Cẩn trọng với "bẫy" lừa đảo đa cấp qua ví điện tử Payasian

Quỳnh Chi Thứ tư, ngày 09/10/2019 12:55 PM (GMT+7)
Ví điện tử Payasian được quảng cáo có chức năng thanh toán trực tuyến mọi loại tiền tệ của các quốc gia trên thế giới, tuy nhiên, thực tế hoạt động của ứng dụng này đang có dấu hiệu huy động vốn, kinh doanh đa cấp trái phép, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bình luận 0

img

Công an TP Hà Nội khuyến cáo người dân cảnh giác tránh mất tiền oan khi nạp tiền vào ví điện tử Payasian

Công an TP Hà Nội cho biết, từ đầu năm 2019, tại Việt Nam xuất hiện hoạt động của ví điện tử Payasian, đồng thời khuyến cáo người dân cảnh giác để tránh bị đối tượng xấu lợi dụng, mất tiền oan khi nạp tiền vào ví điện tử Payasian.

Công ty cổ phần Payasian có đăng ký kinh doanh số 0314830202 do Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 10/1/2018; địa chỉ trụ sở công ty đặt tại 137 Hoàng Văn Thụ, phường 8, quận Phú Nhuận, TP.HCM.

Theo lời quảng cáo, chỉ cần đầu tư mua đồng tiền ảo có tên là PayA ở trong ví điện tử Payasian, vài năm sau người đầu tư sẽ nhận lãi lớn. Ngoài ra, người chơi còn được hứa hẹn nhận hoa hồng rất cao nếu mời thêm được nhà đầu tư mới.

Cụ thể, để tham gia, người đầu tư phải nộp số tiền tối thiểu là 100 USD tiền quỹ bảo chứng (quy đổi ra tiền PayA). Khi bảo chứng xong thì người đầu tư (F0) sẽ được hoàn lại từ 20-25% số PayA đã bảo chứng. Số tiền này sẽ được bán ra hoặc tiếp tục được mang vào bảo chứng.

Sau đó, khi giới thiệu người đầu tư là F1 tham gia, F0 sẽ được 30% số tiền bảo chứng mà F1 được hoàn lại. Đồng thời, người tham gia mời được những người F2 thì sẽ được 20% số tiền bảo chứng của người sau theo hình kim tự tháp. Tất cả hoa hồng đều được trả bằng tiền ảo từ quỹ bảo chứng.

Tuy nhiên, thực tế khi khách hàng nạp tiền vào ứng dụng, họ không được hưởng ưu đãi gì ngoài tờ giấy có ghi họ tên và mã số. Đồng thời, số tiền nạp vào cũng không thể sử dụng, có nguy cơ sẽ không lấy lại được tiền.

Theo Công an thành phố Hà Nội, Payasian là ứng dụng ví điện tử thanh toán mobile, cho phép chuyển đổi giữa các tiền tệ quốc gia và tiền điện tử.

img

Tham gia ví điện tử Payasian, người chơi còn được hứa hẹn nhận hoa hồng rất cao nếu mời thêm được nhà đầu tư mới

Payasian xuất hiện tại Việt Nam từ đầu năm 2019 và được quảng cáo có chức năng thanh toán trực tuyến mọi loại tiền tệ của các quốc gia trên thế giới.

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong tổng số 30 tổ chức được cấp phép dịch vụ trung gian thanh toán không phải ngân hàng, không có tổ chức nào có dịch vụ ví điện tử có tên gọi Payasian.

Theo Sở Công Thương thành phố Hà Nội, Công ty cổ phần Payasian chưa được Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.

Theo quy định tại Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp chỉ được thực hiện đối với hàng hóa.

Mọi hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp với đối tượng không phải là hàng hóa đều bị cấm. Doanh nghiệp muốn hoạt động bán hàng đa cấp phải được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.

Như vậy, theo Công an thành phố Hà Nội, ví điện tử PayA hiện chưa được cơ quan chức năng cấp phép, số tiền nạp vào ví điện tử PayA không thể sử dụng.

Hoạt động của Công ty cổ phần Payasian có dấu hiệu huy động vốn, kinh doanh đa cấp trái phép và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia tài chính - ngân hàng Cấn Văn Lực cho rằng, các "ví điện tử" được nói đến chỉ là những tài khoản hay ví điện tử tại sàn giao dịch tiền kỹ thuật số đặt ở nước ngoài được sử dụng để nhà đầu tư chuyển tiền bằng tiền pháp định (fiat currency) hoặc đồng tiền kỹ thuật số đã được lưu hành khác. Điểm này hoàn toàn khác với việc đầu tư vào các công ty cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán (trong đó có ví điện tử) được cấp phép hoạt động tại Việt Nam hiện nay như Momo, Moca… Bên cạnh đó, từ “lãi suất” cũng sử dụng không chính xác. Đây được xem là lợi nhuận dự kiến mang lại từ kỳ vọng đồng tiền kỹ thuật số sẽ tăng giá trong tương lai.

“Về bản chất, đây là hoạt động đầu tư vào dự án nghiên cứu phát triển một đồng tiền kỹ thuật số xét trên góc độ nhà đầu tư và là nghiệp vụ gọi vốn cộng đồng (crowdfunding) xét trên góc độ công ty gọi vốn. Dự án gọi vốn ở đây là một đồng tiền kỹ thuật số chưa đi vào lưu hành. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là gọi vốn đầu tư đa cấp” – ông Lực nói.

Tiền điện tử là tiền được lưu trữ bằng các công cụ/phương tiện điện tử như ví điện tử, tài khoản ngân hàng… Bản chất của tiền điện tử vẫn là tiền và được pháp luật bảo vệ, hay nói cách khác tiền điện tử có giá trị nội tại.

Hiện nay pháp luật Việt Nam chưa thừa nhận tiền kỹ thuật số cũng như các hoạt động gọi vốn cộng đồng. Do đó có thể nói khả năng lấy lại tiền là rất thấp, gần như không thể khi số tiền thường được chuyển ra nước ngoài. Đặc biệt việc chuyển tiền thông qua các ví điện tử đặt tại nước ngoài nên việc tìm ra nguồn tiền lại càng trở nên khó khăn hơn.

“Người dân cũng cần nâng cao kiến thức, hiểu biết về tài chính và đề cao cảnh giác với những lời chào mời đầu tư có tỷ lệ sinh lời rất cao. Vấn đề này đã được cảnh báo rất nhiều lần, nhưng đáng tiếc là vẫn liên tục có những trường hợp sập bẫy lừa đảo” – ông Lực lưu ý.

Kinh doanh đa cấp tiền ảo bùng nổ từ thành thị  tới nông thôn

Gắn mác công nghệ 4.0, những “ông chủ đa cấp” đã sử dụng tiền ảo thành một hình thức để kinh doanh đa cấp online....

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem