“Cần một tư duy công nghiệp trong sản xuất nông nghiệp!”

TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội Thứ năm, ngày 27/10/2016 14:00 PM (GMT+7)
Tham dự Hội thảo Tín dụng ngân hàng thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp vào ngày 30.10 tới đây, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội gửi tới Hội thảo bài viết về những giải pháp xung quanh vấn đề khởi nghiệp nông nghiệp.
Bình luận 0

Hãy khởi nghiệp từ nông nghiệp

Từ tháng 6.2016 đến nay vấn đề khởi nghiệp của doanh nghiệp đang thu  hút sự quan tâm của  toàn xã hội.

Trong công nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp có thể bắt nguồn từ ý tưởng, bắt nguồn từ việc có vốn, tuy nhiên, nếu chỉ có vốn mà không có ý tưởng, hay chỉ có sức lao động mà không có ý tưởng thì cũng không thành lập được doanh nghiệp khởi nghiệp. Ý tưởng chính là khởi nguồn, là điều kiện tiên quyết để thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ.

img

TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội

Nhìn vào thực trạng khu vực nông thôn của chúng ta hiện nay tuyệt đại đa số nông dân Việt Nam là kinh tế nhỏ, hộ gia đình. Từ khi thực hiện phong trào khoán theo nghị quyết 10 của Bộ Chính trị về khoán sản phẩm trong nông nghiệp, đất đai ở miền Bắc được chia theo nguyên tắc bình đẳng, chia ruộng theo “đồng gần đồng xa, có xấu có tốt”, nên dẫn tới tình trạng từ Quảng Bình trở ra, 1 hộ nông dân sẽ có từ 5 - 6 mảnh ruộng.

Trong thời gian vừa qua khi phát hiện những bất cập này, chúng ta đã thực hiện nhiều phương án để giải quyết như “dồn điền đổi thửa” miền bắc, “cánh đồng mẫu lớn” ở miền nam để tập trung ruộng đất, nhưng tính ra bình quân vẫn chỉ là 2,6 mảnh/1 hộ, cùng với khả năng tích tụ của người nông dân là rất thấp.

Nếu chúng ta nhìn nhận các tổ chức tín dụng cho vay là một loại hình doanh nghiệp khởi nghiệp, thì việc các quỹ tín dụng nhân dân, NHTM cổ phần nâng cao chuẩn vay, trong đó có tài sản thế chấp là bình thường trong nền kinh tế thị trường. Chúng ta phải thấy rằng vấn đề ở đây là người nông dân nếu chỉ sản xuất theo từng hộ thì đi vay ngân hàng là rất khó vì tài sản thế chấp của họ gần như không có, phương thức sản xuất không thể áp dụng công nghệ do diện tích ruộng đất nhỏ, sản xuất lúa hay bất cứ cây gì đều rất khó khăn.

Khi đi kiểm tra các hộ nông dân làm nông thôn mới, chúng tôi đã phát hiện, ngay ở Sơn La 1 tỉnh miền núi phía bắc, tỉ lệ đất nông nghiệp sản xuất lúa là rất nhỏ, người ta đã chuyển sang trồng cây công nghiệp, cây ăn quả rất hiệu quả. Có hộ thu nhập trung bình mỗi năm là 800 triệu đến 1 tỷ đồng trên 5 ha diện tích, và chỉ cần 3 lao động trong hộ gia đình. Để làm được điều này, trước hết họ tích tụ được ruộng đất, để có đất tập trung trồng cỏ phục vụ chăn nuôi bò, trồng cam, cây ăn quả, trồng thanh long và đặc biệt áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt nhập từ Isarel.

Như vậy họ gần như không phải đi vay tiền của ngân hàng để hoạt động, họ chỉ vay đúng năm đầu tiên là để nhập hệ thống tới nhỏ giọt khoảng 60 triệu đồng và vay nhập đàn bò, giống cỏ. Tính ra, sau 1 năm họ đã trả được tiền vay nhập công nghệ tưới, sau 3 năm trả được tiền đàn bò, đó là ưu điểm của sản xuất tập trung.

Tránh hiểu lầm NHNN phải hỗ trợ nông dân vay vốn!

Quay trở lại với bài toán nông nghiệp hiện nay, nếu chỉ nhìn vào bài toán thế chấp của người nông dân để đi vào tìm hướng giải quyết khó khăn trong tiếp cận tín dụng hiện nay là bất hợp lý. Chúng ta không thể hay đúng hơn là không có quyền đòi hỏi TCTD hay ngân hàng hạ chuẩn cho vay với nông dân, mà TCTD chỉ có thể điều chỉnh thời gian cho vay theo chu kỳ phát triển nông nghiệp và quy định lãi suất vay theo tình hình kinh tế vĩ mô, năng lực thực tế của TCTD.

img

Cần làm rõ điều này để tránh cách hiểu sai lầm rằng Ngân hàng nhà nước hay Nhà nước phải hỗ trợ cho nông dân vay. Nên chăng đặt vấn đề là người nông dân có ý tưởng mới trong sản xuất nông nghiệp, cần thực hiện liên kết lại với nhau để hình thành những diện tích đất lớn nhằm thực hiện sản xuất theo quy mô công nghiệp, áp dụng được khoa học công nghệ.

