hơn. Tháng 1/2021, tuyến phà biển đầu tiên từ Cần Giờ đi Vũng Tàu đã chính thức hoạt động, với thời gian di chuyển ấn tượng - chỉ 30 phút, tạo cầu nối thúc đẩy kinh tế, du lịch cho TP.HCM cũng như tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Với tiềm năng to lớn kể trên, trước thời điểm đại dịch xuất hiện, huyện Cần Giờ đã phát triển được nhiều loại hình, sản phẩm du lịch, trong đó có loại hình du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng

Sau 2 năm ảnh hưởng làn sóng Covid-19, giờ đây, để phục hồi bộ mặt du lịch của huyện, Cần Giờ sẽ chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động của khu du lịch 30/4, du lịch cộng đồng ở xã đảo Thạnh An và củng cố hoạt động du lịch trên sông. Đồng thời, dự kiến lập khu chợ đêm Cần Giờ, xây dựng sản phẩm nông nghiệp đặc trưng (OCOP), sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, mô hình nông nghiệp mới như nuôi ong mật rừng…

Cần Giờ: Thúc đẩy du lịch xanh gắn với trách nhiệm môi trường - Ảnh 3.

Cần Giờ đẩy mạnh du lịch xanh gắn với bảo vệ môi trường. Ảnh: P.V

Dù vậy, tất cả sản phẩm, ý tưởng đầu tư về du lịch ở Cần Giờ phải gắn với yếu tố bảo vệ môi trường vì lẽ tất yếu, địa phương là khu dự trữ sinh quyển thế giới, có vai trò và ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh sự nóng lên toàn cầu đang tăng với tốc độ chưa từng có.

Làm việc với UBND huyện Cần Giờ, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi yêu cầu huyện cần tạo điểm nhấn để thu hút khách du lịch, trong đó, chú ý đến du lịch xanh để xây dựng sản thẩm du lịch mang đặc trưng riêng của huyện. Theo đó, huyện cần nghĩ đến câu chuyện sẽ không còn phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu bằng xăng mà là các nhiên liệu thân thiện môi trường.

Huyện cần phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc đẩy mạnh việc quy hoạch, trong đó chú ý đến việc quản lý đất rừng, phải giữ và phát triển rừng. Đối với diện tích đất làm muối, đất nuôi trồng thủy sản cần phải tính toán, quy hoạch lại cho cân đối và cập nhật vào quy hoạch chung của huyện. Đối với các dự án phù hợp quy hoạch, phù hợp ý tưởng mà đang cấp thiết thì cần phải xem xét từng dự án.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem