Căng thẳng Nga - Saudi Arabia leo thang đẩy giá dầu đến "miệng núi lửa"
Trước đó, OPEC+ dự kiến sẽ thảo luận về thị trường dầu vào Thứ Hai 6/4 sau khi Tổng thống Donald Trump mở ra kỳ vọng Nga - Saudi Arabia đồng ý thỏa thuận cắt giảm sản lượng tới 15 triệu thùng dầu. Đích thân Tổng thống Trump hồi tuần trước đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin và Hoàng tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman để thảo luận các vấn đề khi giá dầu giảm sâu thủng ngưỡng 20 USD/ thùng.
Sau tuyên bố của Trump, giá dầu đã tăng mạnh gần 25% trong phiên giao dịch hôm 2/4 và tăng thêm 12% trong phiên giao dịch 3/4 sau đó một ngày. Kết thúc tuần, giá dầu tăng 32%, chấm dứt chuỗi giảm 5 tuần liên tiếp nhờ kỳ vọng thị trường dầu bình ổn trở lại trong thời gian tới.
Giá dầu WTI đã giảm 40% trong tháng trước sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát phá vỡ nhu cầu dầu trên toàn cầu, còn cuộc chiến giá dầu giữa Nga và Saudi Arabia mở ra nguy cơ nguồn cung tăng vọt. Do đó, khi Trump mở ra kỳ vọng cắt giảm sản lượng dầu lên tới 15 triệu thùng/ ngày, tức tương đương khoảng 10% nguồn cung dầu thế giới, thị trường gần như được thổi một làn gió mới đầy lạc quan.
Nhưng giờ đây, các cuộc thảo luận bị trì hoãn có thể đẩy giá dầu “đến miệng núi lửa” thêm một lần nữa, nhận định của nhà kinh tế John Kilduff từ Capital Economics. “Có rất nhiều sự lạc quan đã được khơi dậy trên thị trường vào hai phiên giao dịch cuối tuần trước. Nhưng khi căng thẳng Nga - Saudi Arabia tăng lên, có vẻ như sự lạc quan này khó duy trì được lâu”.
Cả Saudi Arabia và Nga đã tìm kiếm sự hợp tác của Mỹ trong việc cân bằng nguồn cung dầu trên thế giới, khi sản lượng dầu Mỹ sản xuất mỗi ngày vẫn đang tiệm cận mức kỷ lục. Nhưng có ít dấu hiệu Mỹ sẽ tham gia cắt giảm sản lượng cùng Nga và Saudi Arabia. Trong cuộc họp với nhà lãnh đạo cấp cao các tập đoàn dầu mỏ lớn của Mỹ hôm 3/4 tại Nhà Trắng, đã không có thỏa thuận nào được đưa ra liên quan đến hợp tác cắt giảm sản lượng dầu. Tổng thống Trump chỉ hướng các công ty đến sản lượng và giá cả phù hợp với nhu cầu thị trường, theo nguyên tắc tự do thương mại mà Mỹ theo đuổi.
Trong cuộc họp OPEC+ hồi tháng 3, OPEC đã đề xuất cắt giảm thêm 1,5 triệu thùng dầu mỗi ngày trong nỗ lực bù đắp sự sụt giảm nhu cầu dầu gây ra bởi đại dịch Covid-19. Nhưng Nga đã từ chối việc cắt giảm thêm, khiến cuộc họp rơi vào bế tắc. Để trả đũa Nga, Saudi Arabia - quốc gia đóng vai trò nòng cốt trong OPEC đã tuyên bố giảm giá dầu và đẩy sản lượng dầu lên 12,3 triệu thùng kể từ tháng 4, mở ra cuộc chiến tranh giá dầu với Nga. Thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu 2,1 triệu thùng trước đó cũng kết thúc vào cuối tháng 3 mà không được gia hạn. Điều này đồng nghĩa với việc kể từ tháng 4, các quốc gia được quyền sản xuất bao nhiêu dầu mỏ tùy ý mà không phải chịu bất kỳ hạn ngạch hay thỏa thuận cắt giảm sản lượng nào.
Căng thẳng Nga - Saudi Arabia từ đó đến nay liên tục leo thang. Trong các bình luận cuối tuần trước, Tổng thống Nga Putin đổ lỗi Saudi Arabia chịu trách nhiệm chính cho sự sụp đổ giá dầu khi rút khỏi thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu trước đó mà không gia hạn thêm; đồng thời tuyên bố giảm giá và tăng sản lượng dầu kể từ tháng 4.
Saudi Arabia sau đó phản bác lại. Trong một tuyên bố hôm 4/4, Bộ trưởng Ngoại giao Saudi Arabia Faisal bin Farhan chỉ trích các bình luận của ông Putin là sai sự thật. Hoàng tử Abdulaziz bin Salman cũng tỏ ra giận dữ trước bình luận của Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak rằng Saudi Arabia đang chĩa mũi nhọn vào ngành công nghiệp dầu đá phiến Mỹ bằng sự giảm giá như vậy. Bộ trưởng Ngoại giao Saudi Arabia lưu ý rằng Saudi Arabia hiện là một trong những nhà đầu tư lớn vào ngành công nghiệp dầu đá phiến ở Mỹ.
Helima Croft, nhà nghiên cứu toàn cầu tại RBC nhận định: “Thị trường hiện tại đang đối mặt với hai vấn đề. Thứ nhất, sau tuyên bố của Trump, có vẻ không có bất kỳ cam kết cắt giảm sản lượng nào được đưa ra. Thứ hai, chúng ta có vẻ đang đối diện với một rạn nứt ngoại giao mới giữa Nga và Saudi Arabia khi Bộ trưởng Saudi Arabia chỉ trích phát ngôn của Bộ trưởng Nga rằng Saudi Arabia đang chĩa mũi nhọn vào ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ”.
Victor Shum, phó chủ tịch tư vấn năng lượng tại IHS Markit nhận định giá dầu vẫn có nguy cơ chạm đáy 10 USD/ thùng trong tháng 4 và duy trì ở mức đó suốt quý II. “Có rất ít cơ hội mở ra bất kỳ thỏa thuận nào của OPEC+ để cứu thị trường dầu thô khỏi những thiệt hại nặng nề từ đại dịch Covid-19. Tôi nghĩ rằng bất kỳ cuộc thảo luận nào về việc cắt giảm mạnh sản lượng dầu cũng là quá muộn để cứu thị trường”.