Một ví dụ điển hình ở Kiến An, An Lão, Thành phố Hải Phòng, nhiều doanh nghiệp ở thành phố đã về nông thôn thuê đất của người nông dân để trồng ớt xuất khẩu. Yêu cầu họ đặt ra là tập hợp được trên 30 ha đất tập trung, sau đó họ thuê và đưa vào sử dụng sản xuất. Cùng với đó, họ thuê luôn người nông dân làm công nhân nông nghiệp trên mảnh đất đó với mức tiền công trung bình 100.000 đồng/ngày thường, 150.000 đồng/ngày vụ thu hoạch. Vậy là ngoài tiền cho thuê đất, nông dân còn được trả lương cho công việc hằng ngày là chăm sóc ớt trên mảnh ruộng của mình. Những người nông dân riêng lẻ đã không còn phải đối mặt với việc gồng mình lên để đi vay sản xuất nông nghiệp.

Vì thế muốn giải quyết được vấn đề tín dụng cho nông dân, cần phải tập thể hóa trong nông nghiệp và đó là trách nhiệm của hội nông dân, chính quyền. Các tổ chức này cần tuyên truyền cho người nông dân hiểu và đưa ra phương thức hợp lý để giúp họ. Nếu chúng ta không đưa ra được phương án kinh doanh công nghiệp vào nông nghiệp với từng hộ nông dân cá thể, sẽ lặp lại bài toán nông dân không tiếp cận được công nghệ, sản xuất đình đốn và có thể nông dân lại bỏ ruộng hoang như ở nhiều địa phương như vừa qua.

Để thực hiện được việc tập trung ruộng đất, áp dụng công nghiệp và nông nghiệp, có lẽ chúng ta phải hình thành một ngân hàng đất, ngân hàng đất này có thể phác họa ra mô hình như một cơ quan nhà nước, được nhà nước thành lập, nhận ruộng của người nông dân, giống như thuê lại đất của người nông dân rồi cho các doanh nghiệp muốn đầu tư vào nông nghiệp thuê lại đất của nhà nước.

Nó sẽ như ngân hàng xã hội đất, là doanh nghiệp dịch vụ công không lợi nhuận, hoặc có thì là dựa trên kết quả kinh doanh đất của doanh nghiệp. Lúc này người nông dân sẽ yên tâm rằng ruộng của họ vẫn còn, nó không mất đi như khi giao đất cho khu công nghiệp, nhưng người ta lại cũng giải quyết được việc làm, có thu nhập. Đây là một phương cách để người nông dân ly nông bất ly hương, trở thành người công nhân nông nghiệp, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư lớn vào trong nông nghiệp, bao gồm đầu tư về vốn, về đất nông nghiệp, về công nghệ làm ra các sản phẩm đưa ra thị trường. Lúc đấy nhà nước và các TCTD mới có khả năng để cho doanh nghiệp nông nghiệp vay đầu tư khoa học công nghệ, đầu tư vốn, nhà nước có thể hỗ trợ lãi suất bằng 0 trong vòng 3 năm đầu cho doanh nghiệp. Như vậy mới giải được bài toán muôn thuở, người nông dân tiếp cận các tổ chức tín dụng đã khó, thủ tục cho vay lại phức tạp, yêu cầu lãi suất cao vì đầu tư vào nông nghiệp thường rủi ro lớn.

Cho tới thời điểm này, vẫn chưa làm cuộc cách mạng công nghiệp thực sự trong nông nghiệp mà chúng ta đang trong quá trình làm lại kinh tế tập thể như đã thực hiện quá trình hợp tác xã của những năm 60 của thế kỷ trước, bởi cho tới thời điểm này lực lượng sản xuất đã thay đổi nhưng quan hệ sản xuất còn chưa thay đổi.

Cần  xác định rằng thực hiện công nghiệp hóa nông thôn là đem tư duy công nghiệp vào sản xuất nông nghiệp, chứ không phải cứ mang máy móc vào sản xuất đã là công nghiệp hóa. Cần  đem quan hệ sản xuất, tư duy sản xuất công nghiệp vào nông nghiệp như vậy mới bình đẳng giữa các tổ chức tín dụng với người nông dân, mới có tiếng nói bình đẳng, để làm đối trọng với thực thể nhà đầu tư ngân hàng.

Theo số liệu điều tra cập nhật, 90% đất nông nghiệp đã chia cho nông dân, 6% là thuộc đất doanh nghiệp. Trong đó, theo số liệu công bố năm 2011, có tới 35% số hộ nông dân Việt Nam có diện tích đất sản xuất rất nhỏ, dưới 6 sào bắc bộ (chưa được 2.000 m2). Với thực trạng về nền sản xuất đất nông nghiệp phân bổ tư liệu sản xuất như thế thì nông dân gần như không có khả năng tiếp cận đến một nền công nghiệp sản xuất lớn, theo hướng hiện đại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem