Căng thẳng thương mại Nhật - Hàn: Xung đột có nguy cơ kéo dài?

09/07/2019 22:29 GMT+7
Căng thẳng thương mại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp tục được đẩy lên cao có nguy cơ làm gián đoạn chuỗi cung ứng smartphone và con chíp toàn cầu, sau khi Seoul bị các phương tiện truyền thông Nhật Bản tố cáo việc vận chuyển hóa chất quan trọng đến Triều Tiên.

Căng thẳng thương mại Nhật Hàn: đã châm ngòi từ nhiều thập kỷ

Sự căng thẳng giữa hai quốc gia đã được châm ngòi từ Thế chiến II, khi người lao động Hàn Quốc bị ép làm việc cho các công ty Nhật. Trong khi Nhật Bản cho rằng vấn đề cưỡng ép lao động đã được giải quyết triệt để năm 1965, khi hai nước khôi phục quan hệ ngoại giao, thì Hàn Quốc vẫn cho rằng những nỗ lực của chính quyền Nhật là chưa đủ. Hồi năm ngoái, tòa án Hàn Quốc đã xử tập đoàn thép Nippon của Nhật Bản phải bồi thường cho mỗi nạn nhân 1 tỷ won (hơn 82.000 USD) do các cáo buộc cưỡng ép lao động thời chiến.

Một khía cạnh nhạy cảm khác, là việc phụ nữ Hàn Quốc bị lạm dụng trong các nhà thổ quân sự của Nhật suốt vài thập kỷ diễn ra Thế chiến II, điều khiến người dân Hàn phẫn nộ. Họ cho rằng số tiền bồi thường 1 tỷ yên (khoảng 9,4 triệu USD) mà Chính phủ Nhật đưa ra năm 2015 là không thể bù đắp những gì phụ nữ Hàn đã phải trải qua trong suốt những năm tháng đen tối ấy.

Mâu thuẫn trở nên tồi tệ hơn vào tuần trước khi Tokyo bất ngờ tuyên bố thắt chặt xuất khẩu 3 loại hóa chất quan trọng bao gồm  polyimide, polymer và hydro florua. Kể từ ngày 11.7, các công ty Nhật sẽ phải xin giấy phép để xuất khẩu các hóa chất dùng trong sản xuất chất làm lạnh, dược phẩm, chế tác kim loại và chế phẩm bán dẫn sang Hàn Quốc. Tokyo còn thẳng tay loại Hàn Quốc khỏi “danh sách trắng”, tức là danh sách các quốc gia có hệ thống kiểm soát, quản lý xuất khẩu đáng tin cậy. 

Nguyên nhân được một thành viên cấp cao dưới quyền Thủ tướng Shinzo Abe tiết lộ, một lượng lớn hydro florua Nhật Bản xuất khẩu sang Hàn Quốc cuối cùng đã được chuyển đến Triều Tiên. Đây là loại hóa chất có thể được sử dụng trong sản xuất vũ khí hóa học.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại Hội nghị thượng đỉnh G20

Xung đột có nguy cơ kéo dài?

Động thái hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản được đánh giá là đòn giáng mạnh lên các đế chế công nghệ như Samsung, SK Hynix… Ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ công nghiệp Hàn Quốc Sung Yun-mo đã lên tiếng kêu gọi Nhật Bản dừng ngay các luận điệu và hành động vô căn cứ. Ông Sung cũng tiết lộ Seoul hiện chưa đưa ra biện pháp đối phó cụ thể, nhưng sẽ xem xét mọi hành động cần thiết để bảo vệ các công ty Hàn Quốc trước nguy cơ thương chiến.

Vị Bộ trưởng cũng tiết lộ Nhật Bản và Hàn Quốc đang sắp xếp một cuộc đàm phán vào thứ Sáu ngày 12.7 tới đây. Còn ngày mai 10.7, Tổng thống Moon Jae-in sẽ gặp 30 nhà lãnh đạo các tập đoàn lớn của Hàn Quốc để chuẩn bị các phương án đối phó một khi thương chiến leo thang.

Nhật Bản hiện bỏ ngỏ khả năng áp dụng các biện pháp trừng phạt tiếp theo với Hàn Quốc. Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Ahmedhige Seko khẳng định: "Các biện pháp trừng phạt bổ sung của Nhật Bản có được thực hiện hay không hoàn toàn phụ thuộc vào phản ứng của Hàn Quốc, và sự hạn chế xuất khẩu này hoàn toàn không vi phạm các quy tắc của Tổ chức Thương mại thế giới WTO."

Về phía Hàn Quốc, nước này đang thúc giục cả WTO và Washington vào cuộc để giải quyết xung đột với phía Nhật Bản. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm 8.7 đã lên tiếng kêu gọi Nhật Bản rút lại các hạn chế thương mại, cảnh báo Hàn Quốc không loại trừ việc sử dụng các biện pháp đối phó nếu cần thiết. Một quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng dự kiến sẽ thảo luận vấn đề này với người đồng cấp Mỹ.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục