Căng thẳng Nga - Mỹ ở Bắc Cực làm dấy lên nhiều lo ngại

Lê Phương (Express) Thứ bảy, ngày 27/08/2022 11:28 AM (GMT+7)
Hôm 26/8, Mỹ thông báo rằng họ sẽ tăng cường sự hiện diện của mình ở khu vực Bắc Cực.
Bình luận 0
Căng thẳng Nga - Mỹ ở Bắc Cực làm dấy lên nhiều lo ngại - Ảnh 1.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tại diễn đàn kỹ thuật quân sự quốc tế vào đầu tháng này (Ảnh: Getty Images)

Mới đây, Washington đã quyết định bổ nhiệm một đại sứ mới tại Bắc Cực để thúc đẩy các lợi ích của Mỹ. Theo The Daily Mail, một người phát ngôn nói rằng đại sứ sẽ làm việc với một loạt các tổ chức chính phủ và phi chính phủ, bao gồm cả các nhóm bản địa.

Nguồn tin cho biết: "Đại sứ tại Bắc Cực sẽ thúc đẩy chính sách của Mỹ ở khu vực này, tham gia với các đối tác ở các quốc gia Bắc Cực và không thuộc Bắc Cực cũng như các nhóm bản địa, đồng thời làm việc chặt chẽ với các bên liên quan trong nước, bao gồm nhà nước, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức học thuật, tổ chức phi lợi nhuận, các cơ quan chính phủ liên bang khác cũng như Quốc hội".

Động thái này phản ánh mối quan ngại ngày càng tăng ở Washington rằng Nga và Trung Quốc đang giành quyền tiếp cận các tài sản chiến lược ở Bắc Cực, chẳng hạn như thương mại đường thủy và kiểm soát lãnh thổ.

Người ta ước tính rằng có 30 nghìn tỷ USD tài nguyên bên dưới bề mặt Bắc Cực.

Thời gian qua, Nga đã xây dựng 13 căn cứ quân sự mới trong khu vực, một số căn cứ trên các địa điểm thời Liên Xô. Moscow cũng tăng cường các cuộc tuần tra bằng máy bay đánh chặn Mig-31BM Foxhound và máy bay ném bom Tu-22M3 xuất kích từ các căn cứ này.

Trong những năm gần đây, nước này cũng phát triển các hệ thống phòng không tầm xa S-400 và tầm trung SA-17.

NATO bày tỏ lo ngại về ảnh hưởng quân sự ngày càng tăng của Moscow ở Bắc Cực.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã đến khu vực Bắc Cực ở Canada trong tuần này để đánh giá khả năng phòng thủ của Ottawa trước một cuộc tấn công có thể xảy ra từ Moscow.

Cụ thể, ông Stoltenberg đã đến thăm trạm radar của Hệ thống Cảnh báo Phương Bắc ở Vịnh Cambridge, Nunavut. Căn cứ này sẽ được hiện đại hóa như một phần của quá trình tân trang lại hệ thống phòng không Bắc Mỹ NORAD.

Cựu Thủ tướng Na Uy cảnh báo rằng Bắc Cực sẽ là "con đường ngắn nhất" cho một cuộc tấn công của Nga trong một bài luận đánh dấu chuyến thăm của ông.

Ông nói: "Con đường ngắn nhất đối với tên lửa hoặc máy bay ném bom của Nga tới Bắc Mỹ sẽ là qua Bắc Cực. Điều này làm cho vai trò của NORAD trở nên quan trọng đối với Bắc Mỹ và NATO".

Ông Stoltenberg cũng tiếp tục đưa ra cảnh báo về ý định của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong khu vực.

Ông nói: "Tháng trước, Tổng thống Putin đã đưa ra một chiến lược hải quân mới cam kết bảo vệ vùng biển Bắc Cực 'bằng mọi cách', bao gồm tăng cường hoạt động xung quanh quần đảo Svalbard của Na Uy và trang bị các hệ thống tên lửa Zircon siêu thanh cho Hạm đội phương Bắc. Mới tuần trước, Nga đã tiết lộ kế hoạch về một tàu tuần dương mang tên lửa chiến lược mới cho các hoạt động ở Bắc Cực. Khả năng của Nga trong việc phá vỡ quân tiếp viện của Đồng minh trên khắp Bắc Đại Tây Dương là một thách thức chiến lược đối với NATO".



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem