Cao Bằng: Đáng ngại, dân trồng nhiều cây gỗ quý thế mà bán không ai mua, có nguy cơ làm củi đốt

Chiến Hoàng Thứ bảy, ngày 06/03/2021 06:31 AM (GMT+7)
Dù có giá trị cao, nhưng nhiều diện tích trồng cây sa mộc tại xã vùng biên Cốc Pàng (huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng) có nguy cơ trở thành củi đốt. Nguyên nhân bởi số cây sa mộc này đều đang độ tuổi thu hoạch nhưng không có người mua.
Bình luận 0

Theo thống kê từ chính quyền địa phương, xã vùng biên Cốc Pàng của huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng hiện có 119ha diện tích cây sa mộc, chỉ đứng sau diện tích cây sắn, cây hồi. Tuy nhiên người trồng cây sa mộc ở đây hiện đang bế tắc trong việc xử lý diện tích trên do không có đầu ra.

Không có người mua, 119ha cây sa mộc ở xã vùng biên Cốc Pàng có nguy cơ thành củi - Ảnh 1.

Bao học xung quanh trung tâm xã Cốc Pàng, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng là những rừng cây sa mộc.

Sa mộc là giống cây thân gỗ, có giá trị rất cao, có thể dùng trong xây dựng và đóng đồ gia dụng. Tại xã biên giới Cốc Bàng, cây sa mộc được trồng bao quanh các bản làng của đồng bào dân tộc, nhất là tại các thôn Cốc Pàng, Khuổi Xá, Nà Mìa, Nà Luông, Nà Nhùng, Cốc Mòn.

Dẫn chúng tôi vào thôn Nà Luông, ông Hoàng Văn Kháng cho biết, cây sa mộc trước được trồng khá nhiều, hiện phần lớn đã, đang gần đến tuổi khai thác.

"Sa mộc trước chủ yếu được bán sang Trung Quốc, tuy nhiên vài năm trở lại đây phía Trung Quốc không còn thu mua nữa. Người trồng sa mộc sau nhiều năm chăm sóc giờ bế tắc, ngậm ngùi chặt bỏ hoặc để đó làm ván, làm củi", ông Kháng cho biết thêm.

Không có người mua, 119ha cây sa mộc ở xã vùng biên Cốc Pàng có nguy cơ thành củi - Ảnh 2.

Vạt rừng này đã được ông Lưu Văn Hẻn dùng ươm giống cây hồi, bao bọc xung quanh vẫn là những rừng sa mộc lớn.

Ông Lưu Văn Hẻn, Bí thư chi bộ, Trưởng khu Nà Luông chia sẻ, gỗ cây sa mộc rất tốt, người dân ở đây trồng khá nhiều. Tuy nhiên, cây sa mộc chủ yếu được bán sang Trung Quốc, giờ họ không thu mua, trong nước lại không tìm được đầu ra, nên người trồng đành chặt bỏ hoặc để nhà dùng.

Cũng theo ông Hẻn, rừng cây sa mộc của gia đình ông hiện có một số diện tích cây đường kính 40cm, nhưng lại không kiếm đâu được đầu ra.

"Chặt bỏ thì tiếc, mà để vậy lãng phí diện tích đất rừng trồng. Cây nhà tôi trồng cũng đã được hơn 10 năm, có cây cũng 20 năm rồi. Nhiều hộ đã không còn kiên trì đã chặt bỏ để trồng thay thế bằng cây hồi, cây sắn", ông Hẻn cho biết thêm.

Không có người mua, 119ha cây sa mộc ở xã vùng biên Cốc Pàng có nguy cơ thành củi - Ảnh 3.

Ở xã biên vùng biên Cốc Pàng, nhìn đâu cũng chạm những rừng cây sa mộc.

Không có người mua, 119ha cây sa mộc ở xã vùng biên Cốc Pàng có nguy cơ thành củi - Ảnh 4.

Nhiều diện tích cây sa mộc đã được phát phá để trồng cây thay thế do cây sa mộc hiện không có đầu ra.

Không có người mua, 119ha cây sa mộc ở xã vùng biên Cốc Pàng có nguy cơ thành củi - Ảnh 5.

Cây sa mộc tại xã vùng biên Cốc Pàng tuy nhiều diện tích đã được trồng thay thế cây khác nhưng vẫn dễ dàng bắt gặp mọc kín ngay ven đường.

Từ ngã ba thôn Nà Lại phóng tầm mắt ra bốn xung quanh, đâu đâu cũng chạm rừng cây sa mộc. Nhìn bạt ngàn cây sa mộc thẳng đứng như chông, tua tủa hướng lên trời mà người trồng sa mộc ở xã vùng biên này rớt nước mắt, nén tiếng thở dài.

Trao đổi với PV, ông Chu Văn Hòa, Bí thư Đảng ủy xã Cốc Pàng, huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) cho biết, hiện nay đầu ra của cây sa mộc đang hết sức khó khăn, trước chủ yếu bán sang Trung Quốc nhưng giờ không có người mua. Diện tích trồng cây sa mộc tại xã Cốc Pàng khá lớn.

"Chúng tôi đang tính sẽ thay thế dần diện tích cây sa mộc bằng cây hồi hoặc các loại cây khác có giá trị để tránh lãng phí đất. Tại Cốc Pàng, cây hồi đang cho hiệu quả kinh tế cao. Nhiều hộ dân cũng đã bắt đầu chặt sa mộc để trồng hồi", Bí thư Đảng ủy xã Cốc Pàng cho biết thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem