Cao Bằng: Nhà nhà trồng sắn, nhổ lên toàn củ to, tư thương đổ về tranh mua tới nửa đêm

Chiến Hoàng Thứ sáu, ngày 29/01/2021 12:28 PM (GMT+7)
Nhà nhà trồng sắn, cả làng, cả xã được thu hoạch sắn, cây sắn đã giúp nhiều hộ nông dân tại xã vùng biên Cốc Pàng (huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng) ổn định cuộc sống.
Bình luận 0

Nhộn nhịp mùa thu hoạch sắn

Chúng tôi lên xã vùng biên Cốc Pàng của huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng đúng vụ thu hoạch sắn. Suốt dọc đường đi, chúng tôi bắt gặp rất nhiều xe "ba chân" chất đầy sắn xuôi đèo.

Cách trung tâm xã Cốc Pàng chừng 1km, tại ngã ba giao nhau giữa thôn Nà Lại và đường vào thôn Nà Luông, là cảnh tất bật chở, cân và chất sắn lên xe. Ngã ba này có thể nói nhộn nhịp như một chợ đầu mối thực thụ chuyên về sắn.

Sắn được đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Dao… tại các thôn như Nà Lại, Nà Luông, Nà Mìa… chở từ rừng xuống bằng xe máy, sau khi cân xong được máy xúc lật xúc lên xe rất chuyên nghiệp. 12 giờ trưa, sắn vẫn kìn kìn đổ về không ngớt.

Xã vùng biên Cao Bằng thoát nghèo nhờ cây sắn - Ảnh 1.

12 giờ trưa, bà con vẫn còn tất bật đổ hàng, đợi thương lái cân sắn. Ảnh: C.H

Chị Tống Thị Chung (huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn) cho biết, trung bình cứ 3 - 5 ngày chị lại lên thu mua sắn trên này một lần. 

"Sắn được bà con trồng tại các thôn như Nà Lại, Nà Mìa, Nà Luông… của xã Cốc Pàng, cho củ to, chất lượng tốt, nhiều bột nên được giá. Nhìn chung năm nay giá sắn khá ổn định. Trong rừng, lượng sắn của bà con cũng còn rất nhiều" - chị Chung nói.

Anh Đặng Văn Ăn (ở thôn Nà Lại, xã Cốc Pàng) cho biết, cả thôn có 80 hộ thì ước tính có khoảng hơn 70 hộ trồng sắn. Hầu như nhà nào cũng có sắn để bán. 

"Nhà tôi trồng không nhiều, chỉ được hơn 10 tấn thôi, ở xã có nhiều nhà diện tích trồng sắn rất lớn, thu được vài chục tấn. Cây sắn tuy giá trị kinh tế không cao như cây hồi, cây hồi trồng một lần thu hoạch được rất nhiều năm nhưng cây hồi phải chừng 3 - 4 năm mới được thu hoạch lá, cành, còn cây sắn cứ trồng là có thu hoạch trong năm luôn".

Xã vùng biên Cao Bằng thoát nghèo nhờ cây sắn - Ảnh 2.

Tư thương về cân hàng, vận chuyển sắn đưa đi tiêu thụ.

Cũng theo anh Ăn, giá sắn năm nay khá ổn định, và hiện đã tăng nhẹ, đạt 1.600 đồng/kg. Trung bình mỗi cây sắn thu hoạch được khoảng 5kg, nếu chăm sóc tốt còn được nhiều hơn nữa.

Bà Chang Thị Quầy (ở cùng thôn Nà Lại) cũng mang sắn ra bán cho thương lái. Trò chuyện với phóng viên, bà bảo có tuổi rồi, không mang được nhiều sắn đâu. Ở nhà không biết làm gì, chỉ trồng sắn thôi. Không có sắn thì cũng vất vả lắm vì không biết làm gì để ra tiền.

Xã vùng biên Cao Bằng thoát nghèo nhờ cây sắn - Ảnh 3.

Ngã ba Nà Lại thực sự nhộn nhịp như một chợ đầu mối chuyên về sắn. Ảnh: C.H

Hiện nay các công ty, tư thương từ các tỉnh như Vĩnh Phúc, Phú Thọ… đều đổ về Cao Bằng và cạnh tranh để mua được sắn của bà con. Thậm chí 12 giờ đêm bà con vẫn mua bán sắn. Thu nhập từ sắn rất đáng kể, nhất là ở xã vùng biên Cốc Pàng.

Cây lấy ngắn nuôi dài

Ông Lưu Văn Hẻn - Bí thư Chi bộ, Trưởng xóm Nà Luông cho biết, thôn có hơn 70 hộ thì gần như nhà nào cũng trồng sắn.

"Cây sắn bổ trợ thêm, lấy ngắn nuôi dài, giúp cho người dân có thu nhập, nhất là khi cây hồi mới trồng chưa cho thu hoạch thì cây sắn, cây sở tại địa phương là cây giúp bà con có đồng ra đồng vào" - Bí thư Chi bộ thôn Nà Luông cho hay.

Chia sẻ với phóng viên, ông Lý Thanh Chì - Chủ tịch UBND xã Cốc Pàng cho biết, xã có 5 xóm vùng biên thì hiện nay các xóm vùng biên đều phát triển. Nhìn chung, địa phương đã xác định được cây, con phù hợp để bà con tập trung phát triển kinh tế. Diện tích sắn hiện có của xã hơn 600ha.

"Cây sắn cho thu nhập tốt hơn chăn nuôi. Tuy nhiên trồng sắn cũng có cái hại là làm cho đất nhanh bạc màu. Thường chỉ được khoảng 3 - 4 năm đã phải vào thêm phân hoặc trồng hồi thay thế vào những nơi đã canh tác sắn" - ông Chì cho biết thêm.

Theo ông Nguyễn Ích Chánh - Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc, mấy năm trước chủ yếu sắn củ được xuất bán sang Trung Quốc, tuy nhiên từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của Covid-19 nên sắn không "đi" được. 

"Chúng tôi cũng rất lo về đầu ra. Do thị trường Trung Quốc đóng băng nên buộc phải tìm đầu ra khác, cũng nhờ đó mới biết sắn củ ở thị trường trong nước rất tiềm năng. Nếu không có dịch Covid-19, người trồng sắn cũng khó hình dung thị trường sắn củ trong nước lại sôi động đến vậy" - ông Chánh nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem