Cần sớm gỡ thẻ vàng IUU để tránh ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam và sinh kế của ngư dân

Minh Ngọc Thứ năm, ngày 27/10/2022 13:06 PM (GMT+7)
Theo đại biểu Lê Anh Tuấn, nếu không sớm gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu sẽ tác động đến hình ảnh, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế cũng như thiệt hại về kinh tế trên lĩnh vực thủy sản, tác động trực tiếp đến đời sống, sinh kế của ngư dân.
Bình luận 0

Sáng 27/10, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại Quốc hội, đại biểu Lê Anh Tuấn – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh cho biết, gỡ bỏ thẻ vàng Ủy ban châu Âu đối với ngành thủy sản Việt Nam là một trong những vấn đề đối ngoại mà chúng ta cần nhanh chóng tìm ra giải pháp xử lý hiệu quả. Bởi vì nếu để tình trạng này kéo dài sẽ gây ra những tác động không nhỏ đối với hình ảnh, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế cũng như những thiệt hại về kinh tế trong lĩnh vực thủy sản, tác động trực tiếp đến đời sống sinh kế của một bộ phận ngư dân Việt Nam.

Đại biểu cho biết, tình trạng ngư dân Việt Nam đánh bắt cá bất hợp pháp không được báo cáo và không được kiểm soát đã diễn ra nhiều năm. Tháng 5/2017, Ủy ban châu Âu đã cảnh báo và yêu cầu ngăn ngừa và loại bỏ tình trạng này. Đến tháng 10/2017, Ủy ban châu Âu đã chính thức "rút" thẻ vàng đối với ngành thủy sản Việt Nam với lý do là những nỗ lực của Việt Nam là chưa đủ và chưa hiệu quả.

Trước tình hình đó, Việt Nam đã áp dụng nhiều biện pháp mạnh mẽ nhưng thẻ vàng của Ủy ban châu Âu vẫn chưa được gỡ bỏ. Thậm chí, với các vụ việc vi phạm gần đây của tàu cá Việt Nam ở một số vùng biển có thời điểm có thể dẫn đến việc Ủy ban châu Âu sử dụng thẻ đỏ đối với ngành thủy sản. 

Nếu như vậy thì tất cả các sản phẩm thủy sản từ khai thác của Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu vào EU và rất có thể cũng bị nhiều nước khác trên thế giới áp dụng tương tự. Khi đó thiệt hại kinh tế là sẽ rất lớn.

Cần sớm gỡ thẻ vàng IUU để tránh ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam và sinh kế của ngư dân - Ảnh 1.

Đại biểu Lê Anh Tuấn – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh, đề xuất giải pháp gỡ bỏ thẻ vàng đối với ngành thủy sản của Việt Nam. Ảnh: Quochoi

Đại biểu Lê Anh Tuấn dẫn chứng số liệu, từ 2019 đến nay đã có 343 vụ với 557 tàu cá của Việt Nam bị các nước xử lý. Trong các vụ việc nêu trên có tới 123 vụ, với 188 tàu cá, chiếm tới hơn 1/3 tổng số vụ và tổng số tàu cá của Việt Nam bị bắt giữ, xử lý tại các vùng nước lịch sử và tại khu biển chồng lấn chưa được phân định. 

Như vậy việc bắt giữ tàu cá của ngư dân Việt Nam đến khai thác ở những vùng biển chồng lấn cần được đánh giá, xem xét lại một cách công bằng, khách quan, bảo đảm đúng với Công ước Luật Biển 1982.

Cần sớm gỡ thẻ vàng IUU để tránh ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam và sinh kế của ngư dân - Ảnh 2.

Sáng 27/10, các đại biểu thảo luận tại Hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Ảnh: Quochoi

Trước tình hình trên, đại biểu Lê Anh Tuấn kiến nghị với Chính phủ ngoài việc tiếp tục tăng cường quản lý tàu cá, cần tuyên tuyền nâng cao hơn nữa nhận thức của ngư dân và các cơ quan quản lý, các lực lượng chuyên trách thực thi pháp luật trên biển về thực trạng ranh giới biển trên biển Đông, bao gồm: ranh giới đã được xác định theo Công ước Luật Biển 1982, phạm vi các khu vực biển, thềm lục địa đang trong tình trạng tranh chấp bất đồng, chưa phân biệt rõ ràng đâu là vùng chồng lấn, đâu là vùng nước lịch sử, đâu là vùng biển cả, vùng di sản chung của nhân loại. 

Đồng thời, Chính phủ cần tiếp tục và hoàn thiện các phương án, đưa ra các kịch bản khác nhau phù hợp với thực tế từng vùng biển để ngư dân khi tiến hành hoạt động trên biển phải tuân thủ, chủ động ứng xử.

Đẩy mạnh đàm phán, hoạch định vùng chồng lấn với các nước liên quan để sớm có đường phân định cuối cùng hoặc thỏa thuận áp dụng giải pháp tạm thời, hợp tác phát triển chung vùng chồng lấn, đảm bảo công bằng về quyền và nghĩa vụ cho các bên. 

Đồng thời xúc tiến đàm phán với các bên liên quan, các tổ chức quốc tế trong và ngoài khu vực để sớm đạt được các thỏa thuận bảo vệ khai thác nguồn tài nguyên sinh vật trong các vùng đặc quyền kinh tế theo quy định Công ước Luật Biển 1982.

Cùng với đó, chủ động và sớm trao đổi một cách chính thức và rõ ràng với Ủy ban châu Âu và các tổ chức quốc tế khác có liên quan về thực trạng bất đồng, tranh chấp ở biển Đông để họ hiểu rõ tính chất phức tạp và giá trị của các ranh giới biển, vùng chồng lấn trên biển Đông, từ đó làm rõ quan điểm của Việt Nam trước những ứng xử thiếu khách quan, thậm chí vi phạm quy định của Công ước Luật Biển 1982 cũng như thỏa thuận song phương hay đa phương trong khu vực.

Riêng đối với những trường hợp tàu cá và ngư dân đã và đang bị nước ngoài bắt giữ ở vùng nước lịch sử, các khu vực biển chồng lấn thì các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cần có phản ứng kịp thời để đấu tranh, thực hiện tốt công tác bảo hộ công dân, nhanh chóng lên tiếng bằng các hình thức khác nhau với các quốc gia và các tổ chức quốc tế liên quan.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem